Người dân Kim Liên bảo vệ an toàn giao thông đường sắt

11/01/2021 21:27

Tình hình tai nạn giao thông đường sắt tại xã Kim Liên (Kim Thành) 5 năm qua chuyển biến tích cực. Đây là hiệu quả rõ rệt từ việc triển khai mô hình Cụm liên gia bảo đảm an toàn giao thông của địa phương.


 Người dân đứng cảnh báo tại những điểm giao cắt đường sắt không có rào chắn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông

Một ngày cuối tháng 5.2013, người dân thôn Lương Xá nam, xã Kim Lương (nay là xã Kim Liên, Kim Thành) bàng hoàng chứng kiến vụ tai nạn đường sắt khiến 1 người chết. Người khóc thương, người cố gắng trợ giúp đưa nạn nhân xấu số ra khỏi hiện trường, đoàn tàu im lìm đứng đó như nhuốm thêm màu tang thương cho vụ tai nạn. Vài tháng sau đó, tại km 81+260 đường sắt Hà Nội-Hải Phòng cũng thuộc địa bàn xã, một vụ tai nạn đường sắt khác xảy ra khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Tháng 1.2015, người dân xã Kim Liên tiếp tục chứng kiến vụ tai nạn đường sắt khác làm 1 người chết. Vừa ven quốc lộ vừa ven đường sắt, những vụ tai nạn đã khiến người dân nơi đây luôn phải sống trong tình cảnh bất an, lo lắng.

Với thực tế phức tạp về giao thông, nhất là giao thông đường sắt, đầu năm 2016, Công an xã Kim Lương cũ đã khảo sát và đăng ký mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, trật tự an toàn xã hội. Thời điểm đó, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng đi qua thôn Cổ Phục nam của xã có 4 đường trục chính và 25 đường dân sinh giao cắt đường sắt. Toàn bộ 28 hộ dân với 113 nhân khẩu sinh sống ven đường sắt khi đó đều tự nguyện đăng ký tham gia mô hình. Với sự đồng thuận cao từ người dân, UBND xã Kim Lương đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình “Cụm liên gia bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, trật tự an toàn xã hội” trên địa bàn xã.

Đến nay, sau 5 năm triển khai, tất cả các hộ dân ở đây đều tham gia mô hình. Nổi bật nhất là sự tham gia tích cực của gần 1.400 hộ dân tại 2 thôn Lương Xá nam và Cổ Phục nam, khu vực ven đường sắt. Trên các tuyến đường giao cắt đường sắt không có rào chắn, các hộ dân thay phiên nhau làm nhiệm vụ cảnh báo và nhắc nhở người dân dừng chờ tại vị trí an toàn mỗi khi có tàu đi qua. Cũng nhờ sự tích cực đó, rất nhiều người đã may mắn thoát khỏi tai nạn. Bà Lê Thị Nghị ở đội 1 thôn Lương Xá nam kể lại: “Tháng 8.2019, khi đứng cảnh báo như thường lệ, một xe ô tô đi từ trong thôn ra quốc lộ 5 không có biểu hiện giảm tốc độ để dừng lại dù đoàn tàu đang lao đến. Có thể do không để ý nên dù tôi ra sức vẫy cờ cảnh báo nhưng chiếc xe vẫn từ từ lăn bánh. Không chần chừ, tôi lao ra giữa đường, giơ ngang hai tay để chặn chiếc xe lại. Vừa kịp lúc đoàn tàu vù vù chạy qua. Cả thảy gần chục người trên xe, từ cụ già đến trẻ nhỏ đã thoát khỏi vụ tai nạn thảm khốc trong gang tấc".

Với bà Nghị hay rất nhiều người dân khác trong thôn, những người tham gia mô hình Cụm liên gia bảo đảm trật tự ATGT đường sắt từ những ngày đầu tiên, việc cảnh báo như thế đã trở thành thói quen. Nhưng với người tham gia giao thông, nhất là những người từ nơi khác đến, họ là những “rào chắn đường sắt có trái tim”. Cũng từ đó, đã 5 năm nay, địa bàn xã Kim Liên không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào.

Ông Vũ Ngọc Uông, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: “Căn cứ vào giờ tàu chạy, xã gửi thông tin để các hộ dân cảnh báo người đi đường. Từ khi triển khai mô hình, địa bàn xã không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, tinh thần một người vì mọi người của các hộ dân đã tạo sự lan tỏa sâu rộng. Đây chính là hiệu quả kép mà mô hình bảo đảm ATGT của xã mang lại, góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn trên địa bàn xã”.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế và bảo đảm trật tự ATGT đường sắt năm 2020 được Công an tỉnh và Tiểu ban An ninh trật tự, ATGT đường sắt tỉnh tổ chức cuối năm 2020, hiệu quả của mô hình này một lần nữa được nhắc đến. Phát biểu tại hội nghị đó, Thiếu tá Nguyễn Quang Hiếu, Phó Trưởng Công an huyện Kim Thành cho biết từ hiệu quả mô hình cụm liên gia bảo đảm trật tự ATGT tại xã Kim Liên, nhiều xã khác của huyện đã học tập và từng bước triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả là thế nhưng mô hình chưa được tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả một cách chính thức. Đây là hạn chế có thể khiến hoạt động của mô hình dần theo hướng tự phát. Chừng nào các hộ dân tham gia mô hình không được tập huấn về công tác hướng dẫn, cảnh báo cũng như không được cấp còi, cờ cảnh báo đồng bộ, nguy cơ tai nạn đường sắt vẫn rất lớn. “Cần sớm tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả mô hình, từ đó nhân rộng trên toàn địa bàn huyện cũng như các địa phương có tuyến đường sắt đi qua”, Thiếu tá Nguyễn Quang Hiếu đề xuất.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Người dân Kim Liên bảo vệ an toàn giao thông đường sắt