Nỗi lo học sinh ra đường: Bài 2: Những "hung thần" mới

13/11/2019 10:04

Không cần giấy phép lái xe, vừa túi tiền... nên xe đạp điện (XĐĐ), xe máy điện (XMĐ) và xe gắn máy được nhiều gia đình lựa chọn làm phương tiện cho con đi học...

>> Bài 1: Bất an ở... cổng trường an toàn


Nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường không chấp hành các quy định về giao thông 

Tung hoành

Theo quy định hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi XMĐ, 17 tuổi trở lên được đi xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối). Còn XĐĐ không quy định độ tuổi, nghĩa là trẻ em cứ đi được là đi.

Quy định hiện nay chỉ bắt buộc những người điều khiển các loại xe này phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, cài quai đúng quy cách, xe phải được đăng ký. Hiện không có quy định nào về việc người điều khiển phải có giấy phép lái xe.

Điều này đồng nghĩa với việc học sinh đi XĐĐ, XMĐ, xe gắn máy đều chưa được học các quy định về giao thông như biển báo, tình huống giao thông... Vì vậy, học sinh sử dụng XĐĐ, XMĐ còn rất hạn chế trong nhận thức về pháp luật giao thông, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm khi đi đường.

Do tâm lý lứa tuổi, nhiều học sinh đi XĐĐ, XMĐ thường ganh đua với bạn bè trên đường hoặc đi bạt mạng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Camera hành trình của một chiếc ô tô đã ghi lại cảnh thót tim tại ngã tư Sao Đỏ (TP Chí Linh) vào ngày 9.10.

Một học sinh đi xe gắn máy đã vượt đèn đỏ lách lên và tạt đầu hàng loạt xe khác. Bị bất ngờ, lái xe một chiếc xe tải không phanh kịp đã tông phải. Xe gắn máy nằm gọn trong gầm ô tô còn học sinh bay ra xa...

Chị N. nhà ở phố Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương) đang là giáo viên một trường tiểu học ở huyện Cẩm Giàng đã từng phải đến một trung tâm y tế để chụp X-quang sau khi bị một học sinh đi XĐĐ lao vào từ phía sau ngay trước cửa nhà.

Mặc dù chỉ bị bong gân chân nhưng đến nay chị vẫn rất ám ảnh với loại xe này. "Ở phố Hoàng Văn Thụ vào giờ học sinh đến trường và tan học luôn dày đặc XĐĐ, XMĐ, nhiều em còn đi xe máy. Rất nhiều em đi dàn hàng ngang, lạng lách.

XĐĐ hầu như không phát ra tiếng động nên người đi phía trước rất khó phát hiện. Ở quê cũng vậy, những lần về chúng tôi đều đi lại rất khó khăn do học sinh đi XĐĐ, XMĐ dàn ra đường", chị N. nói.

Theo trung tá Nguyễn Thái Học, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương, từ đầu năm đến nay, đội đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai, vượt đèn đỏ...

Trong số này có rất nhiều học sinh đi XĐĐ, XMĐ. "Với những gì đang diễn ra, nếu gia đình, nhà trường không phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để giáo dục, quản lý, xử lý thì XĐĐ, XMĐ có thể còn gây nguy hiểm như mô tô, xe máy và sẽ làm cho nhiều học sinh nhờn luật", trung tá Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Lượng xe tăng cao

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, số lượng XĐĐ, XMĐ đã và đang tăng rất mạnh tại Hải Dương. Theo Thông tư số 54/2015/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1.7.2015, XĐĐ, XMĐ mới phải đăng ký biển kiểm soát nhưng trước đó cả tỉnh đã có trên 25.000 xe đăng ký. Chưa kể một số lượng khá lớn XĐĐ, XMĐ trôi nổi, không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, không thể đăng ký nên chưa nắm bắt được.

Năm 2018, bộ phận đăng ký của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và một số Công an cấp huyện được phân cấp đăng ký quản lý phương tiện đã tiếp nhận 10.706 hồ sơ XĐĐ, XMĐ đăng ký, tăng 1.973 xe so với năm 2017.

Chỉ trong 10 tháng năm nay, các bộ phận trên đã đăng ký cho 8.148 xe. Toàn tỉnh đang quản lý gần 70.000 XĐĐ, XMĐ, chưa kể số xe không có hồ sơ quản lý (không đăng ký).

Các đại lý XĐĐ, XMĐ được mở ra ở khắp nơi trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo chủ một số đại lý ở TP Hải Dương, hầu hết số xe này được học sinh sử dụng.

Mặc dù gần đây lượng bán ra giảm nhẹ do số xe đã dần bão hòa nhưng XĐĐ, XMĐ vẫn luôn được học sinh ưa chuộng. Với cha mẹ học sinh, việc sắm cho con XĐĐ, XMĐ để đi học cũng là lựa chọn gần như đương nhiên khi con có thể tự đi xe mà không phải đưa đón. "Không chỉ XĐĐ, XMĐ, vài năm gần đây nhiều người còn mua xe gắn máy loại dưới 50 phân khối cho con đi bởi không cần bằng lái.

Chỉ cần đổ xăng vào là chạy, tiện lợi khi di chuyển xa nhưng giá bán chỉ từ 12-15 triệu đồng", chủ cửa hàng XĐĐ, XMĐ Long Loan ở 317 Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho biết.

Còn theo chủ cửa hàng XĐĐ, XMĐ Tiến Nam cũng ở đường Lê Thanh Nghị, XĐĐ, XMĐ được bán đều quanh năm nhưng nhiều nhất là vào dịp đầu năm học. Các mẫu xe bán chạy như Dibao, 133s, X-Men... giá từ 13- 17 triệu đồng/chiếc, vận tốc có thể lên tới 50 km/giờ tuỳ lượng điện.

TIẾN HUY - ĐỖ QUYẾT

Kỳ sau: Phớt lờ Luật Giao thông đường bộ

(0) Bình luận
Nỗi lo học sinh ra đường: Bài 2: Những "hung thần" mới