Nỗi lo học sinh ra đường: Bài cuối: Tai nạn thương tâm

15/11/2019 09:17

​Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra với học sinh ngày càng nhiều khiến xã hội hết sức quan tâm.

>> Bài 3: Phớt lờ Luật Giao thông đường bộ

>> Bài 2: Những "hung thần" mới

>> Bài 1: Bất an ở... cổng trường an toàn


Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 2 em học sinh tử vong tại Nam Sách hồi cuối tháng 9 vừa qua

Ám ảnh

Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói về vụ TNGT nghiêm trọng làm 2 học sinh ở xã Phú Điền (Nam Sách) chết hồi cuối tháng 9 vừa qua. Còn đối với chị Nguyễn Thị L., cái chết của con gái (cháu Nguyễn Thị Huyền T.) hôm đó có lẽ sẽ ám ảnh chị suốt phần đời còn lại. Hằng đêm, chị vẫn thường khóc gọi tên con trong vô vọng. Cùng tử nạn hôm ấy còn có Lê Đức L. - bạn học chung lớp với T.

Em Vũ Tiến Đ. (lớp 10A, Trường THPT Nam Sách II) là bạn học của 2 nạn nhân kể lại: “Em và 2 bạn học với nhau từ nhỏ nên rất thân thiết. Hai bạn ấy ngoan hiền, thường xuyên giúp đỡ nhau trong học tập. Sáng 30.9, chúng em vẫn đến trường học. Vậy mà đầu giờ chiều đã nghe tin dữ. Các bạn trong lớp, trong trường đều rất sốc”.

Cũng ở Nam Sách, ngày 25.12.2017, tại quốc lộ 37 đoạn qua xã Quốc Tuấn, hai học sinh là Mạc Trung K. và Nguyễn Văn T. (cùng sinh năm 2002, ở xã Thanh Quang) chở nhau bằng xe gắn máy đã va chạm với mô tô ngã ra đường và bị ô tô đầu kéo cán phải. Hậu quả, 1 em chết, 1 em bị thương.

TNGT thảm khốc nhất đối với học sinh Hải Dương đến thời điểm này là vụ xảy ra lúc 18 giờ 55 ngày 25.2.2018 tại khu vực đường vào cầu cảng Phú Thái (thị trấn Phú Thái, Kim Thành). Khi đó, trên mô tô 34B3- 723.45 có 3 em gồm Phạm Trung T. (sinh năm 2003), Vũ Văn C. và Trần Đức L. (cùng sinh năm 2002, ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên, Kim Thành) đã va chạm với ô tô đầu kéo đi từ cảng Phú Thái ra quốc lộ 5.

Vụ tai nạn làm T. chết tại chỗ, C. chết tại bệnh viện, còn L. bị chấn thương sọ não, gẫy tay phải, gẫy xương hàm. Khi xảy ra tai nạn, C. và L. là học sinh lớp 10, còn T. đang học lớp 11. Ở Kim Thành, gần đây nhất vào ngày 23.7, em Nguyễn Quốc H. ở thôn Thanh Liên (xã Cộng Hòa) tử vong do bị một chiếc ô tô tải đâm vào khi em đứng chờ sang đường trên quốc lộ 5. Nếu không xảy ra TNGT, năm học 2019-2020 em sẽ trở thành học sinh Trường THPT Kim Thành II...

Trong 10 tháng năm nay, có 10 vụ TNGT liên quan đến người dưới 18 tuổi. Có 4 vụ tai nạn giữa xe máy điện, xe đạp điện với mô tô, ô tô làm 5 người chết, 2 người bị thương. Các nạn nhân có cả học sinh tiểu học.

Hậu quả dai dẳng

Tháng 1.2018, đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Lộc, Nguyễn Đức H.N. (sinh năm 2000, ở khu 5, thị trấn Gia Lộc) bị một chiếc xe tải tông trúng. Tai nạn khiến N. phải cưa chân phải. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, 3 tháng dài nằm viện, với N. dài đằng đẵng giống như 3 năm, mọi ước mơ, hoài bão dường như sụp đổ.

Đấy cũng là khoảng thời gian kinh tế gia đình em vốn đã không dư dả lại thêm phần kiệt quệ. 200 triệu đồng tiền chữa trị phải vay mượn là số tiền quá lớn đối với gia đình và đến nay chưa trả hết. Nay đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội nhưng hậu quả của vụ TNGT không những khiến N. mất đi một phần cơ thể mà còn mang nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời.

"TNGT không chừa một ai. Tôi luôn dặn dò các cháu đi lại cẩn thận, nhưng chỉ một tích tắc N. đã phải chịu hậu quả lớn", chị Nguyễn Thị H., mẹ của N. cho biết.

Còn đối với Nguyễn Đức D., học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), vụ TNGT từ cuối năm học trước đến nay vẫn để lại di chứng nặng nề. Trên đường đi học về, D. bị một chiếc xe máy từ phía sau đâm tới. Bàn tay bị dập nát vẫn đang được hàn gắn bằng hàng chục đinh vít, đôi chân chưa co duỗi được. Hằng ngày, D. đến lớp nhưng không chép được bài mà phải nhờ các bạn và chưa biết khi nào mới trở lại bình thường.

Nghiêm trọng hơn là trường hợp của Lê Văn S., học sinh lớp 8B, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Sau vài tháng bị TNGT, S. vẫn nằm một chỗ vì bị gẫy chân. Do di chứng của chấn thương sọ não, hằng ngày các bạn cùng lớp phải đến chuyện trò để giúp em phục hồi trí nhớ. Mọi sinh hoạt của S. phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bố mẹ, học hành đình trệ. Kinh tế gia đình kiệt quệ.

Học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương. Khi bị TNGT nếu may mắn không thiệt mạng thì nhiều em cũng bị ảnh hưởng sức khỏe, sang chấn tâm lý lâu dài. Vì vậy, làm gì để bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh cần được các cấp, các ngành quan tâm.

Ngoài dạy kiến thức, các trường cần dạy các em về kỹ năng sống, tham gia giao thông có văn hóa, an toàn và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm. Đối với gia đình, trước hết cha mẹ phải làm gương cho con cái khi tham gia giao thông.

Năm học 2019-2020, Hải Dương có tổng số 938 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với 456.432 học sinh, tăng 13.268 em so với năm học trước. Số lượng học sinh tham gia giao thông rất đông.

Theo ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, ngành giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông.

Thay đổi lớn nhất là các tiết học về an toàn giao thông được lồng ghép trong các ngày học chính khóa. Qua đó mong muốn học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT.

TIẾN HUY - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nỗi lo học sinh ra đường: Bài cuối: Tai nạn thương tâm