Brexit: Lời từ biệt hay lời chào tạm biệt?

30/01/2020 14:40

Sau khi Anh rời đi vào ngày 31.1, Vương quốc Anh sẽ vẫn duy trì các thỏa thuận kinh tế với EU cho đến cuối năm 2020 mặc dù họ sẽ không có tiếng nói trong việc đưa ra các chính sách...


Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 31.12

Hôm 29.1, các nhà lập pháp châu Âu cuối cùng đã ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là vấn đề Brexit, sau một cuộc tranh luận với đủ những lời yêu thương nồng nhiệt lẫn những lời cảnh báo cứng rắn để Anh không tìm kiếm quá nhiều nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới cho mối quan hệ tương lai.  

Cụ thể, Nghị viện châu Âu (EP) đã chấp thuận các điều khoản để Anh rời EU với số phiếu áp đảo- một quyết định quan trọng cuối cùng trong hành trình Brexit kéo dài suốt 4 năm qua. Với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, EP đã chính thức thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đàm phán với 27 nhà lãnh đạo EU khác vào mùa thu năm 2019.

Mặc dù ủng hộ sự ra đi của Anh sau khi nước này trưng cầu dân ý hồi tháng 6.2016, các nước EU đã chuẩn bị cho khả năng rằng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với Anh có thể sụp đổ vào cuối năm 2020 và kế hoạch về một Brexit không thỏa thuận cho một kết thúc hỗn loạn trong giai đoạn chuyển tiếp là điều cần thiết.

Sau khi Anh rời đi vào ngày 31.1, Vương quốc Anh sẽ vẫn duy trì các thỏa thuận kinh tế với EU cho đến cuối năm 2020 mặc dù họ sẽ không có tiếng nói trong việc đưa ra các chính sách bởi họ không còn là thành viên của EU nữa. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Chúng tôi sẽ luôn yêu quý các bạn và sẽ không bao giờ cách xa”.

Anh là quốc gia đầu tiên rời EU và đối với nhiều người ở châu Âu, thời điểm họ chính thức ra đi lúc 23 giờ ngày 31.1 theo giờ London sẽ là một khoảnh khắc buồn sâu thẳm và khiến số lượng thành viên của khối giảm xuống còn 27 quốc gia. Nhà đàm phán của EP về vấn đề Brexit Guy Verhofstadt nói rằng “cuộc bỏ phiếu này không phải là một lời từ biệt” mà “chỉ là một lời chào tạm biệt”.

Khi chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa, các nhà lập pháp đã phê chuẩn thỏa thuận “ly hôn” vốn sẽ chấm dứt tư cách thành viên suốt 47 năm qua của Anh. Đồng thời, cuộc bỏ phiếu cũng cắt giảm 73 nghị sĩ Anh khỏi cơ quan lập pháp gồm 751 ghế này - nơi những người ủng hộ Brexit cứng rắn luôn là một lực lượng "phức tạp" trong nhiều năm. “Mọi chuyện đã kết thúc”. Đó là nhận định của Nigel Farage, một người đã tham gia vận động cho Brexit suốt 2 thập kỷ qua.

Hiện giờ, các cuộc đàm phán sẽ chuyển sang vấn đề hai bên hợp tác như thế nào trong tương lai. Anh đang tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trong vòng 11 tháng. Khoảng thời gian đó được nhiều nhà quan sát coi là quá tham vọng bởi các cuộc thảo luận về thương mại thường có thể kéo dài trong nhiều năm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng tôi sẽ không nhún nhường trước bất kỳ sức ép nào. Điều phải ưu tiên là xác định những lợi ích của EU trong ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn và bảo vệ chúng”.

EU đã nói rằng một khoảng thời gian như vậy là quá ngắn và vẫn lo ngại rằng một sự ra đi đầy hỗn loạn vẫn có thể xảy ra vào cuối năm nay nếu quá trình chuyển tiếp kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Monchalin đánh giá: “Sự gấp rút trong 11 tháng sẽ chẳng thể khiến chúng ta phải vội vàng, phải chấp nhận thỏa hiệp mà làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta. Một hiệp ước thương mại là một thỏa thuận kéo dài vài thập kỷ và chúng ta nên đảm bảo rằng chúng ta luôn đặt các vấn đề cơ bản về nội dung trước các vấn đề về thời gian”.

Mặc dù lực lượng đặc nhiệm của Ủy ban châu Âu, đứng đầu là chính trị gia Michel Barnier đang đàm phán thay mặt EU nhưng tác động của các quốc gia lớn như Pháp và Đức đối với các cuộc đàm phán này vẫn rất quan trọng.

Bà De Montchalin nói rằng nếu Anh không yêu cầu kéo dài thời gian chuyển tiếp trước mùa hè, cả hai bên sẽ phải đối mặt với một kịch bản chông chênh vào cuối năm, khi mà biên giới có thể bị đóng cửa, thuế quan được đưa ra và các quy tắc thay đổi qua đêm, gây bất lợi cho thương mại. Bà nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thảo luận rất lâu về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một kịch bản như vậy, thông qua các biện pháp dự phòng mà chúng tôi phải tiếp tục hoạt động để sẵn sàng cho mọi viễn cảnh sau cùng”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit: Lời từ biệt hay lời chào tạm biệt?