Mỹ - Trung và ván cờ hạt nhân Triều Tiên

18/10/2018 15:59

Chừng nào Trung Quốc còn hỗ trợ trong bối cảnh Triều Tiên bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt kinh tế, chừng đó Bắc Kinh còn sở hữu “con át chủ bài” đối với Bình Nhưỡng.


    Triều Tiên là "quân bài" quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc

Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang ngày một xấu đi do cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cải thiện mối quan hệ trong tương lai, khi đó sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực rất có khả năng sẽ đi theo chiều hướng xấu thêm.

Đòn trực diện của Washington

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Chính quyền của ông Trump cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp trong các cuộc bầu cử Mỹ cộng với những đe dọa quân sự từ hai bên tại khu vực Biển Đông khiến chính quyền Tập Cận Bình ngày một tập trung hơn vào những lợi ích an ninh. Theo nhiều nhà quan sát, dường như “nước cờ cuối” Bắc Kinh toan tính nhằm nhìn rõ “tâm ý” Triều Tiên - vốn được cho là đang dần “rơi vào” tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Sau chuyến thăm Triều Tiên hồi đầu tháng 10 vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ, những tín hiệu tích cực trong mối quan hệ Mỹ-Triều dường như được cải thiện. Bình Nhưỡng cho phép các thanh sát viên quốc tế tác nghiệp bên trong lãnh thổ nước này, tại các cơ sở hạt nhân và bãi thử tên lửa quan trọng.

Đây được coi là động thái thiện chí rõ ràng từ Bình Nhưỡng bên cạnh lộ trình tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 trong thời gian tới. Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa vẫn là vấn đề hóc búa nhất mà Mỹ-Triều phải giải quyết nếu Donald Trump và Kim Jong-un muốn ghi tên mình vào lịch sử. Đặc biệt về khái niệm phi hạt nhân hóa, điều mà cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang tồn tại bất đồng.

Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa là quá trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Cho đến khi Washington đạt được CVID, hầu như không có cơ hội để có thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như những biện pháp trừng phạt thương mại khác nhằm vào Bình Nhưỡng. Cũng chính vì thế, Nhà Trắng đã cáo buộc Bắc Kinh cũng như Moscow tìm cách giúp Triều Tiên tránh né các biện pháp trừng phạt từ Liên hợp quốc.

Về phần mình, trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua, Bình Nhưỡng khẳng định rằng nước này sẽ không chấp nhận từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn tồn tại. Từ Bắc Kinh, xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang dường như làm cho Trung Quốc không thể tập trung vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” Mỹ-Triều. Trung Quốc cho rằng những áp đặt thuế quan trong xung đột thương mại thời gian qua, cộng với sự hậu thuẫn từ Mỹ dành cho Đài Loan là “cú đánh trực diện” vào lòng tin trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Theo nhiều chuyên gia, “đòn kinh tế” và những bước đi chính trị khiến Trung Quốc không thể tập trung vào vấn đề Triều Tiên đang là mục tiêu chiến lược của Mỹ. Thực tế, Bắc Kinh dường như ít quan tâm hơn đến vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Phi hạt nhân hóa kiểu Mỹ

Tới nay, vẫn chưa rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” và “bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân” có nghĩa là gì. Nhiều nhà phê bình bảo thủ ở Hàn Quốc cho rằng, “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” có thể bao gồm phi hạt nhân hóa chiếc ô hạt nhân của Mỹ và các tài sản chiến lược của Mỹ xung quanh bán đảo Triều Tiên. Song, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Donald Trump có điều chỉnh quan điểm hạt nhân ở Đông Bắc Á chỉ vì vấn đề Triều Tiên hay không.

Tại hội nghị thượng đỉnh Sentosa, Donald Trump đã cân nhắc phương thức đàm phán không chỉ với Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Washington đã ám chỉ khả năng về sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Hàn khi đề cập đến sự suy yếu cam kết an ninh Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Washington nhiều khả năng sẽ bố trí lại quân đội và các nguồn lực Mỹ ở nước ngoài. Điều này không chỉ liên quan đến sự hiện diện của Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK), mà còn cả khả năng Hàn Quốc sẽ phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho lực lượng này.

Tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 tới đây, nếu tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa diễn ra, rất có thể Triều Tiên sẽ nêu vấn đề hạt nhân Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, theo nhận định từ nhiều chuyên gia, quan điểm hạt nhân của Mỹ sẽ được duy trì, đặc biệt về Trung Quốc và Nga. Chiếc ô hạt nhân của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên có thể thay đổi, song chiến lược hạt nhân đối với Trung Quốc và Nga sẽ là điều bất biến. Rốt cuộc, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên có thể kết thúc nhưng cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới tại Đông Á có thể trỗi dậy.

Ngoài ra, có sự tiến thoái lưỡng nan giữa phi hạt nhân hóa và sự bảo đảm chế độ trong vấn đề Triều Tiên - điều gì sẽ diễn ra trước? Bình Nhưỡng khẳng định rằng chính Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó là lý do vì sao Bình Nhưỡng lâu nay luôn yêu cầu về một hiệp ước hòa bình, trước khi thiết lập bất cứ bước tiến cụ thể nào về phi hạt nhân hóa.

Chừng nào Trung Quốc còn hỗ trợ trong bối cảnh Triều Tiên bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt kinh tế, chừng đó Bắc Kinh còn sở hữu “con át chủ bài” đối với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh có cản trở nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà Mỹ đang hướng tới hay không sẽ phụ thuộc vào “thái độ hợp tác” Mỹ-Trung, vốn được đánh giá là đang trên đà lao dốc. Nhưng một điều chắc chắn, Trung Quốc sẽ không “để mất” Triều Tiên.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Trung và ván cờ hạt nhân Triều Tiên