Sự chia rẽ và bất đồng khó hóa giải thử thách nước Mỹ

07/01/2021 19:56

Những gì diễn ra trong ngày 6.1 đang khoét sâu thêm sự chia rẽ và bất đồng không chỉ trên chính trường mà cả trong xã hội Mỹ.

Sau một năm đầy biến động với vô vàn khó khăn và thử thách, bước vào những ngày đầu của năm mới 2021, không ít người dân Mỹ đã đặt nhiều hy vọng vào một nước Mỹ sẽ được hàn gắn, thống nhất và đoàn kết sau ngày 6.1 (theo giờ Mỹ), thời điểm Quốc hội Mỹ chính thức tuyên bố tổng thống đắc cử. Sự kiện này cũng được coi là dấu mốc chấm dứt mọi hoài nghi và tranh cãi pháp lý liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020. 

Trong tiến trình bầu cử Mỹ, thông thường, ngày lưỡng viện Quốc hội triệu tập một phiên họp chung nhằm kiểm đếm và xác nhận số phiếu bầu của cử tri đoàn, qua đó công bố chính thức người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chỉ mang tính hình thức. Và chiều 7.1 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng đã hoàn tất quá trình đếm phiếu đại cử tri, qua đó xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ.


 Cảnh sát chống bạo động Mỹ được triển khai đối phó người biểu tình quá khích ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC., ngày 6.1.2021

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.

Tuy nhiên, do những tranh cãi kéo dài kể từ ngày cử tri cả nước bỏ phiếu bầu tổng thống đầu tháng 11 năm ngoái, ngày 6.1 năm nay, cùng với ngày 5.1 khi diễn ra cuộc đua bổ sung vào thượng viện tại bang Georgia, đã trở thành những sự kiện vô cùng quan trọng, thu hút mọi sự chú ý của dư luận bởi nó sẽ quyết định tương lai chính trường Mỹ trong những năm tiếp theo.

Bang Georgia phải tiến hành hai cuộc bầu cử bổ sung vì trong cuộc đua trước đó, không có ứng cử viên nào đạt được 50% số phiếu bầu để giành ghế thượng viện.


Phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ được nối lại sau khi bị gián đoạn do người biểu tình quá khích đột nhập tòa nhà cơ quan lập pháp, tại Washington, DC, ngày 6.1.2021

Chính vì vậy, trong những ngày này, nước Mỹ vốn đã trong tình trạng “bị chia đôi” từ sau ngày bầu cử 3.11.2020, dường như đang chìm trong lo âu và căng thẳng.

Người dân Mỹ cũng nín thở theo dõi sự kiện Quốc hội nhóm họp chiều 6.1 (rạng sáng 7.1 giờ Việt Nam) bởi có nhiều dự báo về khả năng xảy ra những diễn biến phức tạp và kịch tính. Trước đó, ít nhất 14 thượng nghị sĩ cũng như khoảng 140 hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa cho biết sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả của đại cử tri tại một số bang dao động.

Cùng với đó, phát biểu với đám đông người ủng hộ ở thủ đô Washington DC trước cuộc họp của Quốc hội, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tiếp tục khẳng định ông sẽ không nhượng bộ và không chấp nhận bỏ cuộc.

Ngay khi phiên họp chung của Quốc hội đang diễn ra, hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington D.C cũng như Đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội, nhằm phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.


Người biểu tình quá khích ủng hộ Tổng thống Donald Trump tìm cách đột nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC., ngày 6.1.2021

Các cuộc biểu tình bên ngoài khu vực Quốc hội đã biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội.

Trước diễn biến căng thẳng và phức tạp, cảnh sát Mỹ đã phải phong tỏa các tòa nhà, yêu cầu các nhân viên sơ tán khỏi tòa nhà Cannon và tòa nhà Madison trên Đồi Capitol, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông người biểu tình. Tuy nhiên, cuộc đụng độ đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng.

Diễn biến chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đã khiến phiên họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 phải tạm ngừng và những người đang ở bên trong tòa nhà được yêu cầu trú ẩn.

Phó Tổng thống Mike Pence, chủ trì phiên họp, cùng nhiều nghị sỹ khác được sơ tán tới nơi an toàn.


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (phải) và Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence chủ trì phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC, ngày 6.1.2021

Nhằm đối phó với tình hình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cử Lực lượng Vệ binh quốc gia tới hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của thủ đô, trong khi Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser đã phải ban hành lệnh giới nghiêm, theo đó bắt đầu áp dụng từ 18 giờ cùng ngày và có hiệu lực tới 6 giờ sáng 7.1. Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi hòa bình và đề nghị người biểu tình về nhà.

Tối 6.1 (giờ Mỹ, sáng 7.1 giờ Hà Nội), những người biểu tình quá khích đã bị lực lượng chức năng vô hiệu hóa và buộc rời khỏi khu vực Quốc hội, các nghị sĩ nối lại cuộc họp xác nhận vị tổng thống tiếp theo khi tình hình an ninh trật tự tại tòa nhà Quốc hội được thiết lập trở lại.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp, quan chức và cựu lãnh đạo Mỹ, lãnh đạo nhiều nước cũng như Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại và lên án những hành động bạo lực xảy ra tại khu vực trụ sở Quốc hội Mỹ.

Nhiều ý kiến đánh giá nền dân chủ Mỹ đang phải hứng chịu một vụ tấn công chưa từng có, đồng thời kêu gọi tôn trọng kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên án những kẻ thực hiện hành vi quá khích này. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng những đối tượng xông vào Đồi Capitol không phải là những người phản đối mà là những kẻ nổi loạn phải bị truy tố.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Kentucky Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, tuyên bố phản đối các nỗ lực nhằm thách thức kết quả kiểm phiếu đại cử tri, đồng thời nhấn mạnh các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là không đủ thuyết phục.

Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng đây không phải biểu tình mà là cuộc nổi loạn, đồng thời khẳng định công việc trong 4 năm tới của ông chính là khôi phục nền dân chủ Mỹ.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung vào thượng viện ở Georgia, một cuộc đua nước rút quan trọng giúp đảng này kiểm soát hiệu quả hơn chính phủ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Theo đó, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ là Raphael Warnock và Jon Ossoff đã lần lượt đánh bại hai thượng nghị sỹ đương nhiệm đảng Cộng hòa là Kelly Loeffler và David Perdue. Nếu kết quả này chính thức được xác nhận, số ghế tại thượng viện sẽ được chia đều 50-50 cho cả hai đảng, khi đó lá phiếu của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ có tiếng nói quyết định vì theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Mỹ sẽ đồng thời là Chủ tịch Thượng viện.


Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6.1.2021

Như vậy, Đảng Dân chủ sẽ lần đầu tiên kể từ năm 2015 giành quyền kiểm soát Thượng viện và điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền mới của ông Joe Biden trong việc lập trình, triển khai các chương trình nghị sự, đồng thời giáng một đòn mạnh đối với đảng Cộng hòa, bởi trước đó đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong ngày 6.1 đang khoét sâu thêm sự chia rẽ và bất đồng không chỉ trên chính trường mà cả trong xã hội Mỹ, khi mà nước Mỹ hơn bao giờ hết cần sự đoàn kết, nhất trí để vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, tới nay số ca nhiễm và tử vong đều cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 21,8 triệu và khoảng 370.000 ca tử vong.

Đại dịch cũng dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng sắc tộc ngày càng sâu sắc liên quan tới vấn đề quyền lợi của người da màu ở Mỹ.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng kép và chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm tổng thống đắc cử Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức, có thể nói tình trạng hỗn loạn và rối ren hiện nay đang tạo thêm những thách thức to lớn, thậm chí đe dọa gây bất ổn xã hội Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Washington, DC, Mỹ, ngày 6.1.2021

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự chia rẽ và bất đồng khó hóa giải thử thách nước Mỹ