Tín hiệu lạc quan trong quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

15/11/2019 05:35

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ trong ngày 13.11.2019 theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan 

Diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ song phương, việc hai bên đối thoại mang tính xây dựng đã được coi là tín hiệu lạc quan giúp xoa dịu căng thẳng, đồng thời cho thấy hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn cần tới nhau với những lợi ích chiến lược.

Đồng minh rạn nứt

Trong lịch sử, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ gần gũi thân thiết, nhưng vài năm trở lại đây, hai nước liên tiếp đối đầu nhau bằng các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế, đe dọa và thách thức.

Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ hai nước bắt nguồn từ năm 2018, sau những tranh cãi liên quan vụ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên quan tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư này, đồng thời ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Ankara đã quyết định phóng thích mục sư người Mỹ Brunson vào tháng 8-2018, nhưng căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn leo thang khi cũng trong tháng này Mỹ đã tăng gấp đôi thuế - lên mức 50% - đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu nhằm trả đũa Ankara. Quyết định của Mỹ đã khiến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo và đồng nội tệ lira mất giá mạnh. Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tổng thống Erdogan cũng đã ký ban hành sắc lệnh nâng mức thuế quan đối với ô tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60% bên cạnh mức tăng với một số mặt hàng mỹ phẩm, gạo và than đá.

Tiếp đó, tháng 5.2019, Mỹ đã chấm dứt áp dụng quy chế ưu đãi thương mại (GSP) đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho phép miễn thuế một số mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ và quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17-5. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 120 nước tham gia GSP - chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất của Mỹ, theo đó miễn thuế cho hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của những quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng quy chế này. Theo Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR), năm 2017, Mỹ nhập lượng hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 1,66 tỷ USD trong khuôn khổ GSP, chiếm 17,7% tổng giá trị hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã giảm một nửa mức thuế thép cho Thổ Nhĩ Kỳ từ 50% xuống còn 25%.

Một yếu tố chính trị  khác khiến quan hệ hai nước trở lên “lung lay” chính là  quyết tâm theo đuổi đến cùng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ phản đối gay gắt. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mua sắm thiết bị quân sự từ Nga cho thấy quan hệ giữa Ankara và Moskva ngày càng trở nên gần gũi, điều đó thật sự không thể khiến Mỹ và NATO cảm thấy “dễ chịu” khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, lại là thành viên có lực lượng vũ trang lớn thứ hai của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. Thổ Nhĩ Kỳ còn đe dọa thắt chặt quan hệ quân sự với Nga hơn nữa bằng việc mua máy bay chiến đấu Su-35 nếu Washington không dỡ bỏ lệnh cấm bán chiến đấu cơ F-35 cho Ankara…

Mối quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO còn căng thẳng do nảy sinh nhiều bất đồng xung quanh vai trò của Các lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) ở Syria, nhóm vũ trang được Washington coi là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, song bị Ankara xem là khủng bố. Kế hoạch của Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới gồm 30.000 tay súng chủ yếu là người Kurd Syria để bảo vệ khu vực Đông Bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly”, khiến Ankara phát động chiến dịch quân sự “Nhành Olive” nhằm vào tỉnh Afrin của Syria do YPG kiểm soát. Không những thế, Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến từ Đông Afrin tới Manbij, nơi Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ người Kurd Syria, dẫn tới nguy cơ đối đầu giữa lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp diễn khi Mỹ quyết định rút quân đội khỏi miền Bắc Syria vào ngày 7.10, động thái được cho là bỏ rơi lực lượng đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã nhân dịp này tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria, với lập luận rằng chiến dịch này nhằm "quét sạch khủng bố" và "đem lại hòa bình cho khu vực". Chiến dịch mang tên “Mùa Xuân hòa bình” bắt đầu từ ngày 8-10 với các cuộc không kích các mục tiêu người Kurd ở Đông Bắc Syria, còn các cuộc tấn công trên bộ thì bắt đầu từ ngày 9.10.

Song song với việc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch trên, Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng áp đòn trừng phạt "hủy diệt kinh tế" nếu chiến dịch tiếp tục leo thang. Trong một động thái nhằm hiện thực hóa lời đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỹ, ngày 14.10, Tổng thống Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ mà theo Washington là chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria của Ankara gây ra những mối đe dọa đặc biệt và bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời ngay lập tức ngừng giao dịch thương mại với Ankara. Quyết định trừng phạt của Mỹ làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước bởi gói trừng phạt này càng "bóp nghẹt" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định sẽ không rút lại chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria.

Mới đây nhất, căng thẳng trong quan hệ hai nước đã được thổi bùng lên sau khi Hạ viện Mỹ ngày 29-10 chính thức thông qua dự luật áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) là "diệt chủng".

Có thể thấy, những mâu thuẫn này đang tạo ra "nút thắt" rất khó để tháo gỡ trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Vẫn cần tới nhau

Trong bối cảnh mối quan hệ đã quá nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ với những sóng gió do bất đồng liên quan tới một loạt vấn đề, sự kiện lãnh đạo hai nước gặp nhau tại thủ đô Washington không chỉ được coi là cơ hội hàn gắn phần nào sự rạn nứt ngày càng lớn giữa hai đồng minh trong NATO này, mà còn được kỳ vọng có thể đưa mối quan hệ hai bên “quay trở lại đúng hướng”.

Trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã trao đổi về quan hệ song phương cũng như những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga hay máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, thỏa thuận thương mại song phương.

Tổng thống Trump cho biết ông đánh giá cao Tổng thống Erdogan và coi Thổ Nhĩ Kỳ là một “đồng minh NATO tuyệt vời”. Tổng thống Trump nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đang được thực thi ổn thỏa. Ông Trump nói rằng Tổng thống Erdogan nhận được sự tôn trọng cao trong khu vực, mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ rất hữu hảo. Ông Trump nhấn mạnh cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đã thành công, và coi đây là một “cuộc đối thoại có tính xây dựng về hàng loạt vấn đề quan trọng”.

Trong vấn đề Syria, Tổng thống Trump lưu ý rằng ông đã thảo luận về tình hình Syria với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian tại miền Bắc Syria rất “phức tạp” song “tiến triển rất nhanh”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng coi việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga là một thách thức nghiêm trọng, song bày tỏ lạc quan rằng vấn đề này sẽ được giải quyết. Ông Trump nhất trí với ông Erdogan rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử những quan chức hàng đầu của chính phủ mỗi bên để thảo luận về vấn đề này.

Về thương mại song phương, Tổng thống Trump khẳng định: "Chúng tôi sẽ mở rộng đáng kể mối quan hệ thương mại giữa hai bên", đồng thời bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. Tổng thống Trump cũng cho biết thêm rằng ông sẽ sớm đưa ra quyết định về việc liệu có áp thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ hay không.

Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan khẳng định các bất đồng về hệ thống tên lửa S-400 hay chiến đấu cơ F-35 chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Về vấn đề Syria, Tổng thống Erdogan cho rằng Washington cần làm nhiều hơn nữa để thực thi một thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đạt được nhằm đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng cho biết ông đã đề cập lại đề nghị của Ankara về việc yêu cầu Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Gulen. 

Theo các nhà phân tích, cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tạm thời nới lỏng những rạn nứt để hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh. Điều này là không khó hiểu bởi trên nhiều phương diện, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần tới nhau. 

Với Mỹ, Washington không thể từ bỏ mối quan hệ đồng minh chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc trong khu vực có chung biên giới với Syria, Iraq và Iran. Mỹ hiểu rằng áp đặt trừng phạt mạnh vốn như "con dao hai lưỡi", nếu đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Mỹ sẽ càng khiến Ankara đối đầu và không nhượng bộ Washington. Trong khi đó, nếu thiếu sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ không thể ngăn chặn hoặc áp đặt trọn vẹn các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng như không thể thực hiện thành công các mục tiêu trong khu vực. Hơn nữa, về địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Biển Đen lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Trung Cận Đông. Vị trí địa-chính trị quan trọng đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ khiến việc cắt đứt mối quan hệ với quốc gia này, đối với Mỹ hay nhiều nước NATO, là bước đi mạo hiểm.

Ngược lại, Ankara cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Washington trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự của quốc gia cầu nối lục địa Á-Âu này. Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhận được các thiết bị quốc phòng lớn thứ ba từ Mỹ, sau Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và phần lớn lực lượng không quân của Ankara là do Mỹ hỗ trợ. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào chương trình F-35 bởi vì ngành hàng không của nước này cung cấp nhiều bộ phận phụ cho chiếc F-35, và sẽ phải đối mặt với tổn thất lớn nếu Mỹ chấm dứt sự tham gia của Ankara trong dự án. Bên cạnh yếu tố kinh tế-thương mại thì quan hệ với Mỹ còn có ý nghĩa đặc biệt về  an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Và chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã được coi là tín hiệu lạc quan cho việc cải thiện quan hệ hai nước.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu lạc quan trong quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ