Không kỷ luật đảng viên đã qua đời, trừ trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng

03/08/2021 06:02

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Theo đó đảng viên vi phạm đã qua đời sẽ xem xét không xử lý kỷ luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời. Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý nghiêm minh.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.

Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm vẫn bị xem xét kỷ luật.

Việc thi hành kỷ luật đảng phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu hết thời hiệu thì không xem xét, xử lý kỷ luật.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại.

Trường hợp bị các tổ chức nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật, đảng viên phải chủ động thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý để xem xét, xử lý kỷ luật đảng.

Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức.

Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Một điểm mới trong Quy định 22 vừa ban hành là các nguyên tắc thi hành kỷ luật đảng đã bổ sung quy định khi đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.

Bên cạnh đó, Quy định 22 cũng nêu rõ khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng.

Trong các quy định về thi hành kỷ luật đảng đối với đảng viên vi phạm pháp luật, một số quy định cũng được nêu chi tiết hơn.

Quy định 22 nêu rõ đảng viên khi bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Việc cho phép sử dụng các nội dung vi phạm pháp luật do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp để chủ động kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật đảng viên mà không cần chờ tuyên án của tòa hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán là điểm mới so với quy định năm 2016.

Bên cạnh đó, Quy định 22 cũng bổ sung quy định đảng viên bị truy nã, tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị) mà không cần theo quy trình thi hành kỷ luật. Đây cũng là điểm mới mà quy định trước đó chưa có.

Quy định 22 có hiệu lực từ ngày 28.7.2021 và thay thế Quy định 30 năm 2016.

Theo quy định 22, một tổ chức đảng bị giải tán khi tổ chức đó có hành động chống đối quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng như tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng bức quần chúng mittinh, biểu tình trái với quy định của pháp luật; xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; có hành động cụ thể chống Đảng.

Bên cạnh đó, tổ chức đảng cũng bị giải tán khi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật nhà nước với các hành vi như bỏ ba kỳ liên tiếp không sinh hoạt; cố ý không chấp hành điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách, các nguyên tắc, quy chế, quy định, quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chia rẽ bè phái, mất đoàn kết nghiêm trọng, không còn vai trò và tác dụng lãnh đạo đối với địa phương, đơn vị.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Không kỷ luật đảng viên đã qua đời, trừ trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng