Dùng câu đối để... đối về thơ

06/12/2020 16:04

Khi gửi lại bản thảo đã sửa cho nhà thơ Khương Hữu Dụng, thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên viết lá thư dài, trong đó câu cuối theo lối chơi chữ, được gạch dưới: Nguyên vẫn giữ nguyên.

Trong làng văn Việt Nam, nhà thơ Khương Hữu Dụng nổi tiếng là người cẩn trọng, khó tính trong dùng từ đặt câu khi sáng tác và biên tập thơ. Có lần ông đã sửa tới 7 câu trong một bài thơ có 8 câu của cộng tác viên. Ông có thời gian dài làm biên tập văn học ở Nhà xuất bản Văn học nên có công lao rất lớn trong biên tập, sửa chữa cho ra đời nhiều tập thơ nổi tiếng. Không chỉ đối với cộng tác viên mà ngay cả “người trong nhà” là Bàng Sĩ Nguyên, nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng khắt khe không kém trong việc biên tập thơ của đồng nghiệp cùng cơ quan mình.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng. Ông sinh năm 1925, tại phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương, nay là TP Bắc Giang. Ông là em ruột nhà thơ Bàng Bá Lân. Năm 1966, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên làm việc ở Nhà xuất bản Văn học cùng với nhà thơ Khương Hữu Dụng. Một lần, nhà thơ họ Bàng đưa tập thơ của mình chuẩn bị xuất bản "Trên mảnh đất của tình thương” cho Khương Hữu Dụng biên tập. Nhà thơ Khương Hữu Dụng đọc rồi trao đổi với tác giả và sửa chữa rất chân tình. Tuy nhiên, ông vẫn không ưng ý với câu thơ "Khi cuộc sống đụng vào tình người thành một tiếng gà trưa" trong bài "Tiếng gà trưa". Nhà thơ họ Khương cho rằng câu thơ đó phi logic, khó hiểu và chữa lại là: "Nếu cuộc sống đụng vào tình người thì sẽ thành một lời thơ". Bàng Sĩ Nguyên nhận bản thảo về đọc lại và cho rằng sửa như thế có thể là hay hơn, nhưng lạc với ý của mình.

Khi gửi lại bản thảo đã sửa cho nhà thơ Khương Hữu Dụng, thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên viết lá thư dài, trong đó câu cuối theo lối chơi chữ, được gạch dưới: Nguyên vẫn giữ nguyên. Nhận được bản thảo và lá thư, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã viết lại cho nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên một lá thư nói về bài thơ mình có ý kiến. Và cuối thư, có một câu kết, cũng gạch dưới, cũng theo lối chơi chữ: Dụng bất khả dụng (tức là: Dụng không sử dụng). 

Xem ý tứ của cặp câu đối thì quan hệ giữa hai nhà thơ có vẻ căng thẳng nhưng thực ra đó chỉ là những trao đổi đùa vui, hóm hỉnh. Sau đó, nhà thơ Khương Hữu Dụng vẫn tôn trọng và giữ nguyên ý kiến của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, đưa bài thơ trên vào tập sách. Đó là cách ứng xử rất đẹp của hai thi sĩ.   

TRẦN VĂN LỢI(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng câu đối để... đối về thơ