Một dấu phẩy mất... 30 năm

28/03/2021 15:17

Muốn thêm một cái dấu phẩy vào câu thơ dịch, một người như nhà thơ Khương Hữu Dụng phải mất… ba mươi năm.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh năm 1907, ở Hội An (Quảng Nam), mất năm 2005 tại Hà Nội, là tác giả của các tập thơ Từ đêm mười chín (1951), Bi bô (1985)… Ông còn là một dịch giả thơ cổ, thơ Đường, thơ Tống, thơ Lục Du, thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh. Ông tinh thông Hán học, mặc dù tuổi đã cao vẫn cố gắng vừa học vừa dịch. Có bài dịch sau 30 năm rồi, ông vẫn trăn trở dịch lại làm sao cho đúng từ, sát nghĩa. Thậm chí ông còn trăn trở cả… cái dấu phẩy. Lúc đương thời ông kể rằng:

 Bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị có hai câu thơ nổi tiếng:

"Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên".

Đã có lần cụ Tản Đà dịch bốn câu, riêng hai câu sau ông Khương Hữu Dụng cho là tuyệt bút:

"Sông Ngân lấp lánh sao thưa
Trời chưa muốn sáng sao chưa sáng trời"

Nhà thơ Khương Hữu Dụng nói: Ba mươi năm trước, tôi học theo cách láy của Tản Đà mà đổi từ "lấp lánh" ra "lấp lóa":

"Sông Ngân lấp lóa trời như sáng
Muốn sáng mà sao chửa sáng trời?"

Sau này, nhà thơ Khương Hữu Dụng đọc lại, thấy từ "chửa" nặng nề. Ông sửa và lại còn thêm vào cái dấu phẩy để làm nổi lên tâm sự của Đường Minh Hoàng buồn cho cái đêm cứ kéo dài, trời không chịu sáng:

"Sông Ngân lấp lóa như trời sáng
Muốn sáng mà sao chẳng sáng, trời?"

Muốn thêm một cái dấu phẩy vào câu thơ dịch, một người như nhà thơ Khương Hữu Dụng phải mất… ba mươi năm.

Thế mới biết làm thơ đã khó, dịch thơ lại càng khó hơn.

LHT (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một dấu phẩy mất... 30 năm