Ngôi nhà của Chúa

27/12/2020 11:22

Nhà thờ nằm giữa xóm núi, hẻo lánh, xa trục đường chính và cũng không thuộc khu dân cư. Căn nhà gỗ nhỏ đơn sơ khiêm nhường nép dưới tán cây, không khác mấy với những nhà dân rải rác xung quanh.

Nhà thờ nằm giữa xóm núi, hẻo lánh, xa trục đường chính và cũng không thuộc khu dân cư. Căn nhà gỗ nhỏ đơn sơ khiêm nhường nép dưới tán cây, không khác mấy với những nhà dân rải rác xung quanh. Nhà cất kiểu mái Thái, đầu hồi quay ra mặt tiền trên nóc có cây thập tự màu trắng. Vùng kinh tế mới, dân xóm núi đa phần được đưa lên theo chính sách giãn dân từ thành phố. Vậy nên dân xóm nhiều người có đạo, có nhu cầu đọc kinh, đi lễ. Ban đầu chưa có nhà thờ, chủ nhật hằng tuần giáo dân phải rủ nhau tập trung sinh hoạt tại các nhà riêng. Bất tiện. Đơn thỉnh nguyện được gửi tới chính quyền. Nhu cầu chính đáng. Chính quyền đồng ý cấp đất, nhưng kinh phí dựng xây thì người bổn đạo phải tự lo. Xứ đạo có một dúm người, lại nghèo rớt mồng tơi, tiền bạc đâu ra? Vậy là chạy vạy vận động ngược xuôi, từ các "Mạnh Thường Quân" máu mặt địa phương tới những bà con, bằng hữu với giáo dân khấm khá hơn đang ở thành phố. Kiến tha lâu đầy tổ, tích cóp vài ba năm cuối cùng cũng dựng được ngôi nhà thờ nho nhỏ. Nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ, đáp ứng đợi mong cho những tấm lòng con chiên ngoan đạo muốn có một ngôi nhà chung để tiện đi về…

Nhà thờ không có cha xứ. Duy nhất một giáo dân trưởng tràng tình nguyện ở trông coi, thờ phụng. 

Tôi xin lên núi công tác. Hôn nhân lỡ làng, thua buồn thế sự nên muốn trốn đời, trốn người. Ngày ngày ngoài những buổi lên lớp, về nhà mẹ con cứ ru rú trong ngôi nhà nhỏ không đi bất cứ đâu. Tới nhà thờ lại càng không do tôi vốn là Phật tử. Vậy nhưng nhân duyên đưa đẩy, một ngày tôi bị trượt chân sai khớp, bong gân. Người ta chỉ tới bác trưởng tràng, bảo bác có nghề nắn sửa và đắp thuốc chữa bong gân rất hay. Hay thật, cái chân tôi sau nửa tiếng đồng hồ được bác loay hoay xử lý đã “êm” thấy rõ. Gửi tiền thù lao bác không nhận. "Ai lại lấy tiền cô giáo. Giúp được cô là tui mừng rồi...", bác bảo. Cảm động. Tới lui thăm hỏi lâu dần thành quen thân. Gặp nhau, chuyện giữa hai bác cháu cứ xoay vòng quanh những vấn đề đời sống, chuyện nghề nghiệp, chuyện nhân tình thế thái. Đàm đạo cùng nhau đủ thứ chuyện, ngoại trừ chuyện… đức tin. Bác hiểu nhiều biết rộng, khí chất lại điềm đạm, mực thước. Biết được hoàn cảnh của tôi, bác chia sẻ: "Đời bác cũng lênh đênh ba chìm bảy nổi, may cuối cùng tìm được bình yên. Nhưng cái bình yên ấy không phải trên trời rơi xuống mà tự ta phải kiếm tìm". "Vậy bác tìm thấy nó ở đâu?". "Trong tâm mình, cô giáo ạ…" Tôi thấy lòng nhẹ nhõm, an yên hơn sau những cuộc chuyện trò với bác. 

Lần đầu tiên tôi nhận lời bác mời, ghé thăm ngôi nhà thờ trên núi. “Ngôi nhà của Chúa”, giáo dân trong vùng thường hay gọi vậy. Đơn sơ mộc mạc, nhưng thân thiện dễ gần. Lần đầu tiên tôi, tín đồ Phật giáo, chắp tay cúi đầu hành lễ nghiêm trang trước thập giá của đấng cứu thế Jesus Christ. Thành ý thành tâm như khi đang hành lễ trước Phật đài…

Giáng sinh năm nay, tôi dự định sẽ đưa con trai đi xem lễ nhà thờ. Nghe bà con xóm núi kể: Ngôi nhà của Chúa trang hoàng đẹp lắm. Có tiết mục vui chơi, phát quà Giáng sinh cho hết thảy trẻ em, không phân biệt có hay không có đạo. Chương trình ấy là do công quả của bác trưởng tràng chạy vạy đi xin tài trợ. Làng xóm hoan nghênh. Chính quyền ủng hộ. Còn lũ trẻ thì đương nhiên háo hức khỏi phải bàn…

Y NGUYÊN

(0) Bình luận
Ngôi nhà của Chúa