Chào công dân mới

25/01/2020 07:25

Cuối cùng chồng Diệu cũng kịp về để sum vầy với vợ con mình trong năm mới. Vy bế đứa trẻ vừa chào đời đặt vào vòng tay của người bố trẻ.



Vy sắp xếp lại chồng bệnh án sản khoa trong lúc các sản phụ đang nằm chạy máy theo dõi tim thai. Ngày 30 Tết có rất nhiều sản phụ sau sinh đã được gia đình xin cho về sớm để quây quần đón Tết ở nhà. Những sản phụ mới nhập viện đang chờ sinh đều nóng lòng mong sớm mẹ tròn con vuông để yên tâm ăn Tết. Còn đối với Vy, đây là cái Tết đặc biệt nhất từ trước đến giờ. Khi những ngày cuối năm, cô chẳng có thời gian ở nhà cùng mẹ dọn dẹp, gói bánh chưng, mua sắm Tết. Đêm giao thừa cũng không thể cùng mẹ luộc gà cúng, đồ xôi thơm, ra ngoài sân xem pháo hoa rực rỡ. Dù chỉ là sinh viên thực tập nhưng năm nay Vy vẫn phải trực Tết trong bệnh viện. Đêm 30 những hồi còi xe cứu thương vẫn vang lên. Khoa Cấp cứu được phen nháo nhào vì bệnh nhân tai nạn giao thông mới được chuyển vào. Máu của bệnh nhân còn vương dưới sàn ngay cạnh những cánh đào mới rụng. Người nhà bệnh nhân lại được dịp bàn tán xôn xao. "Chắc là uống rượu vào phóng nhanh quá ấy mà", "năm mới đến nơi rồi mà còn để gia đình nghe tin dữ", "hai xe tông nhau mấy người đau? 4 cơ à? Thế là có 4 nhà ăn Tết mất ngon", "tình hình bị nặng đấy nhưng hy vọng tất cả đều qua khỏi"...

Ở Khoa Sản mà Vy đang trực cũng vừa có thêm một ca mới chuyển vào cấp cứu. Một sản phụ 30 tuổi chửa ngoài tử cung bị vỡ. Huyết áp tụt, bị sốc do mất máu, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Trong phòng chờ sinh, máy monitor đang chạy, tiếng tim thai đập thình thịch. Chỉ còn chưa đầy hai tiếng đồng hồ nữa thôi là đến giao thừa. Vy chắc giờ này mẹ đang ngồi đãi gạo thổi xôi. Gà cúng chắc đã mổ xong rồi. Nhà thiếu tiếng người chắc mẹ sẽ mở ti vi thật to cho bớt phần quạnh quẽ. Nhà chỉ có hai mẹ con mà Vy thì đang ở nơi này…

*

Diệu chuyển dạ lên cơn đau đẻ, bắt xe ôm vào viện lúc chập tối. Cơn đau đã kéo dài bốn tiếng đồng hồ nhưng cổ tử cung vẫn chưa mở rộng. Chị đi dọc hành lang Khoa Sản, vịn vào tường cố gắng vượt qua những cơn đau. Diệu đi đẻ chỉ có một mình xách theo chiếc làn nhựa đựng tã lót, sữa bỉm cho con. Bố mẹ hai bên đều ở xa, chồng là lái xe đường dài còn chưa về kịp. Lúc Diệu gọi điện báo mình sắp đẻ chồng vẫn còn ở cách xa mấy trăm cây số. Chỗ Diệu trọ, hàng xóm đều về quê ăn Tết nên lúc cấp bách thế này cũng chẳng biết nhờ ai. Diệu chuyển dạ trước ngày dự sinh cả tháng, cứ tưởng ăn Tết xong mới đẻ, ai dè.

Từ lúc Diệu nhập viện đến giờ may mà được những người xa lạ quan tâm chăm sóc. Từ bác sĩ, điều dưỡng, người nhà bệnh nhân và cả những sản phụ khác đang chờ đẻ. Tết đến quán xá xung quanh bệnh viện đều đóng cửa, muốn mua cơm cũng chẳng có để mua. Đến bữa Diệu được dúi vào tay bát cháo chân giò còn nóng hổi của người nhà mang lên cho sản phụ mới sinh ăn cho có sữa. Một bác dúi cho nửa quả cam, miếng bánh chưng bảo “cố gắng ăn nhiều còn có sức mà rặn đẻ”. Thấy Diệu lên cơn đau, một chị vợ bảo chồng “anh ra dìu cô ấy đi lại cho dễ đẻ. Em còn chưa thấy cơn gò”. Suốt mấy tiếng đồng hồ Diệu vịn vào vai những người đàn ông lạ. Họ đi chăm vợ đẻ, trên tay có khi còn cầm bịch tã lót của con. Có người trong số họ động viên Diệu “cố lên”. Có người lo lắng hỏi “bao giờ thì người nhà chị đến?”. Có người tếu táo đùa “chắc thằng nhỏ đợi đến giao thừa mới chịu chui ra”. Sau mỗi cơn đau Diệu ngồi tựa vào tường, có ai đó lại gần ân cần hỏi “đau lắm phải không em?”. Một cốc sữa chìa ra, một bàn tay nắm lại Diệu thấy bớt đi nỗi lo sợ khi sắp phải vượt cạn mà không có người thân bên cạnh.

*

Vy mở hộp mứt gừng đưa cho Diệu vài lát dặn “chị ngậm cho ấm cổ, đỡ ho” rồi vội vã trở về phòng sau sinh để theo dõi tình hình sức khỏe các cặp mẹ con sản phụ. Có trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh cần được theo dõi đặc biệt Vy không dám lơ là. Tiếng khóc khát sữa của một đứa trẻ cũng làm lòng Vy thấy không yên. Nhẹ nhàng bế đứa nhỏ trên tay, Vy ân cần hướng dẫn người mẹ trẻ tư thế cho con bú sao cho đúng nhất. Sau một hồi vật lộn nhìn đứa nhỏ đã ngậm được đầu vú, nuốt những giọt sữa non đầu tiên của mẹ, Vy thấy rưng rưng hạnh phúc. Ở nơi này chỉ cần nhìn những đứa trẻ thơm tho dụi đầu vào ngực mẹ là đã thấy bình yên quá đỗi. Hằng ngày, Vy đón hàng chục đứa trẻ từ phòng sinh, chăm sóc chúng tận tình chờ cho đến khi có thể trả những thiên thần bé bỏng về vòng tay của mẹ. Dù mới về đây thực tập ít ngày nhưng Vy thấy gắn bó với Khoa Sản một cách kỳ lạ. Dù nơi đây không phải lúc nào cũng bình yên trên môi mắt thơ ngây. Không phải lúc nào cũng cảm nhận thấy thứ hạnh phúc đong đầy trong trái tim người mẹ. Vy đã từng nhiều lần chứng kiến nỗi đau của một bà mẹ nhiều lần mất con. Cuộc đời họ là những năm tháng khao khát có một sinh linh bé nhỏ. Nhưng đâu phải người đàn bà nào cũng có may mắn được nhìn con ra đời rồi khôn lớn trưởng thành. Có những người hết lần này đến lần khác phải chấp nhận duyên phận mẹ con quá mỏng manh, chưa kịp nhìn thấy nhau đã vội chia lìa. Nhìn thấy nỗi đau của một người mẹ mất con Vy càng thêm yêu thương những tiếng khóc chào đời…

*

- Vy, đi nhắc các phòng dọn dẹp đồ đạc, giữ gìn vệ sinh chung. Đừng để đồ bừa bãi ra lối đi như thế, lát nữa còn đón giao thừa.

- Cô ơi, ca cấp cứu chửa ngoài tử cung thế nào rồi ạ?

- Vừa mới phẫu thuật xong. May mà cứu được, chậm vài phút nữa thôi là mất mạng người.

- Đêm nay có một sản phụ chắc sẽ sinh. Cổ tử cung mở 7 cm rồi cô ạ.

- Tốt thôi, chúng ta luôn sẵn sàng đón những công dân mới. Nhớ chuẩn bị phòng sinh cho tốt. Mọi thứ phải thật chu toàn.

Vy khẽ “dạ” khi nhìn theo bóng dáng vị bác sĩ trưởng khoa, người vừa tiến hành xong ca phẫu thuật vô cùng căng thẳng. Từ khi vào đây thực tập, Vy học được nhiều điều không có trong sách vở. Đó là sự đồng cảm, tận tâm và tình yêu thương của các bác sĩ dành cho mỗi mẹ con sản phụ. Như đêm nay họ cũng quên đi giây phút sum vầy bên người thân để ở đây theo dõi từng nhịp tim của thai nhi. Không khí Tết đọng lại ở cành đào đặt tại hành lang bệnh viện và cặp bánh chưng nóng hổi người nhà bệnh nhân mới mang vào biếu các bác sĩ trong khoa. Trong phòng sau sinh, tiếng chuông điện thoại liên tục reo vang. Những lời hỏi han nhau chỉ nghe thôi cũng đã ấm áp rồi. Dù ngoài kia những cơn gió ngày xuân còn mang theo hơi lạnh từ mùa cũ.

*

Ngoài hành lang vang lên một tiếng hét thất thanh, Diệu lại lên cơn đau đẻ. Lần này cơn đau có vẻ dữ dội hơn. Mọi người xúm lại dìu Diệu vào phòng sinh. “Cổ tử cung mở 10 cm rồi. Mẹ cố gắng lên nhé. Con muốn ra gặp mẹ rồi này”. Suốt từ lúc Diệu nằm trên bàn đẻ cho đến lúc sinh con, Vy chỉ còn nghe tiếng bác sĩ vang lên trầm ấm và dứt khoát. “Đừng la khóc mất sức. Mẹ cố hít thật sâu và rặn thật mạnh”, “nín thở. Không được há miệng ra. Dồn hơi rặn thật mạnh xem nào”, “tốt lắm. Con sắp ra rồi. Mẹ cố thêm một lần nữa nhé”. Một bé trai ra đời cất tiếng khóc vang khắp Khoa Sản, đúng lúc đồng hồ treo tường chỉ 0 giờ. Các bác sĩ reo vang chúc mừng một thiên thần ra đời vào khoảnh khắc giao thừa. Diệu nằm trên bàn đẻ nước mắt chảy tràn hai khóe mắt. Chị khe khẽ gọi “con yêu”. Ngoài hành lang tiếng vỗ tay chúc mừng vang như tràng pháo nổ…

Đúng lúc ấy có người đàn ông hớt hải chạy vào. Vy thấy trên áo anh ta còn đọng lại những vệt mưa xuân. Cuối cùng chồng Diệu cũng kịp về để sum vầy với vợ con mình trong năm mới. Vy bế đứa trẻ vừa chào đời đặt vào vòng tay của người bố trẻ. Mắt anh ta rưng rưng vụng về nựng nịu con sau khi đã yên tâm nhìn vợ mình nằm nghỉ ngơi sau cơn vượt cạn. Vy ngắm cảnh tượng xúc động ấy và cảm thấy tại nơi mình đang đứng mùa xuân đã đủ đầy, dù ca trực đêm nay chưa có phút giây nào thật thảnh thơi để đón giao thừa. Điện thoại trong túi áo vang lên, mẹ nhắn tin chúc mừng năm mới. Vy tưởng tượng ra cảnh mẹ đang ngồi một mình ở nhà lọ mọ bấm từng ký tự trên bàn phím mà sống mũi cay sè. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi là trời sẽ sáng. Khi kết thúc ca trực Vy sẽ chạy ào về bên mẹ. Sẽ kể cho mẹ nghe về công dân mới chào đời lúc 0 giờ đêm giao thừa. Sẽ cùng mẹ vào bếp nấu mâm cỗ cúng tổ tiên mùng một Tết. Sẽ đèo mẹ đi chùa bằng màu áo nâu sòng. Sẽ đến chúc Tết anh em họ hàng để cùng ngồi với nhau nhấm nháp vài lát mứt. Vy vừa nghĩ đến đó thì nghe tiếng bác sĩ trưởng khoa giục “chúng ta đi chúc Tết tất cả các bệnh nhân trong khoa thôi nào. Nhanh không tí nữa biết đâu lại có em bé nào trong bụng mẹ đòi ra chào năm mới thì sao”. Những tiếng cười vang lên, Vy đứng dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy mưa xuân lất phất đậu trên những chiếc lá non xanh…

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chào công dân mới