Yêu người xứ Đông

27/10/2019 08:22

Nghe tôi nói sẽ lấy vợ TP Hải Dương và ở rể Bắc, bố mẹ tôi đồng ý liền. “Miễn là người con lấy yêu thương con thì ở đâu bố mẹ cũng đồng ý. Xứ Đông đất lành chim đậu, con về đó được là nhất đấy".



Vừa đi làm về, tôi nhận được điện thoại của em: “A lô! Anh à! Thành phố của em lên đô thị loại một rồi nha! Tuyệt vời quá anh ơi!”. Em nói như reo trong máy. Tôi vội hỏi lại: “Thật hả em?”. “Chả thật lại không à?" - em hớn hở - "Mẹ em vừa điện sang. Mẹ còn bảo nếu chúng mình về kịp mà dự lễ đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì vui quá. Tổ chức to lắm, tưng bừng, hoành tráng lắm anh ạ!”. “Thế hả? Bao giờ thế?”. “Cuối tháng mười này này. Mẹ bảo điểm nhấn của buổi lễ là lễ hội đường phố với chủ đề “Ánh sáng Thành Đông”. “Vậy thì kịp đấy. 20.10 mình bay về rồi. Em không nhớ à?”. “Ừ nhỉ! Vui quá nên em quên mất".

Em ríu rít khoe. Tôi nghe rõ cả tiếng cười rúc rích của em trong máy. Hình như em còn nhẩy cẫng lên, tay vung cao, mắt ngời sáng thì phải? Đầu năm, khi được tin Chí Linh từ thị xã lên thành phố em cũng hào hứng như vậy. Bây giờ, TP Hải Dương quê em từ đô thị loại hai năm 2009, trở thành đô thị loại một, bảo sao mà em không vui? Em nhớ rõ như thế cơ mà? Ôi! Nga của tôi! Sao mà yêu em, yêu Hải Dương đến thế! Tôi cũng đang vui lây cùng em đây, Nga ạ!

Quê tôi ở Phú Yên. Gặp Nga và yêu em chắc cũng do trời định. Hai đứa cùng là dân lao động xuất khẩu. Tôi sang Hàn Quốc trước Nga một thời gian. Nhớ lần đầu gặp nhau, em ngơ ngác giữa phương trời lạ y như lúc đầu tôi sang đây. Tôi đấng nam nhi còn đỡ. Đằng này, em lại là nữ, lần đầu tiên xa nhà mà lại xa tít tắp mù khơi. Lạ nước, lạ cái, lạ ngôn ngữ… Vốn tiếng Hàn học cấp tốc trước khi sang đây làm sao mà đủ tự tin để giao tiếp được? Thế nên, cả tôi và em, ban đầu nơi xứ lạ buồn và nhớ quê hương, đất nước, nhớ mẹ cha, bè bạn biết chừng nào. Đến bản lĩnh như tôi mà nhiều đêm cũng phải khóc.

Nga về đúng công ty nơi tôi làm việc. Hôm hai đứa gặp nhau, tôi không biết tả sao về nỗi vui mừng lúc ấy. Khi biết cả hai đứa đều là người Việt Nam thì chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng rồi cùng reo lên như phát hiện ra một điều gì đó. Chỉ thiếu nước vồ lấy nhau mà thôi. Thì xa Tổ quốc mấy ngàn cây số như thế, giữa những người xa lạ như thế, bỗng nhiên gặp được người Việt mình bảo sao mà không vui, không sướng? Từ đó, tôi thường sang bên chỗ em làm, gặp em để trò chuyện tâm sự. Có khi tôi bắt gặp em vẫn khóc thầm vì nhớ mẹ, nhớ quê. Tôi phải an ủi, động viên em, cho em nguôi ngoai, quen dần với công việc và nếp sinh hoạt văn hóa xứ Hàn. Hai đứa tôi trở nên gần gũi thân thiết rồi yêu nhau từ lúc nào chẳng rõ. Đồng cảnh ngộ, cùng chí hướng và em đẹp như thế cơ mà.

Công việc của chúng tôi bên này cũng không khác gì nhiều ở nhà. Tiếng là đi lao động nước ngoài nhưng vẫn những công việc mà cha mẹ, anh chị tôi ở nhà vẫn làm. Cũng trồng rau quả, chăn thả gia súc. Cũng ra đồng, lên nương. Có điều bên này người ta làm bằng máy móc và sản xuất quy mô lớn, theo một quy trình kỹ thuật chặt chẽ, tỉ mỉ. Tôi ở bộ phận lái máy cày. Nga làm ở tổ chăm sóc rau quả. Toàn rau quả sạch. Thu hái giao cho các cửa hàng thực phẩm hoặc chuyển đến nhà máy chế biến. Công việc không đến nỗi vất vả lắm nhưng gò bó về thời gian. Ngày tám tiếng, có đợt phải chín, mười tiếng đi làm. Người Việt mình sang đây chịu khó, chỉn chu nên bên Hàn họ thích lắm.

Những giờ nghỉ, ngày nghỉ tôi thường tranh thủ gặp Nga. Hai đứa quấn quýt bên nhau. Hôm nào không gặp được em là hôm đó tôi nôn nao như người mất hồn. Cả em cũng vậy. Bên này khí hậu tốt, ăn uống đầy đủ, làm việc theo giờ giấc khoa học, tư tưởng thoải mái dần nên Nga ngày càng trắng trẻo, xinh đẹp. Tôi thấy Nga như lột xác. Em không còn ngờ nghệch, xanh gầy như hồi mới sang. Nhiều lúc tôi nháy mắt trêu em: “Gái Hàn Quốc có khác. Xinh ghê!”. Em cười đấm vào lưng tôi: “Em ứ phải người Hàn Quốc, em là người Việt Nam. Gái Hải Dương chính hiệu đấy”. Hai đứa tôi cùng cười xòa. Rồi em đọc bài thơ “Cô gái Hải Dương” cho tôi nghe. Tôi chìm trong mắt em. Em cũng vậy, đắm trong ánh nhìn của tôi.

Gặp nhau lần nào em cũng thủ thỉ tâm sự với tôi về nơi em đã sinh ra và lớn lên. Đêm trăng xứ Hàn, sau một ngày lao động vất vả, chúng tôi tựa vào vai nhau thủ thỉ. Ánh trăng vàng lung linh. Trăng thật vô tư. Chẳng phân biệt nước này nước khác, trăng vẫn cứ hào phóng ban phát ánh vàng ánh bạc tỏa sáng ngời ngời. Dưới trăng ở xứ sở Kim Chi, bao kỷ niệm ùa về, hiện lên trong em truyền hết cả sang tôi. Chưa ra Bắc lần nào, chỉ nghe em kể thôi tôi cũng đã thấy xốn xang về vùng đất xứ Đông rồi. Đến mức, nhiều khi tôi cũng tưởng mình thuộc về miền đất huyền thoại ấy.

“Anh biết không, Hải Dương thuở xa xưa là một tỉnh giáp biển, nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hải là biển. Dương là ánh sáng, ánh mặt trời. Hướng đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy, Hải Dương có nghĩa là "ánh mặt trời Biển Đông" hay "ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về". Về sau, Hải Dương tách nhập, điều chỉnh một số huyện ven biển để thành lập thành phố Hải Phòng, trở thành tỉnh nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng và luôn ở vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ Nguyễn Trãi trong "Dư địa chí" đã đánh giá Hải Dương của em là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long đấy”.

Nga say sưa giới thiệu cho tôi về những di tích, danh thắng của Hải Dương. Đó là khu Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử, đặc biệt là Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo. Đây cũng là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần. Chùa Côn Sơn có từ trước thời đó. Vào đời nhà Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, ngày nay chùa này chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Nơi đây có Giếng Ngọc, có Bàn Cờ Tiên. “Anh biết không?" - ánh mắt Nga nhìn tôi rồi nhìn trăng xa xăm - "Tháng 2 năm 1965, trước khi viết Di chúc, Bác Hồ đã về đây viếng thăm, đọc văn bia các tiền nhân để lại đấy. Giờ đây, khu này đã trở thành khu di tích đặc biệt cấp quốc gia. Nhân dân và lãnh đạo tỉnh em tự hào, quan tâm lắm. Ai cũng có ý thức bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn. Nó đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đấy. Nhất định về nước, em sẽ đưa anh tới thăm. Khu này nằm ở thành phố Chí Linh đó”.

Em còn kể cho tôi biết về đền Cao An Phụ, đền thờ Chu Văn An, động Kính Chủ, đền Bia, chùa Giám, về Văn miếu Mao Điền, về quê hương của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, cụ tướng quân tài ba Đinh Văn Tả, cụ Lương Như Hộc (ông tổ của nghề in khắc mộc bản) cùng bao lễ hội khác của tỉnh. Những trầm tích lịch sử, văn hóa trên mảnh đất xứ Đông cứ hiện dần lên trong tôi. Rồi đảo Cò Chi Lăng Nam (điểm du lịch sinh thái “độc nhất vô nhị” của miền Bắc), làng rối nước Thanh Hải. Rồi cánh đồng cà rốt. TP Hải Dương rực rỡ những cánh đồng hoa ngoại thành, nguy nga những công trình mới nội thị. Rồi đặc sản bánh đậu xanh, bánh gai nữa... Theo lời em kể, tôi như thấy mình đang lạc vào xứ sở của những câu chuyện cổ tích, lễ hội, của những vùng hoa trái xum xuê, ngọt lành. Phải yêu lắm nơi mình sinh ra em mới thuộc nằm lòng và tự hào đến thế.

Tôi cũng kể cho Nga nghe về quê tôi. Phú Yên của hoa vàng trên cỏ xanh, của ghềnh Đá Đĩa, của bến cảng Vũng Rô (một bến cảng quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển), của ngọn hải đăng Đại Lãnh (nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc). Nhất định tôi sẽ đưa em về đó để em được ngắm vùng biển bao la xanh ngát, những triền cát trải dài nhấp nhô, những đoàn tàu chầm chậm trôi, những núi đá hình dáng kỳ lạ, hay trở thành một trong những người đón ngày mới sớm nhất tại “ngọn hải đăng cực Đông đất liền” này. Tôi sẽ đưa em đi thăm Vực Phu, Hòn Nưa, thăm đảo Hòn Chùa, hang Cọp, tới cao nguyên Vân Hòa, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài… Đẹp! Đẹp lắm! Nhất định em sẽ phải thốt lên như thế. Đất nước mình đâu cũng đẹp phải không em?

Trên nước bạn, hai đứa tôi thường thủ thỉ và tự hào với nhau về quê hương mình như thế. Bây giờ được tin TP Hải Dương của em lên đô thị loại một thì mừng và vui lắm chứ. Không biết ngày về ra mắt bố mẹ em, đi giữa lòng thành phố đô thị loại một thì sao nhỉ? Chắc mình sẽ hồi hộp và lúng túng lắm. Người ta bảo ngày ra mắt bố mẹ vợ tương lai là sợ lắm. Không cẩn thận sẽ bị loại khỏi “vòng tuyển rể” ngay. Qua được cửa ải này rồi mới hy vọng bước tiếp. Kệ. Mình phải tự tin chứ. 

Đang lan man nghĩ vậy thì Nga tới. Em ào đến bên tôi. “Em chỉ muốn về quê ngay lúc này anh ơi! Xốn xang quá. Mấy đứa bạn em nhắn sang bao nhiêu là chuyện vui. Phố xá tưng bừng tấp nập. Không khí thật rộn ràng. Ôi! Nghe chúng nó kể mà em mê ly”.

Cứ thế em vô tư, hồn nhiên thao thao nói về thành phố của mình. Tôi lặng yên đứng nghe. Trong đầu tôi vẫn xoáy lên ngày ra mắt bố mẹ nàng. Thấy tôi nghệt ra như vậy, em dừng lời, ngước mắt lên hỏi tôi: “Anh sao vậy? Không vui à?”. Giật mình, tôi lúng túng đáp: “Vui. Vui lắm chứ”. “Vui mà anh cứ ngây người ra thế?”. “Thì em nói hết cả phần anh rồi còn gì? Với lại… anh đang nghĩ về buổi ra mắt bố mẹ em. Lo lo là…”. “Lo gì mà lo. Bố mẹ em dễ tính và chiều em lắm. Con gái đi nước ngoài về đem theo cả con rể về cho bố mẹ thì còn gì bằng”. Vừa nói, Nga vừa giằng lấy tay tôi phụng phịu. Tôi vội ôm em vào lòng.

“A! Bắt gặp rồi nha! Anh chị tình cảm quá!”. Bất chợt có tiếng nói sau lưng tôi. Ngoảnh lại, Kiên xồm đã đứng lù lù ở đó. Nga đẩy vội tôi ra ngượng ngùng. “Anh đến lúc nào vậy?”, tôi hỏi Kiên. “Vừa tới" - Kiên đáp - "Nghe đâu cô chú chuẩn bị về nước à?”. “Vâng. Chúng em hết hạn hợp đồng rồi anh ạ”, tôi trả lời. “Thế việc tôi trao đổi với chú hôm nọ chú không quyết à?”. “Không. Chúng em về nước. Không gì bằng ở quê anh ạ”. “Chán chú thật. Làm bên này một ngày bằng cả tuần, cả tháng làm ở nhà đấy. Cô Nga thế nào?”. Nga liền đáp: “Em không bao giờ. Chúng em đã đặt vé rồi!”. Thoáng ngạc nhiên, Kiên xồm nói: “Cô chú nói thế thì anh chịu rồi. Chúc hai đứa hạnh phúc, thành công nhé”. Nói xong, Kiên xồm quay ngoắt bỏ đi.

Tôi và Nga nhìn theo bóng Kiên. Tay này sang trước tôi mấy năm. Hết hợp đồng hắn trốn ở lại sống chui lủi. Nơm nớp lo sợ công an bên này bắt đến nỗi râu ria hắn tua tủa trở thành Kiên xồm lúc nào không hay. Cứ người Việt nào sắp hết hạn hợp đồng là hắn rủ rê ở lại. Tôi cũng bị hắn bu bám mấy tháng nay. Rất may là có Nga kiên định, dứt khoát một đường về. Nga bảo về nước chúng tôi sẽ làm lễ cưới. Sau đó, Nga sẽ vào làm công nhân một trang trại hoặc công ty nào đó. Tôi cũng vậy. Các khu công nghiệp, các trang trại hoa của TP Hải Dương rất nhiều, luôn mở rộng cửa đón chúng tôi. Nhà tôi đông anh em. Những ba trai cơ mà. Tôi là út. Nghe tôi nói sẽ lấy vợ TP Hải Dương và ở rể Bắc, bố mẹ tôi đồng ý liền. “Miễn là người con lấy yêu thương con thì ở đâu bố mẹ cũng đồng ý. Xứ Đông đất lành chim đậu, con về đó được là nhất đấy. Hải Dương với Phú Yên là hai tỉnh kết nghĩa cơ mà, sống ở đó cũng chẳng khác nào ở quê mình”. Bố tôi nói trên điện thoại với tôi như vậy. Thế nên, hết hạn hợp đồng bên này tôi quyết định về Hải Dương trước. Phải ra mắt và xin phép bố mẹ Nga đã rồi mới về chính thức báo cáo bố mẹ mình được chứ. Với lại, đúng dịp thành phố tổ chức lễ hội mừng đô thị loại một thì còn gì bằng. Thật ngẫu nhiên, Nga cũng vừa hết hợp đồng. Chắc là duyên trời định. 

Hai đứa tôi say đắm nhìn nhau và cùng mong ngày trở về. Hải Dương ơi! Náo nức lắm rồi. Chờ chúng tôi về nhé!

Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu người xứ Đông