Khi trở thành công dân thành phố

10/11/2019 07:19

Các địa phương được sáp nhập về thành phố cần tăng cường quản lý đô thị, thực hiện tốt quy hoạch, quan tâm xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước...

Theo Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua, địa giới hành chính TP Hải Dương được mở rộng trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 5 xã gồm Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà), Liên Hồng, Gia Xuyên (Gia Lộc), Ngọc Sơn (Tứ Kỳ)...

Tôi quê gốc ở Tiền Tiến, vốn luôn tự hào là người con quê hương vải thiều Thanh Hà. Vì thế, nay thay đổi thành người thành phố, mừng đấy mà cũng nhiều nỗi lo. Mừng bởi khi nhập về thành phố, chắc chắn xã tôi sẽ được quan tâm đầu tư về nhiều mặt, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đặc biệt, thành phố đã trở thành đô thị loại I.

Thời gian qua, thành phố có sự thay đổi mạnh mẽ, người dân được hưởng thêm nhiều tiện ích. Nhưng cũng rất lo bởi sẽ có rất nhiều thứ phải thay đổi theo. Không chỉ là thay đổi trên giấy tờ, thủ tục hành chính mà còn phải hình thành nếp sống văn minh đô thị.

Trước đây, ngày 1.7.2008, các xã An Châu, Thượng Đạt, Ái Quốc, Nam Đồng (Nam Sách) và Tân Hưng, Thạch Khôi (Gia Lộc) sáp nhập về TP Hải Dương.

Sau sáp nhập, các xã này đã được thành phố quan tâm đầu tư về nhiều mặt: hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang hơn, người dân được giải "cơn khát" nước sạch, được mua nước sạch với giá rẻ hơn; đường giao thông và các khu dân cư được lắp điện chiếu sáng...

Cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tại 6 xã đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ những xã thuần nông, các địa phương này đã hướng tới xây dựng nền kinh tế đa ngành nghề, dịch vụ, công nghiệp phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện mạo các nơi cũng thay đổi rõ rệt. Sau khi lên phường, Tân Hưng, Ái Quốc đã hình thành các khu đô thị...

Tuy nhiên, để người dân thay đổi, hình thành nếp sống văn minh đô thị không phải là dễ. Dù đã hơn chục năm sáp nhập về thành phố nhưng công tác quản lý đô thị ở những nơi này vẫn còn khó khăn.

Người dân một số nơi vẫn giữ thói quen xả rác thải sinh hoạt bừa bãi ra môi trường. Nhiều gia đình vẫn không xin cấp phép xây dựng khi xây dựng nhà ở; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi còn chắp vá...

Để tránh lặp lại tình trạng này, sau khi thực hiện xong các thủ tục sáp nhập, TP Hải Dương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về nếp sống văn minh đô thị cho người dân.

Các địa phương được sáp nhập về thành phố cần tăng cường quản lý đô thị, thực hiện tốt quy hoạch, quan tâm xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng... Các địa phương cũng cần thành lập các đội quy tắc, chủ động kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý đô thị... 

Các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên và nhân dân các quy định mới, những phép tắc cần tuân thủ khi trở thành công dân thành phố; tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Các đảng viên, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo các thôn, khu dân cư phải là những người gương mẫu đi đầu để tuyên truyền, lan tỏa nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Bản thân mỗi người dân ở những nơi vừa sáp nhập về thành phố cũng cần chủ động tìm hiểu các quy định về quản lý đô thị, nhắc nhở nhau cùng xây dựng ý thức, hình thành nếp sống văn minh...

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi trở thành công dân thành phố