Nguy cơ lây truyền Covid-19 từ các địa phương trong nước

19/02/2020 08:43

Người dân trong tỉnh không nên quá lo lắng mà cần thực hiện vệ sinh thật tốt, nâng cao sức khỏe để tăng cường sức đề kháng, hạn chế đến nơi đông người.

Tính đến 14 giờ ngày 17.2, số liệu báo cáo dịch bệnh Covid-19 trên website của Bộ Y tế cho thấy dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với tổng số 71.337 người trên thế giới dương tính, trong đó 1.775 người đã tử vong, 10.986 người bình phục.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 16 ca dương tính với 11 người ở Vĩnh Phúc; 3 người ở TP Hồ Chí Minh; Thanh Hóa và Khánh Hòa mỗi địa phương 1 người . 7 người mắc Covid-19 đã khỏi và xuất viện.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện chùm ca bệnh với yếu tố dịch tễ lây truyền nhanh ra cộng đồng. Vĩnh Phúc đã cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên - nơi được coi là tâm dịch ở Việt Nam hiện nay...  

Tuy nhiên, một số người dân trong vùng dịch chưa hiểu đầy đủ nên cho người thân về các vùng chưa có dịch, gây khó khăn cho công tác cách ly và quản lý bệnh. Những yếu tố này vô hình trung có thể phân tán mầm bệnh ra cộng đồng, thậm chí lây nhiễm bệnh cho chính người thân của mình.

Tại Hải Dương, những trường hợp nhập cảnh từ hoặc đi qua Trung Quốc, nhất là tỉnh Hồ Bắc hoặc trở về từ vùng dịch đã được theo dõi sức khỏe và cách ly, quản lý tốt nên hiện toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh dương tính. Hệ thống chính trị, ngành y tế và các ngành chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể cùng với người dân đã và đang tham gia tích cực phòng chống dịch, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

Các hoạt động tuyên truyền, phát khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn miễn phí... đã được nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương triển khai. Trong thời gian học sinh nghỉ học, các trường đã phun thuốc khử trùng, lắp đặt thêm các bồn rửa tay có đặt sẵn nước rửa tay... Ý thức phòng dịch của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Khó khăn hiện nay đối với Hải Dương là nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ những địa phương có dịch trong nước. Điều này đòi hỏi ngành y tế và các địa phương phải tăng cường hơn nữa biện pháp giám sát chặt chẽ những đối tượng đi từ vùng dịch về địa bàn. Hệ thống y tế cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với y tế thôn với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, tuyên truyền để người dân phối hợp phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền để người dân thấy rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng không quá hoang mang và đặc biệt không che giấu, chủ động khai báo dịch tễ. Mỗi người dân cần chủ động cung cấp thông tin, khai báo tạm vắng, tạm trú khi có người thân ở vùng dịch về địa phương.

Đối với những người từ vùng cách ly nếu có về địa phương cần khai báo với chính quyền và y tế sở tại để giám sát theo dõi sức khoẻ tại nhà. Khi có các biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, sẵn sàng điều trị khi phát hiện bệnh. Cán bộ y tế phải tiếp tục sàng lọc kỹ để tránh bỏ sót người thuộc diện phải cách ly.

Nếu dịch bệnh xảy ra, người dân phải tuân thủ mọi hướng dẫn của ngành chức năng và chính quyền sở tại cùng phối hợp khoanh vùng dập dịch. Hiện nay, người dân trong tỉnh không nên quá lo lắng mà cần thực hiện vệ sinh thật tốt, nâng cao sức khỏe để tăng cường sức đề kháng, hạn chế đến nơi đông người. Mục tiêu chính trong công tác phòng dịch của tỉnh ta là phát hiện các ca có yếu tố nguy cơ, quản lý theo dõi sát và sẵn sàng dập dịch.

ĐỨC THÀNH (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ lây truyền Covid-19 từ các địa phương trong nước