Chuyện bà chúa Chén

02/12/2019 11:10

Bà chúa Chén không chỉ nổi tiếng là người có tài đối đáp thơ văn, mà còn là người giàu lòng nhân nghĩa, được người dân địa phương kính trọng.

Đền Thượng uyển hoa ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo thờ bà chúa Chén

Theo bia còn lưu lại tại chùa Sùng Minh, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), bà chúa Chén là Đệ tam cung tần Vương phủ Nguyễn Thị Ngọc Chén, hiệu Diệu Trí, là người thôn Thượng, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ), quê ngoại ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo.

Trong văn bia do dòng họ Vương lập nên tại đền thờ bà chúa Chén ở thôn Ô Mễ có ghi bà sinh năm Kỷ Sửu 1589. Thân phụ của bà là một nhà nho nghèo, mất sớm. Bà cùng thân mẫu là Vương Thị Đũa về quê ngoại thuộc dòng họ Vương để nương nhờ. 

Trong một lần về thăm mộ cha và cắt cỏ bên bờ sông Thái Bình, bà chợt nhìn thấy thuyền rồng của chúa đi thị sát, bà liền cất tiếng hát: "Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Trăm nghìn ngọn cỏ quy hàng ta đây". Chúa Trịnh Tùng thấy người con gái có sắc đẹp, tài ứng đối thơ văn nên đã đưa về cung làm vợ, sắc phong Đệ tam cung tần và ban chức Thượng phủ nội cung. 

Bà luôn nhớ về quê ngoại, nơi đã cưu mang, nuôi dưỡng. Năm 1608, bà đưa tiền về quê, tậu cho làng 5 sào đất, xây 1 ngôi chùa chính 5 gian, có tượng pháp, hiệu danh là "Sùng Minh tự", cho đúc một quả chuông "Sùng Minh tự chung". 

Năm 1615, bà xin về quê ngoại ở thôn Ô Mễ sinh sống. Khi về quê, bà đã sửa ngôi đình cho làng, mua điền sản cúng cho làng 3 mẫu 8 sào, cúng cho chùa 2 mẫu; tậu 7 mẫu 2 sào cho 6 giáp... 

Bà còn cho nạo vét sông ngòi, làm đường, bắc cầu để đi lại thuận tiện. Ngoài ra, bà còn đi làm phúc cho một số địa phương khác. 

Bà chúa Chén mất năm Bính Dần (1626). Năm 1684, triều đình nhà Lê đã dựng bia tại khu lăng mộ của bà.

Sau khi bà chúa Chén qua đời, dòng họ Vương và nhân dân đã lập đền thờ có tên là "Thượng uyển hoa" tại thôn Ô Mễ. Ban đầu, đền gồm 5 gian nhà tre gỗ, bên trong có đủ đồ thờ cúng trang trọng. Qua thời gian, đền được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Các thế hệ con cháu trong dòng họ Vương sau thay nhau hương khói cho bà.

Xung quanh cuộc đời của bà chúa Chén có một số câu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian như từ xưa người dân làng Ô Mễ mỗi khi uống nước cầm chiếc chén đều gọi tránh sang tên là cái chớn. Vì nếu nói cái chén sẽ đụng chạm đến tên húy của bà. Thân mẫu của bà chúa Chén là Vương Thị Đũa. Vì thế, người dân nơi đây khi mang bát đũa ăn cơm không dám nói đôi đũa mà nói tránh là đôi dọng.

Ông Nguyễn Hữu Chín, công chức văn hóa - xã hội xã Hưng Đạo cho biết vào khoảng năm 1980, khi người dân địa phương làm thủy lợi đã đào chạm vào quan tài của bà chúa Chén. Khi lật mở quan tài, bên trong có 1 xác ướp là hình hài của một người phụ nữ còn nguyên vẹn, trong tư thế của người đang nằm ngủ, chân có đi hài. Điều kỳ lạ quan tài của bà tỏa ra mùi thơm, không có mùi của xác chết.

Thi thể của bà đã được nhân dân địa phương chôn cất lại và xây dựng lăng mộ tại đây để thờ. Hằng năm, tại chùa Sùng Minh, các tăng ni phật tử vẫn cùng người dân Ô Mễ chung tay tổ chức hội vào ngày 9.8 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của bà chúa Chén đối với quê hương. Tên gọi bà chúa Chén ý chỉ tên húy và là vợ của chúa. 

Theo nhà nghiên cứu sử học Tăng Bá Hoành, sau khi thi thể của bà được tìm thấy, Bảo tàng tỉnh xuống hiện trường kiểm tra. Thi thể của bà chúa Chén còn nguyên vẹn chứng minh việc ướp xác thời đó đạt yêu cầu. Đặc biệt, gỗ để làm quan tài cho bà chúa Chén là gỗ ngọc am nên có mùi hương tỏa ra. Vòng hạt xoàn cùng viên đá quý trên người bà chúa Chén hiện còn được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh.

"Bà chúa Chén là người có công lớn trong việc xây dựng chùa Sùng Minh ở thôn Ô Mễ - một danh lam cổ tự và được ghi lại trên bia ở ngôi chùa này. Bà góp tiền cho xây công trình căn bản của ngôi chùa gồm thượng điện, hậu am, tiền đường. Bà nổi tiếng vì nhiều đóng góp cho quê hương", ông Hoành nói.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện bà chúa Chén