Nhà giáo Chu Văn An với di tích Phượng Hoàng

08/01/2021 07:39

Dãy núi Phượng Hoàng ở vùng đất Chí Linh là nơi nhà giáo Chu Văn An sau khi từ quan đã sống ẩn cư suốt những năm cuối đời. Nhiều năm qua, các nhà giáo, thế hệ học sinh trong và ngoài nước thường về dâng hương tưởng niệm ông. 


Đền thờ Chu Văn An nằm trong núi Phượng Hoàng

Nhà giáo Chu Văn An sống trọn những năm tháng ẩn cư cuối đời ở núi Phượng Hoàng, đất Chí Linh (nay là phường Văn An, TP Chí Linh).

Vùng đất Chí Linh được người xưa coi là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, 6 con sông giao hòa một mối gọi là Lục Đầu Giang. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng với 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim Phượng Hoàng tung cánh. Mến cảnh đẹp này mà nhà giáo Chu Văn An đã chọn Phượng Hoàng làm nơi ẩn cư.

Trở lại bối cảnh thầy Chu lựa chọn núi Phượng Hoàng ở ẩn, căn cứ vào niên biểu các vị vua Trần và đặc biệt là Trần Dụ Tông thì vua Dụ Tông làm vua từ năm 1341 - 1369, năm 1341 - 1357 lấy niên hiệu là Thiệu Phong. Sau khi Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông mất, khoảng từ năm 1358-1359 vua Dụ Tông lấy niên hiệu Đại Trị và “thất trảm sớ” của nhà giáo Chu Văn An dâng lên khoảng thời gian này. Dâng "thất trảm sớ" khuyên vua chém 7 tên gian thần không thành, thầy Chu từ quan rồi về núi Phượng Hoàng ở ẩn, lấy hiệu là Tiều Ẩn.

Tiếng ở ẩn nhưng tài năng đức độ của ông mau chóng lan truyền, chỉ ít lâu sau khắp vùng đồn đại tên tuổi thầy Chu, nhiều học trò lại vượt núi tìm thầy. Tiếp tục sự nghiệp “trồng người” giữa chốn lâm tuyền, lúc này thầy dạy thiên về đàm đạo thuyết giáo, ngoài ra còn tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách... Đến nay, nhiều áng văn thơ của ông còn lưu truyền hậu thế như Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Y học yếu giải… Thơ của ông toát lên tinh thần thoát tục của một kẻ sĩ ở ẩn nhưng trong sâu thẳm vẫn ẩn chứa khí tiết của người quân tử, một lòng hướng về đất nước.

Năm Canh Tuất, Thiệu Khánh năm thứ nhất (1370), ông mất tại núi Phượng Hoàng, hưởng thọ 78 tuổi. Vua Trần được tin thương tiếc đặt cho hiệu là Văn Trinh. Tiến sĩ Ngô Thế Vinh đã giải thích: Văn là vẻ sáng, vẻ đẹp, là sự biểu hiện bên ngoài của đức; Trinh là sự kiên trinh, chính trực, là biểu thị cốt lõi bên trong của đức. Văn Trinh là kết hợp hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên trinh.


Kỷ niệm 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An, Ban Quản lý di tích Chí Linh dựng mô hình trường thi tại khuôn viên đền thờ ông nhằm tuyên truyền, giáo dục sự học đến giới trẻ

Khi ông qua đời, đền thờ ông được lập ngay trên nhà ở ẩn có tên Phượng Sơn linh từ - đền Phượng Hoàng.

Căn cứ vào tư liệu lịch sử và văn bia tại di tích cho thấy đền Phượng Hoàng được trùng tu qua nhiều đợt, nhưng do biến động của thời gian, dấu tích không còn nhiều. Năm1997, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, Bảo tàng tỉnh cùng chính quyền địa phương đã trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục ở đây. Đợt trùng tu này gồm 8 gian đền lớn, xây dựng nhà bia, tôn tạo lăng mộ… và mở 3km đường vào di tích. Đặc biệt năm 2008, đền hoàn thành đợt trùng tu mới. Theo đó, khu di tích Phượng Hoàng đã được quy hoạch tổng thể, đến nay còn có các di tích gắn liền với thân thế, sự nghiệp nhà giáo Chu Văn An như đền thờ, lăng mộ, điện lưu quang (nơi thầy dạy học), Miết trì (ao ba ba), giếng son… 

Trong đó, đền thờ nhà giáo Chu Văn An là công trình trọng điểm của khu di tích. Theo Ban Quản lý di tích Chí Linh, đền tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng. Theo thuyết phong thuỷ của người xưa, phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim phượng.

Đền Chu Văn An kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và một gian hậu cung, dựa theo kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm 2 tầng 8 mái. Nghệ thuật trang trí của đền theo đề tài tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai. Các bức y môn sơn son thiếp vàng trang trí theo hình tượng: rồng chầu hoa cúc mãn khai. 

Hằng năm, các nhà giáo, thế hệ học sinh khắp trong và ngoài nước thường về dâng hương tưởng niệm ông.

Nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An (ngày 26.11 năm Canh Tý), TPChí Linh tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có tái hiện quang cảnh trường thi xưa tại khuôn viên đền thờ ông và tổ chức nhiều hoạt động như thi vẽ tranh và viết tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp liên quan đến thầy Chu.

Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết việc giữ gìn, tôn tạo đền thờ Chu Văn An cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Việc này không chỉ nhằm tôn vinh một danh nhân văn hóa, nhà giáo mẫu mực mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

HUYỀN ANH

Thân thế, sự nghiệp của nhà giáo Chu Văn An

Nhà giáo Chu Văn An sinh năm 1292, tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan mà mở trường dạy học. 

Khi còn ở quê hương, ông mở trường dạy học tại Huỳnh Cung, học trò tìm đến học rất đông, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng đã giúp danh tiếng của ông ngày một lan xa, học trò đến theo học ngày càng đông.

Ông được vua Trần Minh Tông (1314 -1329) mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua. Thời vua Trần Dụ Tông lên ngôi, triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính. Sau nhiều lần khuyên can không được, Chu Văn An đã dâng “thất trảm sớ”, xin chém đầu 7 tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Khuyên vua không thành, ông liền xin từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh). Ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu y học, viết sách, làm thơ… và mất tại đây năm 1370.

Chu Văn An được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là “người thầy của muôn đời” không chỉ vì ông là một nhà giáo tài năng, đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục nước Việt mà còn là người nêu tấm gương sáng về đạo làm người. Ông luôn đề cao sự nghiêm khắc trong giáo dục thế hệ trẻ. Sự nghiêm khắc trước tiên phải đến từ những người thầy. 

Ông khẳng định: “làm thầy phải nghiêm”. Sách “Tam tự kinh” - loại sách “khai tâm” của học trò xưa có câu: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (Dạy không nghiêm, đạo thầy hỏng). Nghiêm không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà đối với Chu Văn An, nghiêm là thái độ nghiêm trang, mẫu mực trong giáo dục, là giảng dạy chặt chẽ, có quy củ, kỷ cương. Sự nghiêm nghị, tiết tháo, thanh cao của ông là tấm gương lẫm liệt tỏa sáng cho học trò noi theo. 

Tháng 11.2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh danh nhân Chu Văn An và ra nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020. Như vậy, cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh.

HUY AN(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo Chu Văn An với di tích Phượng Hoàng