Kinh Môn: Phát hiện bãi cọc từ thời nhà Trần

31/01/2019 12:03

Trải qua bao thế kỷ ẩn mình dưới lớp bùn đất ven sông, một số cọc gỗ ở xã Hoành Sơn (Kinh Môn) giống với cọc gỗ ở bãi cọc Bạch Đằng đã được phát hiện, gây chú ý cho các nhà khảo cổ học.


Khu vực phát hiện bãi cọc

Đào ao thấy cọc gỗ

Dưới chân núi Hoành Sơn thuộc xã Hoành Sơn có một bãi sông lớn đất đai rất màu mỡ. Trải qua hàng nghìn năm bồi đắp, bãi sông ngày càng đầy lên, lòng sông ngày càng lùi xa chân núi. Tưởng rằng những dấu tích về một thời lịch sử xa xưa mãi nằm dưới bãi sông thì trong một lần tình cờ, một số cọc gỗ đã được phát hiện giúp các nhà khảo cổ học có thêm cái nhìn về trận chiến trên sông Bạch Đằng cách ngày nay hơn 700 năm.

Năm 2014, gia đình ông Lê Văn Mừng ở xã Hoành Sơn đào ao thả cá ở khu đất nằm sát bờ sông La. Khi đào ao, thợ máy đã phát hiện nhiều cọc gỗ ẩn dưới lớp phù sa màu mỡ. Những người thợ đưa lên mặt đất 6 cọc gỗ. Những cọc còn lại họ dùng máy ấn sâu xuống lòng ao. Theo lời ông Mừng, trong số những cọc gỗ được tìm thấy, có 1 chiếc nằm ngang, số còn lại được đóng thẳng xuống lòng đất. Các cọc được phát hiện bên dưới mặt nước hiện tại khoảng 1 - 1,5 m, mỗi chiếc cách nhau từ 5 - 6 m, kích thước không đều, cái dài nhất 3,5 m. Đặc biệt, 1 chiếc cọc có đường tròn lõm ở phần đầu, theo suy đoán của ông có thể là nơi dùng dây thừng để lắc trong quá trình đóng cọc nhưng đáng tiếc chiếc cọc đó đã bị thất lạc.

Trong số những chiếc cọc đã đưa lên, hiện chỉ còn 4 chiếc được giữ tại chùa Nhẫm Dương ở xã Duy Tân (Kinh Môn). Trong đó, một chiếc cọc dài có kích thước lớn nhất đã bị ông Mừng mang xẻ làm mái chèo, số còn lại cũng bị hư hỏng khá nghiêm trọng. Ngoài ra, gia đình ông Mừng còn giữ một phần của một chiếc cọc thứ hai đã bị xẻ, chiều dài còn lại 2,85 m.

Căn cứ trên các hiện vật thu được, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã tiến hành 3 đợt thám sát. Sau hai đợt đầu không có kết quả, đợt thám sát thứ 3 vào ngày 15.12.2017 đã phát hiện những dấu tích quan trọng. Vị trí khai quật nằm ở bãi bồi hình thành do sông La chuyển hướng dòng chảy. Đoàn khai quật đã đào đến độ sâu dưới 3,5 m, làm xuất lộ 1 cọc gỗ có một đầu nhọn được cắm thẳng xuống đáy sông. Phần xuất lộ trên mặt cho biết cọc gỗ làm từ một thân cây thẳng được đẽo gọt toàn thân hình tròn và hai đầu được vót nhọn. Cọc gỗ dài trên 3 m và đường kính thân 25 cm. Các nhà khảo cổ còn phát hiện 1thanh gỗ và 2 mảnh sành nhỏ. Thanh gỗ được xẻ thành hình chữ nhật vuông vức, một đầu bị gãy, kích thước còn lại dài 1m, rộng 12cm, dày 7 cm, một đầu thanh gỗ có xẻ mộng. Đầu bị gãy có dấu vết lỗ đục thủng hình chữ nhật ở giữa thanh gỗ. Khả năng thanh gỗ này là thanh đà của một chiếc thuyền gỗ. Hai mảnh sành đều là mảnh thân của đồ sành, một mảnh sành men da lươn và một mảnh sành văn chải, đều là sành thời Trần.


Những cọc gỗ được lưu giữ ở chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân (Kinh Môn)

Hé lộ nhiều thông tin quý giá

Kinh Môn là mảnh đất có bề dày lịch sử lâu đời. Nơi đây xưa kia vốn là trang ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, thân sinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trang ấp này ngày nay thuộc xã An Sinh, dưới chân núi An Phụ. Vì vậy, chắc chắn vùng núi An Phụ có vị trí tâm linh đặc biệt đối với họ Trần. Các di tích thời Trần phân bố khá đậm đặc ở Kinh Môn như đền Cao, động Kính Chủ... Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học, Kinh Môn là huyện bán sơn địa, giáp với tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Địa hình của huyện Kinh Môn khá đặc biệt so với các huyện khác của Hải Dương vốn được mệnh danh là tỉnh nông nghiệp. Ngoài một dãy núi đất trong hệ thống núi vòng cung Đông Triều làm xương sống, Kinh Môn còn nhiều dãy núi đá xanh rải rác, nhiều sông như Kinh Môn, Kinh Thầy, Đá Vách, Hàn Mấu và một số sông nhỏ khác bao bọc những cánh đồng rộng lớn, màu mỡ. Sự kết nối giữa hệ thống sông ở Kinh Môn với sông ngòi vùng Đông Bắc là rất rõ ràng. Vì vậy, mối quan hệ giữa các con sông ở Kinh Môn với trận chiến trên sông Bạch Đằng trong lịch sử là điều có thể hiểu được.

Từ kết quả khai quật và nghiên cứu thực địa, nhiều nhà sử học bước đầu nhận định đây là khu vực di tích bãi cọc có niên đại thời Trần. Chiếc cọc gỗ trong hố khai quật là một trong số ít những chiếc cọc gỗ thời Trần được phát hiện trong hệ thống các di tích bãi cọc có hình dáng đẹp nhất mà chúng ta hiện biết. Đồng thời, các hoạt động nghiên cứu nhiều năm qua đã giúp các nhà sử học đưa ra nhận định rằng chiến trường Bạch Đằng với trận đánh lịch sử của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông năm 1288 là một chiến trường liên hoàn được bố trí trong một khu vực rộng lớn từ vùng Lục Đầu Giang cho đến cửa sông Bạch Đằng. Trên một trận địa rộng được bố trí theo địa hình của các con sông, Hưng Đạo Đại vương đã bố trí các trận địa bãi cọc, các đội quân phục kích, dẫn dụ để đưa quân Nguyên Mông đi theo đúng ý đồ của người chỉ huy trận chiến. Từ đó, dẫn đến những trận đánh quyết định ở cửa sông Bạch Đằng (ngày nay là vùng giáp ranh giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), tiêu diệt hoàn toàn quân địch, đưa đến thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Các nhà khảo cổ học khẳng định qua nghiên cứu sơ bộ, tính chất di tích có nhiều điểm tương đồng với các bãi cọc nhà Trần dựng trận địa chống lại quân Nguyên Mông ở đầm Lải, Yên Giang (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), đồng Má Ngựa, đồng Vạn Muối (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Do vậy bước đầu các nhà khảo cổ học nhận định di tích này có niên đại thời Trần và có liên quan đến sự kiện nhà Trần xây dựng trận địa chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn: Phát hiện bãi cọc từ thời nhà Trần