Dấu ấn phố nghề

26/10/2019 14:13

Thành Đông xưa từng tồn tại những phố nghề buôn bán nhiều mặt hàng đặc trưng như Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Bạc, Hàng Giày.

Một số hộ ở phố Sơn Hòa (xưa là phố Hàng Giày) vẫn giữ nghề ông cha để lại

Nay, những phố nghề ấy dù đã thay tên nhưng vẫn giữ được những dấu ấn một thời buôn bán, kinh doanh sầm uất, phát đạt.

Có từ trước khi thực dân Pháp đánh chiếm

Ông Lưu Đức Ý - thành viên Hội Sử học tỉnh đang sống ở phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) rất am hiểu về các phố nghề của Thành Đông xưa. Cùng tôi đi dạo trên phố Sơn Hòa, ông Ý bảo xưa kia đây là phố Hàng Giày, hầu như hộ nào cũng sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Giao với phố Sơn Hòa là phố Xuân Đài, xưa kia là phố Hàng Bạc.

Hết phố Xuân Đài sang phố Đồng Xuân rồi Tuy An. Hai tuyến phố này xưa kia lần lượt có tên phố Hàng Đồng và Hàng Lọng. "Các tuyến phố cổ ăn thông với chợ Bắc Kinh tạo nên một khu vực buôn bán sầm uất, lúc nào cũng nườm nượp kẻ mua người bán. Cả 4 tuyến phố đều có từ trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Thành Đông", ông Ý nói.

Theo ông Ý, Thành Đông được xây dựng năm 1804 theo quyết định của vua Gia Long. Vì thành nằm ở phía đông Thăng Long nên được gọi là Thành Đông. Ban đầu Thành Đông chỉ là một trung tâm quân sự, hành chính, một đồn binh với dinh thự của các quan chức đầu tỉnh như tổng đốc, bố chánh, án sát, lãnh binh... Trong thành chỉ có quan quân, không có dân.

Do nhu cầu của đời sống, người nhà quan quân, người buôn bán, thợ thủ công... tụ tập làm ăn buôn bán, sinh sống ngày một đông lên ở phía ngoài thành, ven sông Sặt. Họ quần cư thành từng chòm xóm nhỏ phát triển thành giáp (một đơn vị hành chính cơ sở tương tự như thôn, khu dân cư).

Các giáp liên kết thành một trung tâm dân cư đông đúc kéo dài từ giáp Đông Mỹ (khu vực Trung tâm Thương mại cũ) chạy dọc theo sông Sặt đến giáp Tự Tân (nay là phố Tam Giang). Trung tâm dân cư đó có tên gọi là "Đông Kiều phố". Căn cứ vào tấm bia ở đình Đông Kiều hiện nay cho thấy "Đông Kiều phố" đã tồn tại từ trước khi người Pháp đến Hải Dương vào năm 1883.

Sau quá trình hình thành "Đông Kiều phố" các thợ thủ công cùng nghề nghiệp, cùng quê quán sống quần cư bên nhau tạo thuận lợi trong làm ăn buôn bán. Từ đó hình thành các phố cổ gắn với tên phường hội, nghề nghiệp như phố Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Lọng.

Các phố cổ của Hải Dương xưa san sát những cửa hiệu sản xuất, buôn bán các mặt hàng cùng tên. Những hộ kinh doanh ở phố Hàng Giày hầu hết là người làng Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc).

Các hộ chế tác, kinh doanh ở phố Hàng Bạc chủ yếu là người ở Đồng Xâm (Thái Bình) với các sản phẩm phổ biến như nhẫn bạc, vòng bạc, dây chuyền, xà tích, ống vôi.

Phố Hàng Lọng buôn bán khá sôi động do hằng năm Hải Dương có số người đỗ đại khoa, vinh quy bái tổ và lễ hội nhiều. Các gia đình truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác...

Trong các đô thị cổ ở Bắc Việt Nam chỉ có Hà Nội và Hải Dương là có phố Hàng Bạc, Hàng Lọng. Các thành phố như Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh)... không có phố Hàng Lọng như Hải Dương. Điều đó thêm khẳng định Hải Dương là miền đất văn hiến, miền đất học, nơi có số người đỗ đại khoa vào loại bậc nhất cả nước.

Ngoài các phố Hàng Lọng, Hàng Bạc, Hàng Giày, Hàng Đồng, Thành Đông xưa còn có phố Hàng Thêu (đoạn từ Quảng trường Độc Lập đến phố Trần Hưng Đạo ngày nay) nhưng không sầm uất như các phố nghề khác. Năm 1946, nhiều hộ đi sơ tán, sau này trở lại thì không còn khôi phục được.

Giữ nghề

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do nhu cầu của người dân không nhiều nên các hộ sản xuất, kinh doanh ở phố Hàng Lọng dần chuyển sang làm mành mành dùng để che chắn trước cửa nhà. Riêng hoạt động sản xuất, buôn bán ở các phố Hàng Bạc, Hàng Giày, Hàng Đồng vẫn làm ăn thịnh vượng.

Năm 1954, thị xã Hải Dương được giải phóng. Ở khu vực thành thị diễn ra phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh (cải tạo tư sản). Lúc này, Nhà nước mở các cửa hàng mậu dịch cung cấp hàng hóa cho nhân dân, tư nhân không được buôn bán, kinh doanh. Các phố nghề ở Hải Dương cũng dừng hoạt động từ đó.

Về sau, khi Nhà nước cho phép tư nhân sản xuất, kinh doanh trở lại, các phố nghề "sống lại" nhưng số hộ theo nghề giảm mạnh, nhiều gia đình chuyển sang làm nghề khác. Từ năm 1960, Hải Dương kết nghĩa với tỉnh Phú Yên nên các tuyến phố nghề đổi tên như ngày nay.

Những phố nghề xưa nay vẫn là những khu vực buôn bán sầm uất của người dân thành phố. Người dân kinh doanh, buôn bán nhiều loại mặt hàng nhưng tại các phố Sơn Hòa hay Xuân Đài vẫn còn dấu ấn của phố nghề xưa.

Tại phố Xuân Đài nay vẫn có 6-7 hộ kinh doanh vàng, bạc. Họ đa phần là những hộ tiếp nối nghề truyền thống từ ông cha để lại. Nổi tiếng nhất phải kể đến cửa hiệu Phương Thành. Chủ cửa hàng này là người gốc Đồng Xâm (Thái Bình).

Hiện các con, cháu của chủ cửa hàng này vẫn đang tiếp nối nghề truyền thống của cha ông xưa. Phố Sơn Hòa cũng còn một vài cửa hàng giày, dép. Chủ các hộ kinh doanh này là người gốc Hoàng Diệu (Gia Lộc). Anh Khương Đình Xuyến, chủ một hộ kinh doanh giày ở đây cho biết: "Đây là nghề của ông nội tôi truyền lại. Bây giờ anh em chúng tôi vẫn giữ nghề nhưng không sản xuất mà chỉ kinh doanh và sửa chữa".

Các phố nghề xưa ở TP Hải Dương tuy đã thay tên nhưng nay vẫn là những phố buôn bán kinh doanh phát đạt. Các tuyến phố ấy vẫn giữ được tinh thần một thời, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa, đưa TP Hải Dương ngày càng phát triển.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn phố nghề