Huyền tích sông Kinh Thầy

15/02/2018 11:00

Kinh Thầy - dòng sông với nhiều lớp trầm tích văn hóa đặc sắc góp phần hình thành nên một xứ Đông với những giá trị văn hóa độc đáo.


Ngã ba Lấu Khê, nơi khởi nguồn của dòng Kinh Thầy

Dòng sông lịch sử

Chiều cuối năm, gió đông bắc thổi lồng lộng. Từ bến Lấu Khê nhìn xuống, ngã ba sông mênh mang sóng nước. Trải qua bao bể dâu của thời cuộc, dòng sông vẫn êm đềm trôi.

Ngay trên khúc sông này, hình ảnh Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đầu đội nón lá, mình mặc áo ngắn, chèo thuyền bán than đã trở thành huyền thoại. Từ một Phiêu kỵ Đại tướng quân, do mắc tội mà ông bị cách hết chức tước, tịch thu hết gia sản, đuổi về nơi đất phong của cha, nay là xã Nhân Huệ (Chí Linh). Sau khi được phục chức, với sự hiểu biết tường tận các con sông, vịnh biển vùng đông bắc, ông đã cùng tướng sĩ của mình làm nên trận Vân Đồn - Cửa Lục nổi danh, nhấn chìm 17 vạn thạch lương của giặc, làm nên một trong những chiến thắng quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Không rõ Trần Khánh Dư lưu lại đất Chí Linh trong bao lâu nhưng tên tuổi ông còn mãi với nơi này, với đền Gốm thờ ông và một xã mang tên tước hiệu của ông - xã Nhân Huệ.

Cũng trên khúc sông này, vũng nước Trần Xá đã trở thành địa danh lịch sử ghi lại một trong những sự kiện đặc biệt của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Nằm cách ngã ba Lấu Khê không xa, vũng Trần Xá là nơi sông Kinh Thầy lượn dòng, mở rộng tạo thành một vũng nước lớn. Chính tại đây đã diễn ra hội nghị các vương hầu, khanh tướng bàn kế đánh giặc. Sau hội nghị, quyết tâm kháng chiến chống giặc Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần không gì có thể lay chuyển. Tại đây, người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vì không được dự bàn việc nước đã bóp nát quả cam vua ban rồi trở về nhà triệu tập gia nhân dấy nghĩa. Lá cờ "Phá cường địch báo hoàng ân" tung bay khắp các chiến trường khiến quân giặc nhiều phen khiếp sợ. Hiện nay, ngay đầu thôn Trần Xá vẫn còn 2 cây duối cổ tương truyền dùng để buộc ngựa cho quan quân khi về dự hội nghị. Trải qua năm tháng, hai cây duối đã già, thân mục ruỗng nhưng cành lá vẫn xanh tốt như chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Những năm cuối thế kỷ XIX, trên cù lao hai sông (Kinh Thầy, Kinh Môn), trong những hang động trên các dãy núi đá vôi trùng điệp, bốn bề mênh mang sông nước, thủ lĩnh Đốc Tít cùng nghĩa quân của mình tích trữ lương thực, vũ khí, kiên cường đánh Pháp, lập nhiều chiến công khiến quân xâm lược bao phen khiếp đảm. Rồi hình ảnh người nữ anh hùng trẻ tuổi Mạc Thị Bưởi "xuất quỷ nhập thần" làm giặc Pháp ăn không ngon, ngủ không yên. Sự hy sinh anh dũng của chị đã tiếp thêm sức mạnh để người dân địa phương đoàn kết một lòng, kiên trung theo Đảng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Những giá trị văn hóa đặc sắc

Nhìn trên bản đồ, sông Kinh Thầy không lớn, chiều dài chưa đầy 45 km. Sông uốn lượn, bao bọc, chở che cho thị xã Chí Linh và các huyện Kinh Môn, Nam Sách. Thượng nguồn sông Kinh Thầy bắt đầu từ ngã ba Lấu Khê, nơi dòng Lục Đầu huyền thoại chia nước thành 2 nhánh: Thái Bình và Kinh Thầy. Theo quan niệm của người xưa, Lục Đầu là dòng sông thiêng, là nơi hợp lưu của tứ đức trong vũ trụ: Nhật Đức (sông Thương), Minh Đức (sông Lục Nam), Nguyệt Đức (sông Cầu) và Thiên Đức (sông Đuống). Bốn con sông gom phù sa rồi chia cho sông Thái Bình và Kinh Thầy để đời đời lắng đọng, bồi đắp nên các bãi bờ màu mỡ, đem lại thịnh vượng cho cư dân vùng hạ lưu. Đến ngã ba Trại Sơn, nơi giáp ranh giữa các huyện Nam Sách, Kinh Môn và thị xã Chí Linh, sông Kinh Thầy bắt đầu chia nhánh thành sông Kinh Môn. Chảy tiếp đến bến Triều, sông Kinh Thầy lại tiếp tục chia nhánh sau đó hợp với sông Kinh Môn tại ngã ba Nống thuộc địa phận xã Minh Hòa rồi chảy vào TP Hải Phòng.

Theo giải thích của nhà sử học Tăng Bá Hoành, cái tên "Kinh Thầy" phải đến cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện gắn với cuộc cải cách hành chính của người Pháp. Từ “Thầy” trong Kinh Thầy bắt nguồn từ cách đọc nôm của từ Sài trong Sài Giang. Trước đó, theo tập quán, sông chảy qua địa phương nào sẽ được gọi theo tên của địa phương đó nên có nhiều tên gọi khác nhau như: Trần Xá, Thủ Chân hay Sài Giang. Nhưng dù mang tên nào, sông Kinh Thầy vẫn là nguồn nuôi dưỡng để tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, sông Kinh Thầy luôn là tuyến đường thủy huyết mạch từ vùng biển đông bắc vào trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Hải sản từ biển vào, lâm thổ sản từ miền núi ra đều đi qua con sông này. Vị trí đặc biệt đã tạo nên một dòng Kinh Thầy nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Từ ngã ba Lấu Khê xuôi xuống cầu Bình là hàng loạt những làng gốm, lò gốm cổ như Kiệt Đặc, Kiệt Thượng, làng Gốm... Các lò gốm, làng gốm cổ thường được hình thành ngay sát bãi sông để tiện vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Qua những chuyến đi điền dã, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều mảnh gốm, đáy lò gốm cổ trên các bãi sông. Chính cái tên đền Gốm đã minh chứng cho một nền sản xuất đồ gốm từng rất hưng thịnh ở đây.

Nằm cách bờ sông Kinh Thầy không xa, từ xưa, động Kính Chủ nằm trong dãy núi Dương Nham đã được xếp vào một trong sáu động đẹp của trời Nam. Từ đỉnh núi An Phụ nhìn về phía bắc, dãy Dương Nham như hòn non bộ khổng lồ giữa mênh mông cánh đồng lúa của thung lũng sông Kinh Thầy. Phía bắc núi Dương Nham, dòng sông uốn lượn sát chân núi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, giao thông thuận tiện. Vì thế, từ bao đời nay, các tao nhân mặc khách xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long theo dòng Kinh Thầy khi qua đây đều ghé lại chốn bồng lai, nhấc bút đề thơ lên vách đá để lại hệ thống văn bia ma nhai độc nhất vô nhị đã được xếp hạng bảo vật quốc gia.

Bên kia sông, ẩn sâu trong lòng núi đá Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là hàng loạt hang động với những nhũ đá hàng triệu năm tuổi nguyên sơ. Lòng đất Nhẫm Dương chứa đựng nhiều di vật độc đáo, quý hiếm khẳng định người Việt cổ đã định cư liên tục ở vùng Kinh Môn cách nay vài vạn năm. Những dãy núi đá vôi với hệ thống hang động phong phú trở thành nơi "trú chân" của người Việt cổ trong quá trình khai phá vùng đồng bằng ven biển.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyền tích sông Kinh Thầy