Xung quanh việc phá vườn chuối trên đê

07/01/2021 18:02

Một hộ dân phản ánh Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng tự ý đổ đất, phá hoại diện tích trồng chuối của gia đình này ở khu đất thuộc hành lang đê hữu sông Thái Bình .


Anh Tuấn đứng trên diện tích từng là vườn chuối 

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Mơ (sinh năm 1950), mẹ anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) trồng chuối trên diện tích 70 m2 tại khu đất rộng khoảng 150m2 thuộc hành lang đê hữu sông Thái Bình đoạn qua thôn Văn Thai. Khu đất này được hình thành từ năm 1990 do gia đình anh Tuấn san lấp một phần diện tích ao công do UBND xã Cẩm Văn quản lý. Gia đình anh đã ký hợp đồng với Trưởng thôn Uyên Đức (cũ) để thả cá. Từ khoảng năm 2015- 2016 đến nay, hợp đồng không được ký tiếp do UBND xã dự định sử dụng diện tích này để triển khai các dự án xây dựng. Tuy nhiên, bà Mơ vẫn trồng chuối tại đây. Mỗi năm bà thu được hơn 100 buồng chuối với tổng trị giá từ 20-25 triệu đồng.

Theo anh Tuấn, từ ngày 27.10-28.11.2020, Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng đổ đất lên diện tích ao được gia đình anh Tuấn san lấp trước đây và phá toàn bộ vườn chuối hơn 50 cây của gia đình, trong đó nhiều cây đã có buồng. Khi anh Tuấn hỏi thì được biết lý do là "bên trên cho lấp". Nhiều năm nay anh Tuấn không ở địa phương mà sinh sống tại Hà Nội, nhưng bà Mơ vẫn ở quê, chỉ thỉnh thoảng đi Hà Nội chữa bệnh và thăm con trai. Anh Tuấn và gia đình chưa nhận được thông báo nào về thu dọn tài sản trên đất. "Tôi nghĩ việc liên quan đến tài sản trên đất của người dân thì phải báo cho người dân trước khi phá. Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng làm như vậy là phá hoại tài sản của dân".

Ông Phạm Thanh Hưng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng cho biết vừa qua đơn vị đã phát quang cây cối ở mái đê, giải tỏa hành lang chân đê, trong đó có khu vực đê đi qua xã Cẩm Văn. Đây là nhiệm vụ hằng năm của đơn vị. Với trường hợp nhà anh Tuấn, các cây trồng hoàn toàn trên mái đê và mái cơ đê, rất nhiều năm không ai nhận và không liên hệ được với người trồng. Sau khi vườn chuối bị san lấp, anh Tuấn đã đến Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng để hỏi vấn đề này. "Khi anh Tuấn hỏi, tôi nói đã thông báo cho UBND xã và các hộ dân nhưng không ai nhận. Lúc đó anh Tuấn nói các anh phát cũng được không sao cả có mấy cây chuối hoang", ông Hưng cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn thông tin, vườn chuối nằm trong hành lang đê 25 m. Diện tích đất này do UBND xã quản lý, Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đê điều. Hạt Quản lý đê không thông báo cho UBND xã và nhân dân về san lấp trước khi sự việc diễn ra. "Sau khi Hạt Quản lý đê đã san lấp rồi mới thông báo cho lãnh đạo xã là không được. Nếu đơn vị san lấp cây cối, hoa màu của gia đình anh Tuấn mà chưa thông báo thì đơn vị phải có trách nhiệm với gia đình", ông Chức nói. 

Luật sư Đinh Ngọc Phán, Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc (TP Hải Dương) cho rằng việc trồng chuối của gia đình anh Tuấn trên đất thuộc mái đê, mái cơ đê hoặc hành lang đê khi chưa có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Khi Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng phát hiện vi phạm của gia đình anh Tuấn, cần phối hợp với UBND xã để xử lý bằng hình thức phạt tiền và buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu. Việc xử lý vi phạm phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, trước hết lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp gia đình anh Tuấn không thực hiện theo quyết định thì mới được tiến hành cưỡng chế. Như vậy, việc Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng tự ý cho người đến san lấp, phá hủy cây trồng khi chưa thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định là vi phạm pháp luật. Gia đình anh Tuấn có quyền gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xem xét xử lý vi phạm của Hạt Quản lý đê huyện Cẩm Giàng. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung quanh việc phá vườn chuối trên đê