Giảm điểm ưu tiên giữa các khu vực: Thí sinh người mừng, người lo

19/04/2018 06:30

Theo quy chế thi năm 2018, điểm ưu tiên khu vực đã giảm một nửa so với năm trước. Quy định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo thí sinh...

Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Chí Linh) hướng dẫn học sinh làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2018

Khu vực đô thị có lợi

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), điểm ưu tiên khu vực để xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay của thí sinh là khu vực 1 cộng 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn cộng 0,5 điểm và khu vực 2 cộng 0,25 điểm. Như vậy, điểm ưu tiên giữa các khu vực kế tiếp chỉ còn chênh nhau 0,25, giảm một nửa so với các năm trước.

Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý của các trường THPT cho rằng việc rút ngắn khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực rất có lợi cho thí sinh ở các khu vực đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống cao, nền giáo dục phát triển. Các em từ nhỏ đã có điều kiện sống và học tập trong môi trường tốt. Nền tảng kiến thức, kỹ năng, trình độ của thí sinh khá đồng đều và ở mức cao.
Khi biết thay đổi của Bộ GDĐT, thí sinh ở khu vực 2 và 3 tỏ ra rất vui mừng. Em Đinh Thị Thanh, lớp 12A, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương) chia sẻ: "Mức điểm ưu tiên này rất có lợi cho chúng em. Chúng em không còn phải lo lắng việc bị trượt khi cùng điểm nhưng lại thua về điểm ưu tiên".

Ngược lại, các thí sinh thuộc khu vực 1 không khỏi lo lắng. Tâm lý của thí sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi là hoàn toàn hợp lý. Từ khi bắt đầu cắp sách đến trường cho đến hết lớp 12, các em chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện sống và môi trường học tập, nhất là điều kiện trường lớp, đội ngũ giáo viên còn khó khăn so với vùng đồng bằng và nơi đô thị. Em Nguyễn Tiến Nam, ở xã Thất Hùng, học lớp 12A, Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) cho biết: "Dù sao thì điều kiện học tập của chúng em vẫn không thể bằng các bạn ở đô thị. Chúng em gặp nhiều trở ngại để tiếp cận những phương pháp, kỹ năng học mới nên việc giảm điểm ưu tiên như hiện nay chúng em thấy có phần thiệt thòi".

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng. Anh Nguyễn Văn Dung ở xã Lê Lợi, phụ huynh của em Nguyễn Văn Dũng, học sinh lớp 12 Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh) cho rằng: "Hầu hết học sinh đô thị được gia đình tạo điều kiện hết mức cho việc học. Còn các cháu ở xã tôi ngoài học còn phải tham gia sản xuất, làm việc nhà. Hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, thu nhập thấp nên để nuôi các cháu ăn học đầy đủ rất khó khăn. Ngoài học ở trường, con tôi không có điều kiện để học thêm".    

Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi ở các cơ sở giáo dục liên quan để hướng dẫn học sinh làm hồ sơ thi THPT quốc gia đúng quy định

Chưa thật thỏa đáng

Lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh cho rằng mức điểm ưu tiên khu vực như năm nay chưa thể hiện rõ được sự quan tâm đối với những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, nơi đặc biệt khó khăn. Mức chênh lệch giữa các khu vực chỉ có 0,25 điểm, nếu chia cho 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng thì chỉ được 0,083 điểm/môn. Như vậy điểm ưu tiên không đáng kể. Nếu xét về chất lượng sống, điều kiện học tập thì học sinh ở khu vực đồng bằng, đô thị, nơi kinh tế phát triển sẽ không gặp khó khăn, trở ngại gì trong việc cạnh tranh với thí sinh ở khu vực 1. Em Nguyễn Quỳnh Trang, lớp 12H, Trường THPT Hoàng Văn Thụ băn khoăn: "Nếu tính mức điểm ưu tiên như năm nay chia ra cho 3 môn thì không bằng điểm của 1 câu trắc nghiệm. Ví như, bài thi môn toán của chúng em có 50 câu, chấm theo thang điểm 10, mỗi câu chúng em được 0,2 điểm. Còn bài tổ hợp, một câu của mỗi môn được 0,25 điểm. Mức điểm ưu tiên giữa các khu vực giảm sẽ thiệt thòi cho các bạn ở nơi khó khăn".

Ngoài ra, hiện nay cách tính khu vực ưu tiên chưa thật sự hợp lý. Theo quy định thì những địa phương tuy thuộc khu vực 1 nhưng không thuộc diện khó khăn sẽ không được hưởng đúng đối tượng. Như huyện Kinh Môn, các xã, thị trấn đều thuộc khu vực 1 nhưng trong đó chỉ có 18 xã, thị trấn được hưởng đúng đối tượng.  

Theo nhiều cán bộ, giáo viên và kể cả học sinh, nên giữ nguyên mức điểm ưu tiên khu vực như trước để tiếp sức thêm cho con em ở những địa phương có hoàn cảnh khó khăn theo học. Bộ GDĐT cần có hình thức thi, ra đề hợp lý, phân hóa rõ đối tượng để tạo sự công bằng hơn; nên có điểm ưu tiên rõ rệt giữa thí sinh khu vực 1 với những khu vực khác.

Danh Trung  

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm điểm ưu tiên giữa các khu vực: Thí sinh người mừng, người lo