Khó khăn trong tổ chức ăn bán trú

08/10/2019 05:00

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có khoảng 40,6% số học sinh tiểu học ăn bán trú, cao nhất ở TP Chí Linh với tỷ lệ 73,6%, đứng thứ 2 là TP Hải Dương 66,2%.

Không thể tổ chức ăn bán trú, Trường Tiểu học Đông Kỳ (Tứ Kỳ) bị mất rất nhiều điểm, trong khi các hoạt động khác trường luôn ở tốp đầu của huyện

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác như Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, tỷ lệ học sinh ăn bán trú vẫn còn thấp so với mặt bằng chung.

Trừ điểm thi đua

Trường Tiểu học Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) có 289 học sinh nhưng là đơn vị duy nhất trong huyện chưa thể tổ chức bữa ăn bán trú. Nhiều năm nay, trường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con ăn bán trú tại trường để bảo đảm lịch học 2 buổi/ngày. Do nhà gần trường, phụ huynh có thời gian chăm sóc con nên không có nhu cầu.

"Nhà cách trường chưa tới 300 m, ông bà nấu cơm rồi đón cháu về ăn, sau đó lại đưa đi học nên gia đình không đăng ký cho cháu ăn bán trú nữa", một phụ huynh của trường cho biết.

Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Cẩm Sơn đã từng tổ chức ăn bán trú nhưng cũng chỉ có 10 học sinh đăng ký, trong đó 7 học sinh là con em giáo viên trong trường.

"Ít học sinh đăng ký, thu không đủ chi nên trường không tổ chức ăn bán trú nữa. Cuối các năm học trước, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức khảo sát nhu cầu gửi con của phụ huynh, đồng thời vận động, tuyên truyền, giải thích nhưng không ai mặn mà", Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Cẩm Sơn Trần Văn Hải giải thích.

Cùng chung hoàn cảnh, Trường Tiểu học Đông Kỳ (Tứ Kỳ) cũng không thể tổ chức bán trú bởi nhu cầu quá thấp. Vốn là xã nhỏ, trường ở trung tâm xã, khu vực xa nhất cách trường khoảng 1,5 km, lại có dịch vụ xe đưa đón học sinh nên ít người có nhu cầu.

Toàn trường có 264 học sinh nhưng trường không thể tổ chức ăn bán trú. Cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Kỳ cho biết: "Tổ chức ăn bán trú có bếp nấu phải đông học sinh mới đủ kinh phí để duy trì. Nếu ít học sinh thì phải chọn doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp. Như vậy sẽ rất khó kiểm soát chất lượng. Đã tổ chức ăn bán trú phải bảo đảm, chứ không chạy theo phong trào".

Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa tỷ lệ học sinh ăn bán trú là 1 trong 16 tiêu chí thi đua trong toàn ngành. Các trường không tổ chức ăn bán trú sẽ bị trừ điểm thi đua.

"Nếu phụ huynh có nhu cầu, nhà trường sẵn sàng đáp ứng. Phòng ăn, bếp nấu, phòng học kết hợp phòng nghỉ, thầy cô trông học sinh buổi trưa... nhà trường đều bố trí được. Phụ huynh không có nhu cầu mà các trường vẫn bị đánh thi đua thì rất thiệt thòi cho các trường", cô Hồng cho biết thêm.

Cố gắng vì phong trào

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Tái Sơn (Tứ Kỳ)

Chúng tôi về Trường Tiểu học Tái Sơn (Tứ Kỳ) vào đúng giờ ăn trưa của học sinh bán trú. Khu phòng ăn, nhà bếp rộng hơn 100 m2 được bố trí khoa học.

Từng suất cơm nóng hổi đựng ở khay inox sạch sẽ với 5 món ăn gồm rau, thịt, canh, cơm và đồ tráng miệng. Trường có 325 học sinh, nhưng có hơn 200 học sinh ở cả 5 khối đăng ký bán trú. Cách đây 4 năm, Ban giám hiệu trường bắt đầu tổ chức ăn bán trú.

Năm đầu tiên, chỉ có hơn 20 học sinh đăng ký. Không ngại khó, Ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bếp ăn, phòng ăn cơ bản theo tiêu chuẩn.

Trường ký hợp đồng với doanh nghiệp có uy tín cung cấp thực phẩm. Đồng thời ký hợp đồng với 2 nhân viên cấp dưỡng nấu ăn hằng ngày; bố trí 6phòng học làm nơi nghỉ trưa cho các em, mỗi lớp có một giáo viên phụ trách.

Để tạo sự tin tưởng cho phụ huynh, nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh thành lập tổ giám sát, thay phiên nhau kiểm tra từ khâu tiếp nhận thực phẩm đến khi đưa thức ăn lên bàn.

Qua 4 năm thực hiện, số lượng học sinh ăn bán trú tại trường ngày càng tăng.

"Có nhiều học sinh dù nhà ở gần trường, có ông bà ở nhà nhưng vẫn gửi con ăn bán trú tại trường”, thầy giáo Nguyễn Đức Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tái Sơn chia sẻ. 

Mặc dù cả trường có hơn 20 học sinh đăng ký ăn bán trú, chiếm khoảng 10% số học sinh nhưng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Giàng vẫn tổ chức bán trú.

Do số lượng ít, nhà trường không thể tự nấu nên đã ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho học sinh. Khoảng 10 giờ sáng, các suất ăn sẽ được mang tới, các em ăn trưa tại nhà tập đa năng. Trường cũng cắt cử các cô giáo ở lại trông coi học sinh trong giờ nghỉ trưa.

“Trường ở gần khu dân cư, các gia đình có thể tự lo cho con nên ít học sinh ăn bán trú tại trường. Mặc dù nhà trường và lãnh đạo địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng do không có nhu cầu nên phụ huynh không đăng ký. Vì phong trào nên nhà trường vẫn duy trì tổ chức ăn bán trú”, cô Ngô Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường nói. 

Theo Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Thị Hưng, học sinh ăn bán trú giúp nhà trường chăm lo sức khỏe, tâm lý cho học sinh tốt hơn.

Các em được ở môi trường khép kín từ ăn ngủ đến nghỉ ngơi, vui chơi... nhờ đó tăng tính tập thể, đoàn kết và tính tự lập cao. Thế nhưng, tỷ lệ tổ chức ăn bán trú ở một số địa phương còn thấp.

Để nâng cao tỷ lệ này, các trường cần tạo sự tin tưởng của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về phòng ăn, phòng ngủ, bếp ăn bảo đảm đúng tiêu chuẩn…

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó khăn trong tổ chức ăn bán trú