Có nên tự nguyện trả tiền khi chủ nợ đã chết?

07/11/2019 10:12

Hỏi: Tôi vay tiền của một người, khi đi làm ăn xa quay về thì chủ nợ đã chết, thân nhân của họ cũng không thấy đến đòi.

Vậy tôi có phải trả nợ cho thân nhân người đã mất hay không? Nếu họ đến đòi thì phải có điều kiện gì?

LÊ THỊ DUNG(Ninh Giang)

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế, khi một người qua đời thì di sản của họ để lại sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật. Do vậy, để xác định bạn có nghĩa vụ phải trả nợ cho ai cần xem xét người cho bạn vay (chủ nợ) có để lại di chúc hay không, di chúc đó có hợp pháp hay không. Trường hợp chủ nợ có để lại di chúc và được xác định là hợp pháp, bạn có nghĩa vụ trả cho người được chỉ định trong di chúc thụ hưởng số tiền mà chủ nợ cho bạn vay. Trường hợp chủ nợ không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì bạn có nghĩa vụ trả cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của người chết. Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì bạn có nghĩa vụ trả cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai và tiếp đến là hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Nếu thân nhân của chủ nợ đến đòi bạn tiền, họ cần xuất trình hợp đồng vay nợ (giấy xác nhận vay tiền), giấy tờ tùy thân (như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh), di chúc của chủ nợ (nếu có), văn bản khai nhận thừa kế lập tại cơ quan công chứng có thẩm quyền, văn bản cử đại diện nhận tiền (nếu có). Khi thanh toán tiền bạn nên lập thành văn bản được công chứng, chứng thực để ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với người nhận tiền nếu sau này phát sinh bên thứ 3 có quyền đối với khoản tiền mà chủ nợ cho bạn vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên tự nguyện trả tiền khi chủ nợ đã chết?