Cơ hội cho công nghiệp dệt may

18/10/2018 18:12

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường, nhưng ngược lại cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức.

Các doanh nghiệp may mặc của Hải Dương chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Đài Loan để bảo đảm chuẩn xuất xứ hàng hóa khi xuất sang Mỹ. Ảnh: TC

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm cho cánh cửa xuất khẩu hàng may mặc của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc hẹp lại nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho các DN dệt may của Việt Nam.

Mở rộng thị trường

Ông Vũ Xuân Hải, Giám đốc Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang) cho biết: “Nếu trước đây các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 30% tổng số đơn hàng thì gần đây đã tăng lên gấp 4-5 lần. Nguyên nhân do các DN cung cấp hàng may mặc của Trung Quốc đang bị Mỹ "cấm cửa" hoặc tăng thuế xuất khẩu nên lượng hàng xuất sang Mỹ giảm đáng kể”. Trung Quốc vốn là thị trường gia công hàng may mặc lớn với lợi thế nhân công dồi dào, giá cả cạnh tranh nên nhiều DN Mỹ đã lựa chọn nước này để đầu tư hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Nhưng từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều DN Mỹ đang có xu hướng tìm thị trường khác để phát triển. Việt Nam là thị trường lớn với nhiều lợi thế sản xuất hàng may mặc nên rất có thể nhiều DN Mỹ sẽ nhắm đến trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội này, Công ty CP May Hải Anh đang mở thêm nhà máy mới tại cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang) để đón cơ hội xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ.

Mỹ là thị trường có nhu cầu lớn đối với mặt hàng may mặc nên dự báo đơn hàng xuất khẩu sang đây sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Những rào cản thương mại đối với hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ được cân nhắc, xem xét lại theo hướng có lợi cho DN Việt. Theo chủ một số DN xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh, xuất khẩu sang Mỹ đem lại giá trị cao hơn nhiều so với xuất sang các thị trường khác. Đại diện Công ty TNHH May BVT (TP Hải Dương) cho rằng hàng may mặc Việt Nam đã được người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao. Nhiều DN Việt đã tạo được thương hiệu ở thị trường này nên đây là cơ hội lớn để giành thị phần. 

Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã làm đồng Nhân dân tệ mất giá. Các DN may mặc của Hải Dương có thể nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất với giá rẻ hơn nhiều so với trước. Đây cũng là cơ hội để các DN may mặc Việt Nam giảm chi phí, hạ giá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Lường trước rủi ro

Các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh cần được hỗ trợ về xúc tiến thương mại tại Mỹ để tạo điều kiện mở rộng thị trường. Ảnh: Thành Chung

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giúp các DN dệt may trong tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường nhưng ngược lại cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức. Ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) nhận định: “DN sản xuất hàng may mặc của Hải Dương hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu của Trung Quốc. Nhiều DN phải nhập khẩu đến 80% số nguyên, phụ liệu từ nước này. Trong khi đó, Mỹ vốn là thị trường không dễ tính. Họ kiểm tra và đánh giá các tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Nếu họ quan tâm đến tỷ lệ nội địa của hàng may mặc thì các DN trong nước rất dễ bị Mỹ tuýt còi”. Theo ông Thụ, DN dệt may phải lường trước điều này để tính toán phương án tìm thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế.

Trước những thách thức đó, các DN sản xuất hàng may mặc của tỉnh đã và đang nghiên cứu để có thể nhập nguyên liệu từ thị trường khác ngoài Trung Quốc như Đài Loan, Ấn Độ... Cách làm này giúp các DN xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ sẽ không lo bị làm khó về xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu. Về lâu dài, Hải Dương cần quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành này. Bởi nhập nguyên liệu từ các nước khác ngoài Trung Quốc giá sẽ cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất.

Cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ rộng mở nhưng các DN dệt may của tỉnh lo lắng sẽ có làn sóng các DN Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư sản xuất hàng dệt may để tránh những rào cản phía Mỹ đặt ra. Khi họ sang Việt Nam sản xuất sẽ làm các DN Việt bị cạnh tranh không chỉ về sản phẩm mà còn cả lao động. Vì vậy, các DN dệt may mong muốn tỉnh cũng như các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ tình trạng trên, không để DN dệt may của Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam đầu tư. Các DN sản xuất may mặc cần được hỗ trợ về xúc tiến thương mại tại Mỹ để tạo điều kiện mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu, từ đó mới có thể nắm bắt tốt các lợi thế trong xuất khẩu khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Cơ hội cho công nghiệp dệt may