Truy thu nợ bảo hiểm vì quyền lợi người lao động

02/09/2018 11:43

Thu hồi nợ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của cơ quan BHXH các cấp. Đây là cả một hành trình gian nan, vất vả, đôi khi còn gặp những rủi ro khó lường.

Đoàn thu nợ của Bảo hiểm Xã hội tỉnh làm việc với Công ty CP Đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải (ở thôn Cao Xá, xã Cao An, Cẩm Giàng)

1.001 cách lẩn tránh

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Phòng Khai thác và thu hồi nợ của BHXH tỉnh và BHXH huyện Cẩm Giàng đi đôn đốc, thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế đóng cho người lao động (NLĐ) tại một số doanh nghiệp nợ kéo dài. Hôm đó, đoàn hẹn làm việc với 5 doanh nghiệp tại các xã Cao An, Đức Chính, Cẩm Điền và điểm cuối cùng ở thị trấn Lai Cách. Chị Bùi Thị Kim Linh, cán bộ Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh cho biết ngoài 2 doanh nghiệp mới nợ hơn 4 tháng, lần đầu tiên cán bộ BHXH xuống đốc nợ thì 3 doanh nghiệp còn lại đều nợ từ 8 - 13 tháng nên đoàn đã phải đến nhiều lần.

Tại Công ty CP Đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải ở thôn Cao Xá (Cao An), đoàn thông báo doanh nghiệp đã nợ 8,2 tháng tiền bảo hiểm các loại với tổng số hơn 242 triệu đồng. Đồng thời phân tích việc nợ của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ của NLĐ. Cuối buổi làm việc, chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) cam kết thu xếp đóng nộp đầy đủ số tiền phát sinh hằng tháng và trả dần nợ. Nhưng 4 doanh nghiệp còn lại khi đến thì CSDLĐ đều không có mặt, gọi điện không nghe, người nghe thì nói đang đi công tác xa. Do đó, đoàn đành phải ra về.

Việc các đoàn đi thu nợ đến không gặp CSDLĐ là "chuyện thường ngày ở huyện". Hôm nào may mắn mới gặp, còn ngay cả việc liên hệ bằng điện thoại cũng rất khó khăn. Họ đưa ra 1.001 lý do để né tránh. Đoàn thường chỉ gặp được kế toán hoặc phụ trách bộ phận nhân sự. Hầu hết cán bộ thu đều dùng ít nhất 2 số điện thoại di động để liên hệ. Nhưng khi CSDLĐ đã biết số rồi thì lần sau gọi họ không nghe hoặc máy báo không liên lạc được. Có hôm, anh em biết chắc họ đang ở công ty nhưng gọi điện thì bảo ở xa, bảo vệ không cho vào.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội cho công nhân Công ty TNHH Sees Vina

Thời gian qua, một trong những phần việc khiến cán bộ thu vất vả nhất là lần tìm trụ sở của doanh nghiệp nợ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tuy có địa chỉ nhưng chỉ có 1 tấm biển nhỏ treo trước cửa hoặc không có biển, không có dấu hiệu hoạt động gì. Nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, hay chuyển địa điểm không thông báo với cơ quan chức năng nên rất khó tìm. “Vừa rồi, tôi và đồng nghiệp phải lòng vòng hơn 2 tiếng đồng hồ dưới trời nắng gay gắt để tìm đến Công ty CP Hội Đô (TP Hải Dương). Hỏi gần chục người dân mới tìm được nhưng doanh nghiệp đã chuyển chỗ khác. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa xác định doanh nghiệp này ở đâu để thu nợ”, chị Bùi Thị Kim Linh chia sẻ.

Với đặc thù có nhiều đơn vị đặt trụ sở tại địa bàn nhưng lại sản xuất, kinh doanh ở địa phương khác như TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh nên cán bộ thu nợ của BHXH huyện Kinh Môn rất vất vả mới gặp được CSDLĐ. Theo anh Nguyễn Văn Thăng, Phó Giám đốc BHXH huyện Kinh Môn, có doanh nghiệp đến mấy lần không gặp, nhất là những đơn vị kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản vì CSDLĐ thường ở tỉnh ngoài. Để gặp và làm việc được phải hẹn đi hẹn lại nhiều lần. Một số chủ doanh nghiệp nhỏ thường thuê kế toán nên nhiều lúc kế toán không thông báo kịp thời về số nợ, tính chất của việc nợ tiền các loại bảo hiểm nên CSDLĐ không biết.

Đến hết tháng 6.2018, toàn tỉnh có 321 đơn vị nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên) các loại bảo hiểm hơn 28,2 tỷ đồng của 2.336 NLĐ. Để thu hồi được hết số nợ này không hề đơn giản, nhất là khi CSDLĐ cố tình chây ỳ.

Trong số đơn vị nợ tiền BHXH có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm việc và hứa hẹn, cam kết sẽ trả nhưng rồi lại "bặt vô âm tín". Làm công tác thu nợ, cán bộ BHXH không lạ gì cách thoái thác, khất nợ của CSDLĐ.  Anh Vũ Mạnh Thắng, Phó Giám đốc BHXH TP Hải Dương cho biết: "Khi thông báo tình hình nợ, nhiều CSDLĐ đón tiếp rất cởi mở, nêu ra hàng loạt khó khăn, đồng thời hứa lên hứa xuống anh em cứ yên tâm về, chỉ mấy ngày nữa sẽ nộp. Nghe họ nói thì cứ như tiền về đến nơi nhưng mãi không thấy đâu”.

Không ít chủ doanh nghiệp khi gặp cán bộ thu nợ còn khoe khoang mình quan hệ rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo ở trung ương, tỉnh để gây sức ép. Chị Phạm Thu Hà, cán bộ thu BHXH TP Hải Dương thì không thể quên lần đi thu nợ bị dọa đánh. Chị Hà kể: "Cùng đồng nghiệp tìm đến một doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, tôi giới thiệu là cán bộ của BHXH thành phố đến thu nợ. Chúng tôi vừa dứt lời thì chủ doanh nghiệp mặt đỏ phừng phừng, mắt trợn lên và nói như quát: Giấy tờ đâu? Đi ngay! Bước vào cửa tao đánh. Chúng tôi đành phải ra về”.

Kiên trì, sáng tạo

Nhà máy Chế tạo cơ khí Công ty CP Thành Phát nợ tiền đóng các loại bảo hiểm cho người lao động hơn 10 tháng với số tiền 105 triệu đồng

Thời gian qua, cơ quan BHXH các cấp luôn ý thức việc thu nợ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao mà quan trọng nhất là góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Vì nếu các CSDLĐ không đóng nộp các loại bảo hiểm kịp thời thì NLĐ sẽ không được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, khám, chữa bệnh, trợ cấp thất nghiệp… Do đó, cơ quan BHXH của tỉnh đã có nhiều biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ. 

Cơ quan BHXH luôn xác định để việc thu nợ thuận lợi thì điều đầu tiên phải tranh thủ được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành liên quan. Ông Vũ Đức Khiên, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh) khẳng định: “Trong quá trình thu nợ, nếu có khó khăn, vướng mắc, nhất là những đơn vị chây ỳ, có biểu hiện trục lợi, BHXH tỉnh đều kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Chính từ sự quan tâm của chính quyền các cấp nên việc thu nợ của cơ quan BHXH bớt khó khăn hơn”.

Cán bộ làm công tác thu nợ đều là những người được cơ quan BHXH “chọn mặt gửi vàng”. Vì trước những CSDLĐ luôn tìm cách né tránh, biểu hiện thiếu văn hóa thì đòi hỏi cán bộ thu ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng còn cần có kinh nghiệm, biết cách xử lý tình huống linh hoạt, sáng tạo, kiên quyết. Đặc biệt, dù gặp đối tượng nợ có biểu hiện thế nào thì cán bộ thu nợ luôn phải có lời nói, hành động lịch sự, từ tốn. “Chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ về thân nhân, tính nết, mối quan hệ của từng CSDLĐ để có cách ứng xử phù hợp. Những doanh nghiệp lớn, có đầy đủ bộ phận chuyên môn, chúng tôi sẽ thông báo rõ những chính sách, quy định của pháp luật về việc nợ hay chây ỳ không đóng nộp. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chúng tôi chia sẻ với họ và phân tích việc nợ tiền các loại bảo hiểm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và động viên họ đóng nộp. Trường hợp cuối cùng là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, sắp giải thể, phá sản thì qua nhiều kênh thông tin nắm chắc diễn biến để xử lý theo quy định”, anh Nguyễn Văn Thăng cho biết.

Để liên hệ, gặp được CSDLĐ, các cán bộ thu phải tìm rất nhiều cách khác nhau. Anh Phạm Thành Trung, cán bộ thu BHXH huyện Nam Sách kể: “Đầu năm vừa rồi, tôi nhiều lần gọi điện liên hệ với một chủ doanh nghiệp nhưng không được. Một hôm, có người bạn gọi điện bảo ông ấy đang ngồi uống cà phê ở thị trấn Nam Sách. Tôi liền đến và đề nghị chủ doanh nghiệp ký vào giấy xác nhận nợ. Sau khi có chữ ký, tôi lại đến công ty lấy dấu. Do đó, chúng tôi luôn xác định làm công tác thu phải tạo dựng được mối quan hệ thật tốt để hỗ trợ cho công việc”.

Thời gian qua, từ sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan BHXH và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nên nhiều năm nay, Hải Dương luôn có số nợ thấp hơn chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao và thuộc tốp đầu những tỉnh, thành phố trong cả nước có số nợ thấp. Năm 2017, cơ quan BHXH các cấp thu hồi được 27 tỷ đồng tiền doanh nghiệp nợ, 6 tháng đầu năm nay thu hồi 12 tỷ đồng.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truy thu nợ bảo hiểm vì quyền lợi người lao động