Vệ sĩ - nghề kén người

13/02/2020 17:30

Thú vị nhưng không ít vất vả, nguy hiểm là những điều mà hầu hết các vệ sĩ (còn gọi là bảo vệ chuyên nghiệp) cảm nhận về nghề.


Các bảo vệ của Công ty CP Bảo vệ-vệ sĩ Sơn Dương (TP Hải Dương) được đào tạo nghiệp vụ tại chỗ

Tận tụy với công việc

Phải sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được anh Vũ Văn Hùng ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) vì lịch làm việc của anh luôn bận rộn. Mới 28 tuổi nhưng anh Hùng có 8 năm gắn bó với nghề vệ sĩ đồng thời cũng là thầy giáo dạy võ Vovinam. Anh Hùng khá thân thiện, cởi mở, không lạnh lùng như tưởng tượng của tôi về những người làm công việc này.

Anh kể từ nhỏ đã muốn trở thành một vệ sĩ giỏi để bảo vệ mọi người xung quanh. Anh tham gia một khóa đào tạo dành cho bảo vệ chuyên nghiệp sau đó xin vào làm việc tại một công ty vệ sĩ ở TP Hải Dương. "Ngày mới đi làm, tôi thấy áp lực vì công việc nay đây mai đó, lại có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Gia đình tôi cũng phản đối nhiều khi tôi lựa chọn nghề này, nhưng thấy tôi thực sự đam mê và muốn theo đuổi nên đã đồng ý", anh Hùng nói.

Theo anh Hùng, để trở thành vệ sĩ, phải trải qua khóa đào tạo bài bản từ võ thuật, giao tiếp ứng xử đến việc ứng phó với các tình huống như sơ cứu, phòng cháy, chữa cháy... Người vệ sĩ cần thể lực, tính kỷ luật cao, có khả năng xử lý tình huống tốt. "Nhiệm vụ chính của vệ sĩ là duy trì an ninh trật tự, ngăn chặn nguy cơ xâm hại đến tính mạng và tài sản của thân chủ hoặc đơn vị thuê nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật", anh Hùng cho biết.    

Cách đây 12 năm, ông Lương Văn Đáng ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) đã quyết định bỏ công việc là bộ đội chuyên nghiệp về làm việc cho một công ty bảo vệ, vệ sĩ ở Hải Dương. Dù năm nay ông Đáng đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và rắn rỏi. Ông cho biết công ty có 3 đội vệ sĩ, đội thứ nhất thường bảo vệ cho các nhân vật quan trọng, đội thứ hai sẽ bảo vệ sự kiện, các đơn vị, đội còn lại là bảo vệ cho các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng. 

Khi được phân công làm nhiệm vụ, các vệ sĩ hoặc tổ vệ sĩ thường lập trước kế hoạch bảo vệ cho khách hàng, phán đoán trước sự cố có thể xảy ra. Trường hợp khách hàng thay đổi thời gian, địa điểm, lịch trình làm việc cần có phương án bảo vệ kịp thời. Dù bảo vệ cho bất cứ ai thì người vệ sĩ luôn phải đề cao cảnh giác, tập trung và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để hoàn thành nhiệm vụ. Người làm trong nghề lâu dễ có thói quen đi đâu cũng quan sát từng cử chỉ, hành động của người khác.

Việc tự trau dồi kiến thức chuyên môn của mỗi vệ sĩ cũng rất quan trọng. "Vì thế, công việc có bận rộn đến đâu mỗi ngày tôi thường dành từ 15-20 phút tập các bài về thể lực", ông Đáng cho biết.

Sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm


Xã hội phát triển nên nhu cầu được bảo đảm an toàn của mỗi người ngày càng cao. Vì thế, nghề vệ sĩ cũng được nhiều người quan tâm hơn. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ cho người khác đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chấp nhận, đối mặt với nguy hiểm. Anh Hùng chia sẻ bản thân và đồng nghiệp đã từng bị một nhóm người kéo đến gây sự, đe doạ trong một lần ngăn họ không đột nhập ngôi nhà mà công ty nhận bảo vệ.  

Người vệ sĩ phải có cách ứng xử khéo léo, bình tĩnh để giải quyết các tình huống, phản kháng chỉ là hình thức tự vệ cuối cùng. Không quản ngại nắng mưa, thời gian, những vệ sĩ luôn tập trung cao độ trong công việc để bảo đảm an toàn cho khách hàng. Vì thế, chỉ có nghiệp vụ chuyên môn thôi chưa đủ, họ phải có lòng yêu nghề thì mới có thể gắn bó được. 

Ông Nguyễn Trắc Thắng, Giám đốc Công ty CP Bảo vệ-vệ sĩ Sơn Dương cho biết công ty có hơn 400 bảo vệ chuyên nghiệp gồm cả nam và nữ. Ngoài bảo đảm đủ theo tiêu chuẩn để trở thành một người vệ sĩ, nhiều khách hàng còn có yêu cầu riêng (trình độ, độ tuổi...), nhưng phải bảo đảm theo quy định của pháp luật. Theo xu hướng hiện nay, vệ sĩ không đơn thuần chỉ có nhiệm vụ bảo vệ mà họ phải kiêm luôn cả lái xe, làm thư ký. Vì thế, yêu cầu đặt ra cho một người bảo vệ chuyên nghiệp là phải nắm được nhiều kỹ năng, cập nhật  kiến thức. Trong thời gian làm việc mỗi vệ sĩ phải tôn trọng pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích và sự an toàn của khách hàng.

Các công ty bảo vệ, vệ sĩ đều ưu tiên tuyển dụng người có thời gian công tác hoặc đi nghĩa vụ trong lực lượng công an hoặc quân đội. Người làm vệ sĩ cần đến sức khỏe, độ nhanh nhạy. "Công ty chúng tôi còn mời các giảng viên của các trường công an về dạy để đào tạo nghiệp vụ tại chỗ", ông Thắng nói.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vệ sĩ - nghề kén người