“Bà đỡ” cá Koi

28/02/2021 18:03

Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ là cơ sở thủy sản đầu tiên trong tỉnh nhân giống thành công cá Koi. Đây là giống cá cảnh quý, giá trị kinh tế cao.


Cá mới nhập về phải đưa vào nhiều bể lọc nước khác nhau rồi điều chỉnh nhiệt độ giúp cá thích nghi, sau đó đưa ra ao nuôi

Cá Koi được xem là “quốc ngư” của đất nước Nhật Bản, là dòng cá hiếm và đắt đỏ trong các loại cá cảnh. Việc tìm mua giống cá này ở Hải Dương trước đây rất khó khăn. Đầu năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ đã nhân giống thành công cá Koi.

Kỳ công

Dù chưa phải vụ sản xuất cá giống nhưng những ngày đông năm ngoái là khoảng thời gian các cán bộ, nhân viên kỹ thuật tại trung tâm bận rộn hơn bao giờ hết. Thời tiết có lúc rét đậm, rét hại nên họ phải theo dõi sát sao tình hình phát triển của từng con cá để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp.

Tháng 5.2019, trung tâm nuôi 50 cặp cá Koi bố mẹ nhập ngoại. Cá mới nhập về phải đưa vào nhiều bể lọc nước khác nhau rồi điều chỉnh nhiệt độ giúp cá thích nghi, sau đó đưa ra ao nuôi. Ao nuôi được cải tạo đáy, bón lót gây màu trước khi thả, mật độ từ 20-25 con/m2. Sau 7-8 tháng, cá Koi thuần thục rồi mới lựa chọn để nhân giống.

Theo ông Đào Văn Thượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ, việc chọn lọc cá bố mẹ chuẩn và ghép cặp trong sinh sản rất quan trọng. Cá bố mẹ phải thuần chủng, có hoa văn đẹp, sắc nét. Cá Koi có đủ màu sắc, có loại từ 2-3 màu như đỏ trắng, trắng đen đỏ... Loại này được ưa chuộng trên thị trường nhưng việc nhân giống lại khó hơn so với cá cùng màu. Khi nhân giống phải theo nguyên tắc cá bố mẹ đều có 2 màu trên thân được sinh sản chung với cá có 3 màu. Cá bố mẹ có màu gấm vàng hay gấm bạc bắt buộc phải sinh sản riêng và không phối với các màu khác.

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, các nhân viên trung tâm đã tìm ra phương pháp giúp kích thích quá trình sinh sản của cá. Khác với cá thông thường, khi nhân giống, cá Koi được đưa vào bể, tạo giá thể cho chúng đẻ trứng. Thời điểm này, nhân viên kỹ thuật trung tâm rất vất vả, phải canh cả ngày lẫn đêm. Có những người dù không phải ca trực nhưng vẫn ở lại thức canh cá đẻ. Bởi thời gian cá sinh sản, nhất là giai đoạn phát triển phôi có thể kéo dài từ 8-42 giờ liên tục. Thế nhưng kết quả lại không như mong đợi, số cá Koi mới nở chết hàng loạt do thiếu oxy.

Rút kinh nghiệm từ đợt đầu, đợt nhân giống thứ 2, các nhân viên trung tâm theo dõi sát sao hơn, khi cá thiếu oxy thì sục khí liên tục, đồng thời tránh chiếu ánh sáng trực tiếp. Lần này, số cá bột thu được tới 5.000 con. Sau 3 tháng tiếp tục thực hiện các đợt nhân giống, trung tâm thu trên 21.000 con cá thương phẩm, tỷ lệ sống đạt 41%. Đây là lúc cá Koi đã có đầy đủ vây, vẩy với kiểu dáng, màu sắc đẹp, đặc trưng của cá trưởng thành.


Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ đã xuất bán trên 5.000 con cá Koi giống

Thị trường tiêu thụ rộng

Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ đã bán hơn 5.000 con cá Koi giống tới Hưng Yên, Hà Nội, Hòa Bình... với giá từ 20.000-100.000 đồng/con. Theo anh Phạm Văn Định, nhân viên kỹ thuật trung tâm cho biết cơ sở mới chủ yếu cung cấp lượng cá giống nên cần có sự hỗ trợ từ cấp trên về vốn, kỹ thuật, bảo đảm nguồn cung cho các hộ nuôi cá.

Theo quan niệm của người Nhật Bản, cá Koi mang đến tài lộc, vận may, sự thành công và bình an cho gia đình. Nhiều nhà hàng, quán cà phê... cũng nuôi cá Koi trong hồ để tạo cảnh quan. Với đặc tính thân thiện và dạn dĩ, người nuôi có thể sờ, vuốt, thậm chí thả cá ra xa cho chúng bơi lại... Những năm gần đây, thú chơi loại cá này nở rộ trong tỉnh. Những con cá đầu đàn có màu sắc độc đáo có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Minh Tuấn ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) là khách hàng đầu tiên sở hữu con giống cá Koi được ương nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ. Anh rất thích không gian tiểu cảnh hòn non bộ nên đã tìm hiểu khá kỹ về giống cá cảnh, trong đó có cá Koi. Giống cá này chủ yếu nhập từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... nên giá rất cao. Khi biết cơ sở sản xuất cá Koi ngay tại địa phương, anh Tuấn đã đến tận nơi mua 30 con về thả. Đến nay, cá đã đạt trọng lượng từ 300-500 gam/con, nhiều màu sắc đẹp và bắt mắt. Anh cũng học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc cá hữu ích từ trung tâm. “Từ người già đến trẻ nhỏ trong gia đình tôi đều cảm thấy rất thư thái mỗi khi ngắm nhìn và chăm sóc đàn cá Koi trong hồ cảnh”, anh Tuấn chia sẻ.  

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Nhân giống thủy sản Tứ Kỳ là cơ sở thủy sản đầu tiên của tỉnh nhân giống thành công cá Koi. Việc sản xuất giống loại cá này đánh dấu một bước phát triển mới của ngành thủy sản, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, mở thêm hướng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.     

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
“Bà đỡ” cá Koi