Đồng hành cùng nông dân sản xuất sạch          

26/01/2021 23:11

Đồng hành với sản xuất nông sản sạch, Hội Nông dân (HND) tỉnh Hải Dương tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn theo mô hình chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ.


Ông Lê Thạc Bình (bên phải), Tổ trưởng Hội Nông dân nghề nghiệp thôn Lúa (xã Đoàn Thượng, Gia Lộc) thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và tư vấn kỹ thuật chăm sóc rau cho hội viên

Nhiều mô hình hiệu quả

Đầu tháng Chạp, vùng trồng su lơ hơn 20 ha của thôn Lúa (xã Đoàn Thượng, Gia Lộc) vào cao điểm thu hoạch. Vụ này su lơ được mùa, được giá. "Năng suất vụ này tăng khoảng 15%. Bông đẹp thường bán được 7.000 đồng/bông, cao hơn tới 2.000 đồng/bông so với dịp áp Tết Canh Tý 2020. Tôi trồng hơn ha nên cũng được cái Tết", ông Nguyễn Đình Nhuận ở thôn Lúa vui vẻ cho biết. 

Đó là do kết quả hoạt động hiệu quả của tổ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ rau su lơ an toàn ở thôn Lúa. Ông Lê Thạc Bình, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn cũng là tổ trưởng HND nghề nghiệp thôn Lúa. Ông luôn đi thăm đồng giám sát quá trình bón phân, phun thuốc, hướng dẫn các thành viên mô hình tuân thủ quy trình kỹ thuật, cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất. Các hộ tham gia mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học; bảo đảm thu hoạch theo thời gian cách ly theo quy trình sản xuất an toàn.

"Quy trình sản xuất an toàn được bảo đảm nghiêm ngặt, HND lại hỗ trợ bao bì đóng gói, tem, nhãn mác sản phẩm nên tiêu thụ thuận lợi hơn. Tôi nhận sản phẩm của bà con và chở đến bán buôn tại các chợ đầu mối, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương...", ông Bình cho biết.          

Xã Nhân Huệ ( Chí Linh)  hiện có gần 30 ha trồng cà chua và hơn 100 ha trồng cà rốt. Các mô hình tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch do HND xã thành lập đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hội viên, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp. Nhóm "Cà chua an toàn" Nhân Huệ có 35 hộ tham gia. Các hộ đã tuân thủ kỹ thuật quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng tốt theo nguyên tắc "4 đúng" và tăng cường các chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học. Nhờ đó giúp cà chua có năng suất, chất lượng, giá bán cao hơn cách làm đại trà từ 15-18%. Các hội viên cùng nhau thu hoạch cà chua, tập trung để phân loại, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi cung cấp cho Công ty CP Greenfarm Mộc Châu (chi nhánh Hà Nội), chuỗi cửa hàng Co.op food và các bếp ăn tập thể.

Nhóm "Cà rốt sơ chế" xã Nhân Huệ đã khôi phục nhà sơ chế, vận hành lại 3 dây chuyền sơ chế cà rốt. Nhóm hiện có hơn 20 thành viên, trồng khoảng 30 ha cà rốt. Cà rốt sạch Nhân Huệ vừa được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Phan Văn Huynh, một thành viên của nhóm cho biết: "Sản lượng của nhóm vụ này khoảng 720 tấn. Chúng tôi phấn đấu sơ chế kịp thời, bảo đảm chất lượng theo hợp đồng đã ký. Hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cà rốt sạch Nhân Huệ hướng tới các chuỗi cửa hàng rau sạch."

Tiếp tục nhân rộng 

Đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã xây dựng được 413 mô hình kinh tế tập thể. Hơn 80% số cơ sở hội trong tỉnh có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản sạch. Nhiều sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, có hiệu quả kinh tế cao như na an toàn ở Hoàng Tiến, thanh long an toàn ở Hoàng Hoa Thám (TP. Chí Linh); cam VietGAP ở Thất Hùng (Kinh Môn); ổi, rau VietGAP ở Liên Mạc (Thanh Hà); rau an toàn ở Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn, Lê Lợi (Gia Lộc); củ đậu an toàn ở Đồng Gia, Tam Kỳ, Cẩm La (Kim Thành)…

Ông Phạm Đức Hội, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội (HND tỉnh) cho biết: "Các cấp hội đang quản lý 15 nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc trưng vùng; vận động các Công ty: CP GreenFarm Mộc Châu, TNHH Rau củ quả an toàn Thanh Hà; HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt, các chuỗi cửa hàng Vinmart, Co.op... liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân".

Hải Dương có 21.302 ha rau màu, 21.520 ha cây ăn quả. Nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cao đã bước đầu hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên HND tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn.

Thời gian tới, các cấp HND tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả theo chuỗi liên kết khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chú trọng sản xuất an toàn, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

"Thúc đẩy nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất sạch; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất là góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống", bà Phạm Thanh Thủy, Phó Chủ tịch HND tỉnh khẳng định.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Đồng hành cùng nông dân sản xuất sạch