Làm giàu nhờ thương hiệu "Sắn dây Kinh Môn"

08/12/2017 15:07

Chất lượng tốt, lại có thương hiệu riêng đã tạo đà để sản phẩm của gia đình anh vươn ra thị trường.

Anh Bùi Văn Thành đã góp phần đưa thương hiệu "Sắn dây Kinh Môn" đến với nhiều người tiêu dùng

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất bột sắn dây, anh Bùi Văn Thành ở thôn Vũ Xá, xã Thượng Quận (Kinh Môn) là người đầu tiên được Hội Nông dân huyện đồng ý cho sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sắn dây Kinh Môn”. Sản phẩm bột sắn dây của anh ngày càng có nhiều khách mua, mang lại thu nhập khá cho gia đình và nối thêm nhịp cầu để thương hiệu "Sắn dây Kinh Môn" vươn ra thị trường.

Vừa kiểm tra sản phẩm bột sắn dây trước khi giao cho khách hàng, anh Thành vừa tâm sự: “Mỗi vụ thu hoạch tôi đều tự chở sắn củ đi bán tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhiều lần để ý thấy bạn bè cùng đi chợ bán bột sắn dây vừa được giá lại đắt hàng. Vậy là tôi tìm hiểu, học hỏi quy trình kỹ thuật chế biến bột sắn dây. Năm 2000, tôi mở xưởng chế biến tại nhà”.

Năm 2013, anh Thành đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến bột sắn dây theo quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo anh Thành, để làm ra 1 kg bột sắn dây ngon mất từ 4,5 - 6 kg củ tươi trong khoảng 10ngày với rất nhiều công đoạn công phu, vất vả và đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Sắn mua về phải tiến hành sơ chế và làm ngay thì mới giữ được hàm lượng tinh bột và không bị thâm đen. Sau khi rửa sạch, cạo vỏ, sắn được đưa vào nghiền nát, lọc bã qua 4 - 5 lần nước. Đặc biệt, công đoạn chế biến sắn phải làm bằng nước sạch, tuyệt đối không được ngâm chất tẩy rửa nếu không bột sẽ hỏng, biến chất hoặc không còn mùi vị của sắn dây.

Dù có trong tay bí quyết riêng để sản phẩm bột sắn thơm ngon, trắng mịn, không bị lắng cặn khi uống nhưng sản phẩm anh làm ra bị các cơ sở bán lẻ pha trộn với những sản phẩm kém chất lượng. Nhiều mối hàng lớn lần lượt hủy hợp đồng. Khi vỡ lẽ, anh Thành mới thấu hiểu sự cần thiết phải xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Đầu năm2016, Hội Nông dân huyện Kinh Môn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể "Sắn dây Kinh Môn", cơ sở sản xuất của anh Thành được quyền sử dụng nhãn hiệu này với tên gọi "Bột sắn dây Thanh Nhàn". Chất lượng tốt, lại có thương hiệu riêng đã tạo đà để sản phẩm của gia đình anh vươn ra thị trường. Năm 2013, khi mới mở xưởng cơ sở sản xuất 4 tấn bột khô, đến cuối năm 2016, sản lượng bột thành phẩm tăng gần 4 lần, lên đến 15 tấn bột khô. Với giá bán 80.000 đồng/kg, trừ chi phí anh lãi gần 200 triệu đồng. Vào thời vụ từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, cơ sở sản xuất bột sắn dây của gia đình anh còn tạo việc làm cho 8 - 10 lao động với thu nhập khá.

Anh Thành đang đầu tư kinh phí xây thêm 1 nhà xưởng để kịp cho vụ sản xuất mới năm nay. Anh mong muốn được hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện được vay vốn ưu đãi để phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu "Sắn dây Kinh Môn" trên thị trường.

THU XUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu nhờ thương hiệu "Sắn dây Kinh Môn"