"Vua" khoai lang trên đất Đắk Nông

01/01/2018 19:29

Rời quê hương Hải Dương đi vùng kinh tế mới khi mới 15 tuổi, cuối cùng anh đã "bén duyên" và thành công với cây khoai lang Nhật trên đất Đắk Nông.


Mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh Phạm Thanh Huy (bên phải) xuất bán hơn 200 tấn khoai lang thương phẩm ra nước ngoài

Người đầu tiên làm khoai rửa

Ngồi cà phê tán chuyện, Tuấn - một người bạn của tôi làm nghề lái xe  kể rằng ở đất Đắk Nông có anh Phạm Thanh Huy - một người Hải Dương dù còn trẻ nhưng đã thành công trong lĩnh vực trồng và thu mua khoai lang Nhật xuất khẩu. Ở đó, anh được nhiều người gắn cho cái tên “vua” khoai lang hay tỷ phú khoai lang người Hải Dương. Ấn tượng là khi mới vào đất Đắk Nông, anh Huy chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.

Câu chuyện của Tuấn khiến tôi tò mò xen lẫn háo hức muốn được gặp ngay ông “vua” này. Buổi chiều một ngày cuối năm, tôi lên đường vào Tây Nguyên. Do đã liên hệ từ trước nên tôi được anh Huy ra đón tận sân bay Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Anh đi xe ô tô giá tiền tỷ nhưng ăn mặc giản đơn với quần Jean cũ, áo phông và đôi tông trị giá... vài chục nghìn đồng. Vẻ ngoài chất phác của tỷ phú Phạm Thanh Huy cộng thêm tính tình vui vẻ, cởi mở khiến tôi cảm thấy rất thoải mái, dễ gần dù mới lần đầu gặp.

Chúng tôi vượt 150 km từ sân bay Buôn Mê Thuột về nhà anh Huy ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk GLong (Đắk Nông). Trên đường, hỏi ra mới biết tôi và anh là đồng hương cùng quê xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) nhưng khác thôn. Câu chuyện giữa 2người cũng vì thế mà trở nên rôm rả, thân tình. Về tới bon N’Tinh thì trời đã về đêm.

Sáng hôm sau, tôi ra thăm khu trồng khoai lang Nhật của anh Huy cách nhà chừng 3 km. Hiện đang là thời điểm bước vào vụ trồng khoai lang mùa khô. Trời mưa bay nhưng hàng chục công nhân vẫn cặm cụi làm đất, rắc phân, trồng khoai trên những ruộng đất tơi xốp, màu mỡ.

- Nghe nói anh có hàng chục ha trồng khoai lang Nhật? - tôi hỏi.

- Ở đây mình chỉ có 5 ha, 40 ha còn lại ở Bình Phước và Gia Lai.

- Diện tích nhiều vậy, anh quản lý sao?

- Mình phải thuê lao động ở địa phương làm tất cả các khâu, nhưng đều phải giám sát chặt chẽ các quy trình từ khi sản xuất đến lúc thu hoạch.

Anh Huy thông tin cây khoai lang Nhật du nhập vào tỉnh Đắk Nông từ khoảng năm 2004. Khi đó, ông Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Đắk Búc So, huyện Tuy Đức đã tìm hiểu rồi đưa giống khoai lang này về trồng thử nghiệm. Khoai lang xứ Phù Tang bén rễ, cho thấy khả năng sinh trưởng nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, có thể trồng quanh năm, năng suất và hiệu quả kinh tế đều cao nên đã được nhiều nơi ở Tây Nguyên nhân rộng. Thời gian này, anh Huy đang sinh sống ở huyện Đắk Song nên cũng đưa giống khoai lang Nhật về trồng thử trên diện tích 5 sào Nam Bộ. Thấy có lãi cao, năm sau, anh mở rộng diện tích trồng lên 5 ha. “Chất đất, thời tiết trong này rất thuận lợi cho cây khoai lang Nhật phát triển. Mỗi vụ từ khi trồng đến lúc thu hoạch thường kéo dài khoảng 4 tháng. Giống khoai này cho năng suất 20 - 30 tấn/ha và giá bán dao động từ 8.000 - 12.000đồng/kg nên nhìn chung cho lãi rất cao”, anh Huy nói.

Mỗi năm, anh Huy duy trì diện tích trồng khoai lang Nhật khoảng 5- 7 ha. Năm 2016, nhu cầu thị trường tăng cao, anh xuống tận thủy điện Thác Mơ (Bình Phước) thuê 20 ha đất bán ngập để trồng khoai. Sau hơn 4 tháng trồng, anh lãi ròng 2 tỷ đồng. Năm nay, anh tiếp tục trồng 34 ha khoai ở khu vực này và trồng thêm 10 ha ở Gia Lai, nhưng không có lãi vì mưa bão khiến nhiều diện tích bị ngập úng.


Anh Huy (trái) trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương tại vùng trồng khoai lang Nhật ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Rời khu trồng khoai, anh Huy dẫn tôi về thăm xưởng chế biến, đóng gói khoai lang xuất khẩu của mình ở gần nhà. Không khí lao động tại đây rất nhộn nhịp. Hàng chục công nhân đang tất bật rửa khoai, phân loại, đóng gói sản phẩm. Anh Huy cho biết cùng với trồng khoai, năm 2005, anh đã mạnh dạn nhận bao tiêu khoai lang của bà con, tìm đầu mối để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Công việc ban đầu diễn ra thuận lợi nhưng sau đó do đối tác đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe nên anh chuyển hướng sang thu mua và cung ứng khoai rửa (thu mua khoai về rửa sạch, đóng thùng, gắn nhãn mác) cung cấp cho Công ty TNHH Nông sản HP (Đà Lạt) xuất khẩu sang Malaysia và Singapore. Anh trở thành người đầu tiên ở Đắk Nông làm khoai rửa xuất khẩu. Giai đoạn 2005 - 2007, mỗi ngày anh Huy thu mua khoảng 300 tấn khoai lang thô cho nông dân 2 huyện Đắk Song và Tuy Đức, trở thành nhà cung cấp hàng lớn nhất cho công ty trên (70% đơn hàng). Năm 2008, anh Huy quyết định chấm dứt hợp đồng với đối tác để chuyển sang làm riêng. Anh mua đất ở mặt quốc lộ 14 tại huyện Đắk Song, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thuê 17 lao động để làm công việc sơ chế, đóng gói khoai lang xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc). Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán trên 100 tấn khoai thương phẩm sang thị trường này.

Công việc làm ăn thuận lợi nhưng lao động ở Đắk Song ngày càng khan hiếm khiến các đơn hàng thường bị chậm thời gian. Năm 2010, anh chuyển cơ sở vào trong bon N’Ting vì ở đây nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thuê lao động cũng rẻ hơn. Cùng với việc duy trì xuất khẩu khoai sang Hồng Kông, anh Huy tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu sang Malaysia và Thái Lan. Để có đủ nguồn hàng, anh mở rộng thị trường thu mua khoai lang sang cả các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước. Mỗi tháng, anh xuất bán bình quân 150 tấn khoai thương phẩm sang thị trường Hồng Kông và 75 tấn sang 2 nước Malaysia và Thái Lan.

Hiện nay, ngoài làm khoai lang xuất khẩu, anh Huy còn thu mua cây cao su tại tỉnh Bình Phước để bán cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Anh dự định năm tới sẽ nghiên cứu trồng khoai bên Lào.

Đi lên từ gian khó

Mới 34 tuổi nhưng anh Huy hiện đã là một doanh nhân có tiếng trong vùng. Ngoài ngôi biệt thự to đẹp với đầy đủ tiện nghi đắt tiền bên trong, anh Huy sở hữu một số xe tải chuyên chở hàng dịch vụ từ Đắk Nông tới bến xe Miền Đông và ngược lại. Đặc biệt, anh còn có một gia đình hạnh phúc. Anh Huy chia sẻ: “Những gì mình có được như ngày hôm nay chưa là gì so với xã hội. Nhưng với một người có quá khứ vất vả như mình thì cuộc sống hiện tại là điều mà trước đây không bao giờ mình dám nghĩ tới”.

Năm 1998, khi vừa học xong lớp 9, vì hoàn cảnh khó khăn nên anh Huy và mẹ của mình đã phải vào Đắk Nông phát nương rẫy, trồng ngô, hồ tiêu thuê. 2 mẹ con anh đón cái Tết đầu tiên trên vùng đất mới trong một căn chòi dựng tạm giữa cánh rừng heo hút với 1,8 kg cá khô, 1,5 kg mỡ lợn và vài kg gạo. 4 năm sau, anh vào Cà Mau làm nghề đào đất, hút bùn cho các đầm nuôi tôm. Mẹ anh ở nhà làm nghề hái hồ tiêu thuê. Số tiền tích cóp được, anh Huy gửi về cho mẹ nhờ người mua nương rẫy để trồng cà phê, sắn. Năm 2002, anh chuyển sang nghề khai thác mủ cao su cho một đồn điền ở Đồng Nai. Được vài tháng, anh xin nghỉ để đi làm nghề bơm, vá săm xe đạp, xe máy tại các khu công nghiệp ở Sài Gòn. Sau vì thấy mẹ vất vả nên anh đã trở lại Đắk Nông làm nương rẫy. Số tiền làm được bao nhiêu, anh đều tận dụng mua thêm nương rẫy. Thời điểm năm 2004, anh Huy đã có trong tay 7 ha đất ở huyện Đắk Song. Từ đây, anh bắt đầu "bén duyên" với cây khoai lang và từng bước có được thành công như hôm nay.

Sinh ra và trưởng thành trong gian khổ, anh Huy luôn đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn. Khu trồng khoai và xưởng chế biến, đóng gói khoai lang xuất khẩu của anh tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đức Êm, Trưởng ban công tác Mặt trận bon N’Ting cho biết: “Anh Huy tham gia ủng hộ rất nhiều phong trào của địa phương, xứng đáng là một tấm gương sáng để các thanh niên khác học tập”.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vua" khoai lang trên đất Đắk Nông