Cảnh sát môi trường tập trung chống "cát tặc"

21/08/2018 12:24

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 20 vụ khai thác cát trái phép (KTCTP).

Lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Kinh Môn ngày 25.6.2018

"Cát tặc" thường lợi dụng đêm tối và địa bàn giáp ranh để hút cát trái phép. Các chủ tàu hầu như không ra mặt mà thường thuê nhân công. Tinh vi hơn, nhằm tránh bị lực lượng chức năng và nhân dân phát hiện, nhiều đối tượng đầu tư hệ thống máy móc giảm thanh trên tàu, đồng thời bố trí người canh gác để báo động nếu thấy có thể bị phát hiện...

Trung tá Vũ Đức Kiên, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an tỉnh chia sẻ: “Trong quá trình bắt giữ, các đối tượng thường chống trả rất quyết liệt bằng các phương thức như dùng vòi phun nước phun thẳng vào lực lượng bắt giữ, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do hay giằng co, bỏ tàu chạy trốn… Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, có lúc chưa kịp thời. Ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa tốt, việc xử lý có trường hợp còn thiếu kiên quyết, chưa dứt điểm”.

Ngày 25.6, tổ công tác thuộc Phòng CSMT phát hiện tàu HD-2122 trọng tải 800 tấn do Nguyễn Đức Hiếu (trú tại thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) đang hút cát trái phép tại sông Kinh Môn (thuộc địa phận xã Hiến Thành). Tổ công tác đã yêu cầu những người có liên quan dừng ngay hoạt động khai thác, lập biên bản, đồng thời yêu cầu bơm toàn bộ số cát đã khai thác hoàn trả lại vị trí đã hút.

Có nhiều dòng sông đi qua, Hải Dương trở thành một trong những địa điểm lý tưởng cho “cát tặc” lộng hành. Hoạt động KTCTP ngang nhiên trên các dòng sông trong nhiều thời điểm khiến dư luận bức xúc. KTCTP không chỉ gây ô nhiễm, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến luồng chạy tàu mà nghiêm trọng hơn là việc khai thác, tập kết, trung chuyển cát, sỏi đã uy hiếp sự an toàn của hệ thống đê điều và công tác phòng chống lụt bão. Cùng với đó, hàng trăm ha đất nông nghiệp ven sông bị "nuốt chửng" ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác và đời sống bà con nông dân. Do vậy, công tác đấu tranh với những vi phạm này đã được UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Phòng CSMT trong 6 tháng cuối năm.

Đại tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng CSMT Công an tỉnh cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi khai thác đất, cát trái phép. Đồng thời phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường".

Bên cạnh sự vào cuộc thật sự của lực lượng CSMT cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân; tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại; xây dựng các phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó đẩy lùi nạn KTCTP trên các tuyến sông, góp phần bảo đảm bình yên sông nước.

VŨ OANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh sát môi trường tập trung chống "cát tặc"