“Hoàng tử” làng chèo

07/12/2019 16:59

Có một thời cứ vai hoàng tử, vua chúa trong các vở của chiếng chèo xứ Đông lại được giao cho nghệ sĩ Sỹ Thuật.


Nghệ sĩ Sỹ Thuật (áo dài đứng giữa) trong vai diễn "Chuyện tình Hàn Sỹ - Đào Nương" góp phần giúp Nhà hát Chèo Hải Dương đoạt giải vàng vở diễn tại Liên hoan Chèo toàn quốc vừa qua

Sắc vóc to cao, gương mặt chữ điền, đôi mắt biết nói… là những yếu tố trời phú để nghệ sĩ nhập vai mà đến nay vẫn khó có người nào vượt qua.

Tạo dấu ấn

Nghệ sĩ Sỹ Thuật sinh ra trong gia đình thuần nông, không ai theo nghệ thuật, nhưng quê hương anh lại là cái nôi của văn nghệ. Ngay từ nhỏ, anh đã tham gia vào đội văn nghệ ở xã Nam Trung (Nam Sách) nên sớm được tiếp cận với chèo.

Anh kể, mới chỉ khoảng 9-10 tuổi, khi địa phương xin vở "Tình cá nước" hay "Bà mẹ bên sông Hồng"… của Đoàn Kịch Hải Hưng về dựng để phát triển phong trào văn nghệ ở quê nhà, mỗi lần tập từng câu hát, lời thoại của chèo cứ như thể đã trong máu nên anh thuộc và ngấm rất nhanh. 

Cơ duyên đến vào năm 1980, khi tham gia hội diễn văn nghệ của lực lượng vũ trang, tố chất của Sỹ Thuật được phát hiện, anh vào học lớp năng khiếu của Đoàn Chèo Hải Hưng. Năm1981, anh được tuyển thẳng vào đoàn thì đến tháng3.1982, lãnh đạo tin tưởng giao cho vai chính trong vở "Tống Chân, Cúc Hoa".

Nhưng đỉnh cao phải nhắc đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi  tên tuổi của nghệ sĩ Sỹ Thuật "đóng đinh" với những vở diễn như "Hai giọt nước", "Hoàng tử bị bỏ quên", "Tình hận giữa hoàng cung"...

Lúc ấy, cứ vở nào có vai hoàng tử là Sỹ Thuật mặc nhiên được chọn. Anh bảo đó là điều may mắn mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có được. Thừa nhận mình được thiên phú cho vóc dáng cao ráo, gương mặt phù hợp với những vai thuộc tầng lớp vua chúa nhưng khoản đài từ (giọng nói) chưa thật sự tốt nên để tròn vai, Sỹ Thuật phải rất nỗ lực.

Anh bảo không phải vua chúa, hoàng tử ở triều đại nào cũng giống nhau nên mỗi vở mình lại phải tìm đọc tư liệu, tư duy sao cho ra nhân vật, nhất là thể loại khó như chèo cổ. Phải học từ cách cầm quạt, cầm kiếm, cách nhấn câu, nhả chữ… Để làm được điều đó bên cạnh tư duy cần có vốn sống phong phú nên có những ngày nhận vai diễn xong anh lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, đêm không chợp được mắt lại vùng dậy tập thoại.

Không ngừng sáng tạo

Đọc không thiếu từ nào trong bài thơ "Vịnh cái quạt" của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nghệ sĩ Sỹ Thuật cẩn thận giảng giải ý nghĩa của bài thơ cho chúng tôi nghe. Anh nói nếu mình chỉ thuộc vẹt mà không hiểu ý nghĩa của bài thơ thì diễn sẽ không có hồn, nên đã là nghệ sĩ phải luôn biết sáng tạo, biết cách thế nào cho ra nhân vật. Đó cũng là điều nghệ sĩ luôn tâm niệm trong gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật chèo.

Được phong Nghệ sĩ Ưu tú ở tuổi 57, bạn bè, đồng nghiệp thì Sỹ Thuật chịu thiệt thòi. Bởi trước đây sân khấu chèo không có nhiều sân chơi lớn, các kỳ liên hoan toàn quốc… như bây giờ, thành thử để đáp ứng những tiêu chí về huy chương, thành tích với các nghệ sĩ rất khó.

Tuy nhiên, bản thân Sỹ Thuật lại cho rằng ghi nhận từ phía khán giả là điều quan trọng nhất. Anh kể, ngay từ những ngày đầu vào nghề, đi diễn ở khắp mọi miền Tổ quốc đã nhận được rất nhiều tình cảm chân thành từ người dân mà cả cuộc đời nghệ sĩ không thể quên.

Nhớ nhất là thời điểm đi diễn phục vụ nhân dân ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang), người dân quý văn công đến nỗi nhà vẫn thiếu ăn nhưng sáng nào cũng có cơm nóng, cá kho… đãi khách. Hay hồi đi diễn ở miền Nam vào thời điểm sữa tắm vẫn còn là thứ xa xỉ, nhiều khán giả đã không tiếc mà tặng lại cho anh em. Chính vì tình cảm ấy mà có những lúc khó khăn với nghề, nghệ sĩ vẫn cố gắng vượt qua.

Nghệ sĩ Sỹ Thuật bảo theo nghệ thuật truyền thống bền bỉ là do đam mê, bởi không ai làm giàu được bằng nghề này. Để đeo đuổi được đến giờ cũng qua lắm thăng trầm, cả hai vợ chồng anh phải làm nghề tay trái như buôn hàng thùng, may áo phao... “Mình chấp nhận mức lương thấp để làm nghề, bởi nếu ai cũng nghĩ đến bỏ thì còn ai sẽ giữ nghề?”, nghệ sĩ Sỹ Thuật đặt câu hỏi. 

Nhận định con đường đeo đuổi nghệ thuật truyền thống phía trước còn nhiều khó khăn, nhất là các nghệ sĩ trẻ nhưng so với trước đây các điều kiện về cơ sở vật chất, sân khấu biểu diễn cũng đa dạng hơn, nghệ sĩ Sỹ Thuật mong muốn những người trẻ hãy cố gắng giữ nghề. “Nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp khó khi khán giả được tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí. Nhưng tôi tin, nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng lâu bền trong lòng mỗi người Việt nên nhiệm vụ của các nghệ sĩ là hãy giữ niềm tin để bám trụ và phát triển nghề”, nghệ sĩ Sỹ Thuật nói.

HUYỀN ANH

Nghệ sĩ Sỹ Thuật (tên thật là Nguyễn Văn Thuật, sinh năm 1962, ở xã Nam Trung, Nam Sách). Quá trình hoạt động nghệ thuật từ năm 1981 đến nay anh đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu như huy chương vàng cho vai diễn trong vở "Hai giọt nước" tại Hội diễn sân khấu năm 1994; huy chương vàng cho vai diễn trong vở "Chuông ngân rừng trúc" năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng nhiều danh hiệu khác. Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào tháng 8.2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hoàng tử” làng chèo