Văn Toàn đã thấy nụ cười dưới triều đại Park Hang-seo?

03/09/2018 15:32

Từng là lựa chọn thứ yếu dưới triều đại HLV Park Hang-seo, Văn Toàn chưa bao giờ từ bỏ, chưa bao giờ ngừng cố gắng và đến rất gần với điều mà anh xứng đáng nhận được.


Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn

Năm 2007, khán đài sân Quân khu 7, 2 nhân vật sừng sỏ của HAGL là Nguyễn Văn Vinh và Huỳnh Mau đang mê mẩn theo dõi một cậu bé. Họ sắp mở một lò đào tạo mới và muốn tuyển thẳng cậu bé ấy vào lứa một.

Cùng thời điểm đó, TP Hải Dương, điện thoại của ông Nguyễn Văn Tạo không ngừng rung lên. Người của Trung tâm Đào tạo trẻ Viettel gọi tới. Họ từng nói sẽ theo dõi tới hết giải trước khi quyết định có nhận con trai ông hay không. Nhưng khi ấy, đội bóng mới tới vòng bán kết.

Năm 2006, căn phòng có cửa sổ hướng thẳng về sân bóng, tầng 2 Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh Hải Dương, ông Vũ Đình Thịnh đang nắn nót những chữ cái cuối cùng. Ông khoan khoái ký tên mình vào cuối trang giấy, nhìn lại một lượt rồi mỉm cười với người cộng sự. Ông bảo hãy xem xem chúng ta có thể tiến xa tới đâu với bản kế hoạch này.

Mùa hè những năm đầu thế kỷ, triền đê xã Thạch Khôi, sau một trận bóng cấp làng, gã thanh niên tráng kiện đập cốc xuống bàn, cười ngoác tới tận mang tai. “Bố mày hôm nay đá hay lắm, nhóc muốn uống gì, chú mời”. Cậu bé nhỏ nhẹ chỉ xin cốc nước cam. Cậu đã đi bên bố không biết bao nhiêu trận đá phủi, dọc triền đê, trên sân cát giữa thôn làng.

Giải đấu ấy là vòng chung kết U11 quốc gia năm 2007. Bản kế hoạch được nhắc tới là đề án phát triển bóng đá trẻ tỉnh Hải Dương. Người bố trong trận bóng phủi là ông Nguyễn Văn Tạo. Họ là những nút thắt quan trọng nhất trong cuộc đời nhân vật mà chúng tôi sắp kể tới dưới đây, là những người đã cùng viết nên câu chuyện về chàng cầu thủ gầy gò, đá bóng giỏi, hiền lành và tử tế. Đó là Nguyễn Văn Toàn.

Con nhà nòi, học sinh giỏi

Văn Toàn sinh ngày 12.4.1996 tại xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc (nay là phường Thạc Khôi, TP Hải Dương). Trong lứa U23 Việt Nam và cả lò HAGL, Văn Toàn có lý lịch “khủng” hơn cả. Bố Toàn là chân đá phủi khét tiếng ở Thạch Khôi. Thời thơ ấu của Toàn là những tháng ngày lẽo đẽo theo bố chinh chiến hết giải làng này tới giải làng khác. Tình yêu bóng đá đầu tiên, thần tượng đầu tiên của Toàn là ông Tạo.

Năm 9 tuổi, Toàn cùng đội nhi đồng Thạch Khôi vô địch giải huyện Gia Lộc. HLV đội trẻ Hải Dương là ông Trần Hữu Hùng về tận nhà xin cho Toàn được lên tập ở trung tâm. Gia đình Toàn chia làm hai phe, tranh cãi dữ dội. Những ngày ấy, Toàn cứ về nhà là chạy vào hỏi: nay có ai tới đón con chưa?

Mỗi lần bố mẹ từ chối, cậu ngồi thụp xuống rồi nức nở khóc. Bố Toàn vừa xót, vừa thương con. Ông bảo Toàn ở nhà vì “bé nhỏ thế thì đá với ai được”.

Vậy mà cuối cùng, cả gia đình vẫn phải đồng ý.

Từ nhà Toàn tới Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao Hải Dương, khoảng cách chỉ gần 10 km nhưng với cậu bé 10 tuổi, đấy là 2 thế giới khác.

Văn Toàn cùng với Vũ Văn Thanh, Lê Văn Sơn... chính là những hạt nhân đầu tiên trong bản đề án bóng đá trẻ Hải Dương. Bản kế hoạch ấy sẽ thay đổi hoàn toàn lịch sử bóng đá trẻ Hải Dương, mang tới cho các đội tuyển quốc gia một nguồn cung dồi dào.

Bản đề án ấy là tiền đề cho 5 lần vô địch quốc gia, 9 lần vào chung kết nhi đồng trong 12 năm liên tiếp. Với bóng đá nhi đồng, những người Hải Dương là nhà cách mạng tiên phong, là đế chế hùng mạnh nhất trong một thập kỷ qua.

Lứa Văn Toàn, Văn Thanh là những người mang về chức vô địch nhi đồng đầu tiên cho Hải Dương vào năm 2007. Giải năm ấy, Văn Toàn giành cú đúp vua phá lưới kiêm cầu thủ hay nhất.

Trước khi giải đấu ấy khởi tranh, Văn Toàn suýt đã thành người của Viettel nếu lò đào tạo này không cẩn thận “chờ xem nó đá thế nào đã”. Toàn cũng suýt nữa trở thành đồng đội với Duy Mạnh, Quang Hải trước khi ông Tạo kiên quyết kéo con về vì chê “lò Hà Nội bẩn quá”.

Ngày tỉnh Hải Dương tổ chức lễ đón đoàn quân chiến thắng trở về, xe của đội vừa dừng lại thì xe của HAGL đã đỗ trước cửa. Ông Nguyễn Văn Vinh - kiến trúc sư trưởng của HAGL mang “bao tải tiền” đến xin mua lại hợp đồng cho 4 cậu nhóc.

Ông Tạo nhớ lại: “Ngày ấy, tôi còn không biết Gia Lai là chỗ nào vì nghe Gia Lai thấy nó xa quá. Nhưng rồi tôi bị thuyết phục vì Gia Lai vốn là nơi có tiếng từ xưa tới nay. Chúng tôi quyết định cho cả 4 cháu lên đường. Sau đấy, bên Gia Lai đưa cho sở 200 triệu coi như là đền bù lại”.

Giữa tập thể sau này sẽ trở nên lừng lẫy của bầu Đức, 4 cậu bé Hải Dương trong đó có Văn Toàn là những cái tên hiếm hoi được tuyển thẳng. Tuấn Anh, Xuân Trường đều chỉ dừng bước ở bán kết giải U11 còn Công Phượng thậm chí từng bị SLNA từ chối.

Đoạn đề pa hoàn hảo ấy tưởng như sẽ mở ra một sự nghiệp rực rỡ cho Văn Toàn.

Điểm trung bình cho cậu học sinh giỏi


Văn Toàn: Nếu tương lai Hải Dương có đội dự V.League em sẽ hướng về quê hương

Nếu không có cuộc chiến tranh giành ở trên, chuyện về Văn Toàn sẽ sạch sẽ đến phát chán. Lý lịch của Toàn là những trang trắng bóc, sáng ngời. Cậu bé có tuổi thơ êm đềm và gia đình hạnh phúc, cậu đá bóng giỏi, bộc lộ năng khiếu từ sớm.

Cậu vô địch hết các giải U, được tuyển thẳng vào lò đào tạo danh giá. Tập hồ sơ “con ngoan, trò giỏi” ấy là điều không thường thấy với các VĐV thể thao Việt Nam.

Lên phố núi với bản lý lịch xuất sắc, Văn Toàn lẽ ra phải tiến bộ rất nhanh, phải bứt rất xa khỏi vạch xuất phát. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Cậu bé 11 tuổi vẫn chưa hết bỡ ngỡ trong lần thứ 2 xa nhà, cậu gặp khó khăn khi thích nghi với cuộc sống mới, không thể hiện nhiều tiến bộ trên sân tập.

Xuất phát điểm quá tốt bỗng quay gót làm hại Toàn. Hành trình của cậu quá dễ dàng nên thiếu đi sức mạnh, quá thuận lợi nên không được trải nghiệm. Cậu bé 11 tuổi không có sự đề kháng cần thiết, thiếu sức chống chọi trong môi trường chuyên nghiệp, xa gia đình.

5 năm đầu tiên ở học viện HAGL JMG, các cầu thủ nhí chưa được chơi bóng trên sân 11. Hệ thống của HAGL đề cao kỹ thuật, sự sáng tạo, khả năng xoay xở trong không gian hẹp. Những lợi thế về tốc độ, khả năng bứt phá của Toàn chỉ thực sự thích hợp trên sân lớn. Văn Toàn vì thế hụt hơi, đuối dần trước khi bị đẩy xuống khóa II.

Nhưng Văn Toàn không phải cái tên duy nhất của Hải Dương gặp trắc trở. Tâm lý yếu, “hiền quá” là điểm hạn chế chung của lò đào tạo này. Trước Văn Toàn, một tài năng lớn của bóng đá trẻ Hải Dương là Văn Anh đã phải sớm chia tay sân cỏ. Bốn cậu bé Hải Dương lên phố núi, chỉ một mình Văn Thanh thực sự khẳng định được bản thân ở đẳng cấp cao.

Trở lại với Văn Toàn, thật may vì thử thách kia không đánh gục cậu nhóc nhỏ bé. Từ học sinh giỏi thành kẻ đội sổ, Văn Toàn càng nỗ lực hơn. Ý chí, sức kháng cự mạnh mẽ của Toàn được đánh thức trong nghịch cảnh. Chính những năm tháng khổ luyện ấy đã góp phần tạo nên Văn Toàn của ngày hôm nay: nhỏ bé nhưng can đảm và không bao giờ đầu hàng.

Nỗi ám ảnh trước khung thành

Tháng 9.2013, Văn Toàn bước ra ánh sáng với màn trình diễn tuyệt luân tại Giải U19 Đông Nam Á. Toàn ghi 6 bàn, giành danh hiệu vua phá lưới với điểm nhấn là cú hat-trick ấn tượng vào lưới U19 Myanmar và pha lập công trước nhà vô địch Indonesia. Công Phượng và Văn Toàn nổi lên như là cặp song sát mới, 2 ngôi sao vừa ra đời của bóng đá Việt.

Không ai ngờ rằng giải đấu đầu tiên ấy cũng là giải đấu hay nhất, đẹp nhất của Văn Toàn. Một lần nữa, kẻ có xuất phát điểm tốt nhất lại là người đến đích sau cùng.

Ở V.League 2015, trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, Văn Toàn ghi vẻn vẹn 2 bàn sau 19 trận. Bốn năm ở V.League, Toàn chỉ có 18 bàn sau 90 trận, đạt hiệu suất 0,2 bàn/trận. Đi kèm với số pha lập công ít ỏi là chuỗi 15 trận tịt ngòi ở mùa 2015, 17 trận câm lặng ở mùa 2016. V.League năm nay, Toàn cũng có 7 trận im tiếng trước khi nổ súng trở lại.

Những bàn thắng - thước đo chính xác nhất cho một tiền đạo nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng với sự nghiệp của Văn Toàn. Lối chơi của Văn Toàn cũng khiến các HLV bối rối. Toàn quá nhỏ, quá gầy cho vị trí đá cắm đòi hỏi nhiều va chạm.

Anh yếu thể lực, hỗ trợ phòng ngự chưa tốt cho vai trò chạy cánh. Sự bối rối của các HLV khiến Văn Toàn đá tiền đạo năm 2014, chơi tiền vệ đến năm 2016 trước khi trở lại hàng công dưới thời Park Hang-seo.

Triều đại Park Hang-seo cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của Văn Toàn ở các đội tuyển quốc gia.

Từng là trụ cột tại U19, U23 và tuyển quốc gia (thời HLV Hữu Thắng), Văn Toàn lập tức đánh mất vị trí khi ông Park lên nắm quyền. Lối chơi bám biên đầy tốc độ của Toàn có vẻ không hợp với phong cách ưa thích của thầy Park nơi hàng công.

Tại đây, sự ưu ái luôn được trao cho những cầu thủ số 10, số 9 rưỡi. Ông Park luôn thích những người kỹ thuật, giỏi sút xa, có xu hướng bó vào trung lộ như Văn Quyết, Công Phượng, Quang Hải, Minh Vương...

Những đồn đoán, định kiến tới từ một trợ lý Hàn Quốc cũng làm hại Văn Toàn. Anh vẫn lên tuyển, vẫn tập luyện nhưng gần như trở thành “người vô hình” với đội bóng. Vòng chung kết U23 châu Á 2018 là ký ức đẹp nhất với bóng đá Việt Nam nhưng là điểm “zero” cho cá nhân Văn Toàn. Anh cũng ngồi dự bị trong phần lớn thời gian ASIAD và phải nâng niu từng phút được ra sân.

Nhưng chừng ấy là đủ để Toàn làm nên chuyện. Trước Syria, anh ghi bàn trong một pha bóng nhanh hơn tất cả. Trước UAE, anh tạo đột biến khi xâu kim đối thủ, khởi phát tình huống Văn Quyết lập công. 2/3 bàn gần nhất của Olympic Việt Nam có dấu ấn đậm nét của Văn Toàn. Khi được trao cơ hội, Toàn không khiến ai phải thất vọng.

Đã có lần đầu tiên, sẽ có lần thứ hai, thứ ba và nhiều hơn nữa. Với Văn Toàn, hành trình tìm lại niềm vui dưới triều đại Park Hang-seo chỉ vừa mới bắt đầu.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn Toàn đã thấy nụ cười dưới triều đại Park Hang-seo?