Động lực để đi và viết

21/06/2018 09:32

Ngày báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để các phóng viên, nhà báo ôn lại những kỷ niệm khó quên dọc đường tác nghiệp.

Trước 21.6 năm nay, tôi lại nhận được quà của bà con đồng hương Hải Dương ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) gửi tặng. Quà chỉ là 2 chai nước mắm và mấy bọc cá khô, đặc sản của đảo nhưng làm tôi rất cảm động. 

Mùa đông năm 2015, lần đầu tiên tôi ra Cô Tô để tìm hiểu về cuộc sống của bà con người Hải Dương ở đây. Say sóng đến thốc tháo, nhưng mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến khi được bà con thịnh tình đón tiếp. Bác Nguyễn Công Căn, người Hải Dương đầu tiên ra đảo lập nghiệp đưa tôi đi khắp các cơ quan, đơn vị có đồng hương đang làm việc. Ai gặp cũng thân tình, niềm nở như quen biết từ rất lâu. Sau 2 ngày làm việc, trở về tôi hoàn thành được bài báo Tết viết về Hội đồng hương Hải Dương trên đảo. Số báo ấy được gửi ra đảo tặng bà con và mối liên hệ giữa tôi và Hội đồng hương Hải Dương ở Cô Tô từ đó được duy trì.

Mỗi dịp Tết đến, họp mặt đồng hương đầu xuân bà con ở đảo vẫn lúc thì gọi điện mời tôi ra thăm đảo, khi thì gửi cho chút quà biển, hoặc gửi lời chúc nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Sau này, cứ mỗi dịp có điều kiện ra đảo, tôi lại tranh thủ đến thăm bà con và luôn được đón tiếp như người thân.

Dịp ra đảo gần đây tôi thấy mừng nhất là sau gần 4 năm đời sống kinh tế ở đảo nói chung và của bà con Hải Dương nói riêng đều khá lên trông thấy. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện đảo là người Hải Dương. Nhiều nhà hàng, khách sạn lớn do người Hải Dương làm chủ. Số hội viên đồng hương Hải Dương từ hơn 30 người nay đã tăng lên gấp đôi. 

Những ân tình mà bà con đồng hương ở nơi đầu sóng ngọn gió dành cho tôi những năm qua đã góp thêm động lực để tôi cố gắng đi và viết. 

THU MINH

Đi hơn 10 km tìm máy vi tính để gửi bài

Năm 2009, chúng tôi được cơ quan phân công tuyên truyền về Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh). Khi đó, máy tính xách tay còn hiếm và là vật dụng khá đắt đỏ nên phóng viên mới vào nghề như chúng tôi rất khó có điều kiện tự trang bị. Mạng internet thì chưa được bao phủ rộng khắp, tốc độ đường truyền ở nhiều nơi khá chậm. Để kịp thời gửi tin, ảnh về tòa soạn, ngay khi kết thúc sự kiện vào buổi sáng, chúng tôi vội di chuyển sang tận thị trấn Phả Lại (phường Phả Lại bây giờ) cách nơi diễn ra sự kiện hơn 10 km để tìm chỗ có máy vi tính kết nối mạng. Thời điểm đó, hầu hết điểm có máy vi tính kết nối mạng là các cửa hàng internet, games online nên máy vi tính không cài đặt phần mềm soạn thảo văn bản. Chúng tôi phải đi rất nhiều nơi mới tìm được máy vi tính để viết tin. Do vậy, những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi đều phải làm đến gần 2 giờ chiều mới viết và gửi tin, ảnh xong. Sau đó, mới đi ăn cơm và về chỗ nghỉ để tiếp tục tham dự sự kiện buổi tối.

Bây giờ phóng viên đưa tin về Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thuận lợi hơn nhiều. Ban Tổ chức lễ hội bố trí phòng riêng cho các phóng viên làm việc, có máy vi tính, đường truyền internet tốc độ cao. Nhiều phóng viên sử dụng thiết bị cá nhân để tác nghiệp.

DANH TRUNG

Đêm thực tế đáng nhớ

Buổi đi thực tế khi viết phóng sự Trắng đêm canh "cát tặc" là một kỷ niệm khó quên đối với một phóng viên trẻ như tôi. Hôm ấy, 8 giờ tối chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an huyện Thanh Hà. Khi bắt đầu xuất phát thì trời lất phất mưa. Quãng đường hơn 10 km từ trụ sở Công an huyện đến điểm đặt xuồng tuần tra như dài hơn khi chúng tôi phải di chuyển trên đường đê lởm chởm đá dăm. Ngày cuối tháng, trời càng tối hơn nên ánh sáng của hai chiếc đèn pin và mấy chiếc điện thoại không đủ soi rõ đường. Tôi định chụp lại cảnh này thì máy ảnh bị hỏng chế độ lấy nét tự động. Vì không quen chụp ảnh buổi tối và lấy nét bằng tay nên cả đêm ấy, chúng tôi không thể sử dụng máy ảnh và phải mượn điện thoại của các chiến sĩ cùng đi để chụp ảnh.

Mỗi khi xuồng áp sát vào gần bãi sông, các anh công an lại cảnh báo: "Xuồng có thể bị mắc cạn, chết máy. Anh em chuẩn bị tâm lý sẵn sàng lội xuống sông đẩy xuồng nhé". Sau 6 tiếng tuần tra trên sông, câu chuyện về những chuyến săn "cát tặc" của các chiến sĩ đọng lại trong chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Qua đó, chúng tôi hiểu rằng để giữ từng tấc đất cho nhân dân và sự bình yên của các bến bãi thì hằng đêm, các chiến sĩ công an phải rất vất vả. Sau lần ấy, tôi cũng rút ra bài học kinh nghiệm là mỗi khi đi công tác cần chuẩn bị chu đáo, kiểm tra kỹ máy móc và có phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố. 

LAN NGUYỄN

“Lạy ông tôi ở bụi này”

Khi quyết định chọn đề tài về hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu nhớt giả các thương hiệu nổi tiếng tôi đã dành gần 1 tuần để đi theo một người chuyên thu gom nhớt thải, tìm hiểu về hành trình của dầu nhớt giả. Đóng vai một người đi mua nhớt giả về trà trộn với nhớt thật để bán, tôi đã "mục sở thị" cơ sở tái chế nhớt ở thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Sau khi thu thập được khá nhiều thông tin về quy trình tái chế nhớt, để chính xác tôi quyết định đặt một vài mẫu nhớt giả để nhờ cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng. Cơ sở sản xuất không giao trực tiếp mẫu nhớt cho tôi mà yêu cầu gửi qua một người giao hàng về nhà tôi. Tôi hồn nhiên viết tên, địa chỉ và số điện thoại thường dùng để họ dễ giao hàng và ung dung về chờ. Sau đó cơ sở sản xuất nhớt giả đã gọi điện giao hàng nhưng họ không tìm thấy địa chỉ nhà tôi. Đến lúc này, tôi mới sực nhớ ra nếu họ hỏi hàng xóm biết tôi là nhà báo, lại biết rõ địa chỉ, chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Biết đâu lúc đó tôi và người thân sẽ gặp nguy hiểm. Ngay lúc đó, tôi gọi điện yêu cầu họ giao hàng ở địa chỉ khác là siêu thị Intimex Hải Dương.

Tuy đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng nếu phóng viên làm điều tra không cẩn thận sẽ rất dễ hỏng việc, thậm chí ảnh hưởng đến người thân. 

LAN ANH

Trưởng thành hơn từ phản hồi của độc giả

Đối với một phóng viên, niềm vui lớn nhất là có độc giả luôn dõi theo bài viết của mình và có những phản hồi tích cực về những bài viết đó. Tôi còn nhớ như in bài viết Khi bố mẹ làm ô sin đăng năm 2015, tôi nhận được tin nhắn từ một số lạ: "Tôi rất tâm đắc với bài viết Khi bố mẹ làm ô sin của nhà báo". Bài viết đó phản ánh thực trạng nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay đi làm từ sáng đến tối, gửi con cho ông bà chăm sóc. Nhiều ông bà đã 60-70 tuổi vẫn phải trông cháu cho con cái đi làm. Dù biết rằng chăm sóc con cháu là niềm vui tuổi già nhưng người cao tuổi rất cần thời gian nghỉ ngơi. Dòng tin nhắn của bạn đọc đã giúp tôi có thêm niềm vui trong công việc vì tôi biết có nhiều người đọc tác phẩm của mình và những bài viết bám sát đời sống ít nhiều sẽ hữu ích với họ. 

Mới đây nhất khi tôi viết bài Học sinh đến trường để... chơi phản ánh việc kết thúc kiểm tra cuối kỳ, học sinh vẫn phải đến trường. Trong khi giáo viên không lên lớp dạy, thời gian các cháu lên lớp chỉ để ngồi chơi trở thành vô ích. Bài viết nhận được nhiều phản hồi. Một anh bạn nhắn tin cho tôi: "Anh đọc nhiều bài viết của em, nhiều bài hay nhưng mà có bài Học sinh đến trường để ... chơi ấy, em "đánh" mạnh quá". Hỏi ra tôi mới biết hiệu trưởng của trường đó là chị họ của anh này. Nhờ có những phản hồi như vậy, tôi cũng trưởng thành và nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. 

Tôi tự nhủ muốn có độc giả dõi theo bài viết thì tác phẩm của mình phải chân thực, mang hơi thở của đời sống, bám sát những vấn đề độc giả quan tâm. Tôi rất mong những bài viết tiếp theo của mình được nhiều độc giả đón nhận và phản hồi hơn nữa.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực để đi và viết