Tâm huyết phát triển môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp

20/02/2021 15:48

Xây dựng phong trào luyện tập võ thuật môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp tại tỉnh Đông, võ sư Nguyễn Hữu Tuân đã góp phần gìn giữ, lan tỏa và phát huy tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc.


Võ sư Nguyễn Hữu Tuân hướng dẫn học trò các thế võ

Là người đầu tiên phát triển môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp ở miền Bắc, đến nay võ sư Nguyễn Hữu Tuân (39 tuổi) đã truyền dạy môn võ này cho hàng nghìn võ sinh trong và ngoài tỉnh.

Cơ duyên gắn bó

Quê ở thôn An Điền, xã Cộng Hòa (Nam Sách), từ nhỏ cậu bé Tuân đã yếu ớt hơn bạn bè cùng lứa bởi một lần bị viêm phổi nặng. Lớn lên với ao ước được mạnh khỏe như các bạn, cậu say mê xem các phim võ thuật, thường xuyên cùng bạn bè đánh trận giả, cưỡi trâu bơi qua sông. Năm 18 tuổi, Tuân thi đỗ Trường Đại học dân lập Bình Dương (nay là Đại học Bình Dương). Ở mảnh đất này, anh bén duyên với võ thuật cổ truyền khi theo học lớp võ Tây Sơn - Bình Định do võ sư Ngọc Điệp (tên thật là Nguyễn Thị Điệp, người sau này sáng lập môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp) truyền dạy.

Môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp có nguồn gốc từ Tây Sơn - Bình Định, phái võ do vị anh hùng áo vải Quang Trung và các tướng lĩnh tập hợp, sử dụng để bảo vệ đất nước. Môn phái này chủ yếu tận dụng lợi thế nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn của người Việt để lấy nhu khắc cương, sử dụng quyền cước nhanh, mạnh, đánh vào điểm yếu như yết hầu, mắt, khớp xương... để nhanh chóng hạ gục đối thủ. Anh Tuân hăng say luyện tập, ngoài giờ học trên lớp, mỗi ngày anh tập thêm từ 30 phút đến 1,5 tiếng, có ngày tập đến gần 1 giờ đêm. Có lần trên lớp học dùng roi, khi về anh tự ra bụi tre, chọn cây có ngạnh chặt mang về tập. Lúc đầu tay anh đầy vết xước nhưng sau đó quen dần, anh tập thêm với các loại roi nặng hơn để tăng sức chịu đựng.

Nhờ thế, sức khỏe anh Tuân được nâng lên rõ rệt, có thể vừa đi học vừa làm công nhân, phụ hồ để có thêm chi phí sinh hoạt. Nỗ lực luyện tập của anh đã được ghi nhận, chỉ sau 4 tháng, anh được sư phụ giao cho kèm cặp các nhóm võ sinh mới, sau 2 năm anh trở thành trợ lý trọng tài.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm công việc gắn với chuyên ngành học, chưa có ý định dạy võ mà chỉ coi đây là môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Giai đoạn này anh đi thi đấu tại các giải võ thuật ở tỉnh Bình Dương và nhận 3 giải nhất về quyền thuật. Năm 2008, anh về quê kinh doanh, lập nghiệp, trải qua nhiều khó khăn, đến khi có sự thành công nhất định, anh bị đối thủ ghen ghét mưu hại. Một lần vào mùa đông đang đi xe máy anh bị 8 tên côn đồ vác theo mã tấu truy sát. Anh né được nhiều nhát chém vào các vị trí có thể gây nguy hiểm tính mạng, nhưng nhận thấy không thể chạy thoát nên đã cố tình ngã xe, lăn hàng chục mét và giả chết. Đúng lúc đó có người đi qua nên bọn côn đồ phải dừng tay chạy trốn. Sau vài lần như thế, sư phụ Ngọc Điệp khuyên anh nên truyền dạy võ thuật để hạn chế những vụ việc tương tự.

Truyền dạy võ học 


Võ sư Nguyễn Hữu Tuân rèn luyện võ thuật 

Đầu năm 2014, anh Tuân mở lớp truyền dạy võ thuật đầu tiên tại xã Cộng Hòa cho 18 người trưởng thành. Đến tháng 4.2014, anh mở lớp võ ở đình An Điền cho 80 võ sinh từ 6-12 tuổi. Tháng 9, anh phối hợp với Trường Tiểu học thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên) mở lớp dạy võ thuật cho 200 học sinh. Năm sau anh chuyển nhà và cơ sở kinh doanh đến khu dân cư Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương), mở tiếp 2 lớp dạy võ tại Trường THCS Võ Thị Sáu và Nhà Văn hóa lao động tỉnh, mỗi điểm duy trì từ 15-20 võ sinh. Đến năm 2016, sư phụ Ngọc Điệp đến Hải Dương truyền dạy cho anh thêm 8 tháng, trước khi về đã đặt tên và cho phép anh mở võ đường Ngọc Tuân quyền đạo.

“Sư phụ luôn nhắc nhở chúng tôi về nguồn gốc, mục đích sử dụng của võ thuật dân tộc. Vì vậy, tôi luôn nghiêm khắc trong truyền dạy và giữ gìn tinh hoa võ thuật bản môn. Trước khi dạy luôn yêu cầu các võ sinh phải ghi nhớ và thực hành thường xuyên 10 điều huấn lệnh như tiên học lễ, hậu học võ; nhẫn là thiện, tranh giành là tàn ác; một ngày theo thầy suốt đời làm việc đạo nghĩa…”, anh Tuân chia sẻ.

Năm 2016, anh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam công nhận là trọng tài, huấn luyện viên võ cổ truyền toàn quốc. 2 năm sau, anh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam công nhận là võ sư (6 đẳng) trong hệ thống 10 đẳng từ trợ giáo cấp 1 đến đại võ sư quốc tế. Từ năm 2018, anh vinh dự được giao làm Trưởng tràng phía Bắc của môn phái, vị trí chỉ thấp hơn Chưởng môn và hai Phó Chưởng môn, chịu trách nhiệm giữ gìn, lan tỏa võ thuật môn phái ở khu vực từ Hà Tĩnh ra phía Bắc đất nước. Đến nay, anh đã đào tạo 5 đệ tử với trình độ từ trợ giáo cao cấp tới chuẩn võ sư (4 và 5 đẳng), trong đó 2 người đang truyền dạy võ thuật tại các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Học trò của anh đã đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi võ thuật như Nguyễn Văn Đại đoạt huy chương đồng tại Giải võ cổ truyền học sinh phổ thông toàn quốc lần thứ II năm 2019; Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Hữu Ninh đoạt huy chương bạc tại Liên hoan tinh hoa võ Việt quốc tế lần thứ nhất năm 2018…

6 năm dạy võ thuật tại Hải Dương, đến nay anh Tuân đã truyền dạy võ thuật cho hàng nghìn võ sinh, góp phần phát triển phong trào võ thuật trong tỉnh. Năm 2019, anh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh tặng bằng khen do có nhiều đóng góp để phát triển võ cổ truyền và công tác hội, phong trào thanh niên. Vừa qua, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh.

Xây dựng phong trào luyện tập võ thuật môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp tại tỉnh Đông, võ sư Nguyễn Hữu Tuân đã góp phần gìn giữ, lan tỏa và phát huy tinh hoa võ thuật cổ truyền của dân tộc.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm huyết phát triển môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp