Cha mẹ ra đi để lại di nguyện dùng tiền phúng điếu làm đường cho dân

11/11/2019 13:16

"Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt", "Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi", 4 bia ghi danh được đặt trang trọng ở 4 tuyến đường khiến chúng tôi tò mò.

Những tấm bia lưu danh sự tử tế của vợ chồng ông Bùi Kiệt - Ảnh: T.MAI

Hóa ra, hai người thành thiên cổ có tên trên bia đá là vợ chồng. Và di nguyện lấy tiền phúng điếu làm đường cho người dân được con cháu đồng lòng làm theo. 

Những tuyến đường làm nên từ sự thành kính sau cùng của người sống dành cho người quá cố kéo sự tử tế của đời lưu mãi đến ngàn sau.

Mong ước làm đường từ khi còn sống

Bão lại nối tiếp bão đổ bộ vào Quảng Ngãi kèm những trận mưa lớn khiến lũ trên sông Vệ đạt mức báo động 3. Người dân xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) gần như đã quen cơn cuồng nộ đến từ sông, phương án chống lũ hiện diện khắp đường làng. Ở thủ phủ hoa cúc miền Trung này, những chậu hoa được kê cao, nâng niu như báu vật. 

Những người nông dân thấy chúng tôi nhìn tấm bia đã tạm gác công việc để "thuyết trình" với niềm tự hào.

Gần như câu chuyện lấy tiền phúng điếu làm đường được người dân ở đây kể cho người khác nghe rất nhiều. Ông Bốn Lực (thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp) từ ruộng về, trên tay còn nguyên bó tre vót đều dùng chống hoa nói: "Có đến 4 tuyến đường như thế này lận. Đường làm từ tấm lòng của vợ chồng bác Kiệt và cả lòng hiếu của sáu người con".

Thế rồi lão nông Bốn Lực kể nhiều hơn về Nghĩa Hiệp thời ngoài trục đường chính được bê tông hóa, còn lại các tuyến đường khác mỗi mùa mưa đến nhầy nhụa bùn đất. Những người nông dân oằn lưng trên ruộng đồng rồi phải bở hơi tai đưa thành quả của mình về nhà, chuyển đi tiêu thụ. "Bác Kiệt thấy bà con khổ hay nói vui rằng ước gì trời cho trúng mấy tờ độc đắc sẽ làm toàn bộ đường cho bà con đi lại", ông Bốn Lực nói.

Mưa trút xuống ngày một nặng hạt mà câu chuyện chẳng có hồi kết, những người dân hiền lành sống bám mình bên triền sông Vệ vẫn nhớ cái ngày bà Lê Thị Hồi rời bỏ cõi trần. Đó là năm 2012, cả làng, cả xã đến tiễn đưa bà lão về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Đám tang qua đi, ông Kiệt lên UBND Nghĩa Hiệp xin được lấy 280 triệu đồng tiền phúng điếu vợ làm đường. Dĩ nhiên từ cán bộ đến người dân cực kỳ bất ngờ, điều này chưa từng xảy ra trước đó. 

Hóa ra ước mơ trúng độc đắc làm đường cho dân mà ai cũng nghĩ ông cụ nói động viên bà con trước kia lại là niềm ấp ủ bấy lâu của hai ông bà.

Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp vẫn nhớ cái ngày ông Kiệt cùng các con lên UBND xã xin làm đường. 

"Bác Kiệt vào nói với anh em ở xã: "Bà nhà tôi mất rồi, trước lúc mất bà bảo tôi không cần xây mồ mả chi cả, hãy lấy tiền phúng điếu làm đường cho người dân đi. Nay tôi lên xin xã cho phép được làm con đường". Chúng tôi vừa xúc động vừa hạnh phúc. Dù bác không yêu cầu làm tuyến đường chỗ nào nhưng sau khi soát xét, chúng tôi chọn con đường liên khu dân cư gần nhà bác Kiệt để làm, cũng là để bác trai tiện nhìn thấy con đường mà hai vợ chồng mong muốn", ông An nói.

Ở xã Nghĩa Hiệp, vợ chồng ông Kiệt, bà Hồi là niềm tự hào của xóm làng. Những người lớn tuổi kể về cái thời bao cấp thiếu ăn thiếu mặc nhưng hai vợ chồng vẫn kiên quyết đưa các con đến trường. 

"Cả một đời người, vợ chồng anh chị ấy chưa phút thảnh thơi, nhưng xóm làng cần gì cũng sẵn sàng giúp đỡ. Anh chị là hình mẫu cho cách sống với xóm làng và dạy dỗ con cái. Chúng tôi tự hào khi là hàng xóm của ông bà", ông Tám (79 tuổi) nhớ về người anh chị xóm giềng của mình.

Bà Phong cười hiền khi nhắc về cha mẹ mình - Ảnh: TRẦN MAI

Lòng hiếu của các con

Thời gian qua đi, tuổi trời kéo sức khỏe ông lão giảm đi nhanh chóng. Cái ngày ông về cõi khác gặp người vợ của mình cũng đến, đó là năm 2015. Đám tang ấm áp tình làng nghĩa xóm và rất nhiều người từ xa đến viếng ông cụ lấy tiền phúng điếu vợ làm đường. Số tiền phúng điếu lên đến 380 triệu đồng. Và di nguyện lấy tiền phúng điếu của chính mình làm đường cũng kịp trao lại cho con trước khi rời khỏi trần thế.

Đám tang giản dị mà ấm áp qua đi cũng là lúc ba tuyến đường nữa được khởi công. Người dân trong xã ra sức góp công làm đường. Ai cũng muốn góp sức để bác Kiệt, bác Hồi ở thế giới bên kia nhìn thấy di nguyện của mình cho dân làng những con đường thật dài và chất lượng.

Người làng bảo rằng các con cụ Kiệt rất thành danh, nhiều người làm những vị trí cao trong xã hội. Nhưng căn nhà ở quê vẫn đơn sơ lắm. Dù được nói trước nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ khi đứng trước căn nhà cấp bốn cũ sờn từng là nơi sinh sống của hai vợ chồng cụ Kiệt. Mọi thứ trong nhà đều hoài cổ, mái ngói đã rêu phong, màu thời gian hiện diện đủ đầy với một khoảng sân rộng đầy hoa và rau xanh.

Bà Bùi Thị Phong - con cụ Kiệt - nói về chuyện lấy tiền phúng điếu cha mẹ làm đường bằng mà không phải sửa sang lại căn nhà bằng một nụ cười hiền và đôi mắt đầy ưu tư. "Đó là di nguyện của cha mẹ chúng tôi, phận làm con phải hiếu nghĩa. Với lại nếu làm nhà thì chỉ cho mình ở, có giúp được ai đâu. Tôi nghĩ cha mẹ tôi cũng muốn các con giữ lại căn nhà này thay vì phá đi làm mới. Căn nhà này dù nhỏ và cũ nhưng có nhiều kỷ niệm với tôi và các em", bà Phong nói.

Nhắc đến cha mẹ, ký ức tràn về nhiều hơn, bà Phong bảo cha mẹ đều có công trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cung cách sống giản dị, bản tính hi sinh vì mọi người của cha mẹ thấm vào trong lòng các con. Dù cả đời cha mẹ chưa khi nào giàu có vật chất nhưng tấm lòng thì cả xã này ai cũng biết. Chị em bà Phong cũng vì thế mà cố gắng sống một đời tử tế để cha mẹ không thẹn lòng. 

"Cha mẹ tôi luôn dạy rằng tiền tài bao nhiêu cho đủ. Không sân si là đủ. Sống phải biết chia sẻ, biết yêu thương. Có lẽ vì luôn nghĩ cho mọi người nên đến khi mất cha mẹ tôi cũng không quên để lại nguyện vọng cho con cháu", bà Phong trầm tư.

Năm người em bà Phong đang công tác ở nhiều nơi khác nhau. Ông Bùi Văn Yên, đang sống và làm việc tại Đắk Lắk, khi nghe chúng tôi hỏi về việc làm đường của cha mẹ cũng cười hiền lành. Với ông Yên, những con đường từ tiền phúng điếu cha mẹ là lời răn dạy cuối cùng để lại cho con cháu. Ông Yên lần nào về quê cũng dẫn vợ con đi ra các con đường, một phần để thấy hình ảnh cha mẹ ở đó, phần khác muốn các con hiểu được giá trị sống của một đời người.

Tiên phong hiến đất

Bà Phong là nhà giáo về hưu, sáu chị em chỉ có mình bà ở quê nhà Nghĩa Hiệp. Tấm lòng của cha mẹ như mệnh lệnh hành động của con cái.

Trong đợt vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới tại xã Nghĩa Hiệp, gia đình bà Phong luôn tiên phong hiến đất mở đường. Các gia đình khác thấy vậy mà làm theo, cùng hiến đất phục vụ mục đích chung.

Chỉ tay vào những bức ảnh chụp cùng một vài người khác khi đi dự các lễ tuyên dương khen thưởng, bà Phong tự hào bảo: "Gia đình cô cũng nhiều lần được nhận giấy khen cấp tỉnh về hiến đất làm đường. Năm vừa rồi, cô còn được tỉnh cử đi dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Hà Nội và được tuyên dương là Nữ anh hùng và Nữ điển hình tiêu biểu. Tôi nghĩ cha mẹ sẽ rất vui khi biết điều này".

Gia tài cha mẹ để lại không có vật chất, nhưng dưới căn nhà cũ sờn ấy bao yêu thương tồn tại. Lòng tử tế từ bậc sinh thành thấm đẫm vào lòng con cháu.

Rời khỏi những ngôi làng bên triền sông Vệ, câu chuyện về những con đường bê tông từ tiền phúng điếu của cụ Kiệt, cụ Hồi cứ đọng lại trong đầu tôi những nghĩ suy.

Và những lời hát "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi..." bỗng thoảng hiện trong khối óc.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Cha mẹ ra đi để lại di nguyện dùng tiền phúng điếu làm đường cho dân