Bài học về mô hình chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế

06/08/2019 09:48

"Điểm sáng", "Mô hình rất thực tế" là cụm từ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sử dụng để nhận định về cách làm chính quyền số của Thừa Thiên Huế.

Điểm ấn tượng về chính quyền thông minh của Huế

Ngày 25.7, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được ra mắt. Đơn vị này được xem là đầu mối gắn kết giữa người dân – doanh nghiệp – chính quyền.

Trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, trung tâm được xem là trái tim của đô thị thông minh, với chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

Một ngày sau khi chính thức ra mắt, trung tâm đã được tiếp đón một vị khách đặc biệt - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đồng thời là Ủy viên Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử.

“Huế có thể trở thành điểm sáng đi đầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hào hứng nhận xét khi tham quan trung tâm. Trên bức tường, một màn hình lớn đang liên tục hiển thị các dữ liệu được gửi về từ camera lắp đặt trên khắp các tuyến phố.

Hiện trung tâm đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát thông minh gồm phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức, giám sát dịch vụ hành chính công…

Người dân Huế, nếu có những bức xúc, có thể phản ánh, kiến nghị bất cứ vấn đề gì thông qua điện thoại thông minh hoặc qua website trung tâm với hình ảnh, video đính kèm. Những phản ánh này sẽ nhanh chóng được tiếp nhận và phân phối đến các đơn vị liên quan để có phản hồi.

Tỏ ra ấn tượng trước con số 3.500 phản ánh kể từ khi trung tâm đi vào vận hành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin, sự quan tâm của người dân sẽ tiếp tục được củng cố.

“Không phải chỗ nào camera cũng có thể ghi nhận được, nên mỗi người dân sẽ trở thành một phóng viên. Họ sẽ chụp và đưa vào hệ thống như một kênh giám sát bổ sung. Tôi cho đấy là một điều rất thành công”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết những điều này giúp cho việc điều hành, quản lý xã hội, tạo ra một thành phố trật tự, thân thiện.

Đằng sau bài toán đô thị thông minh thành công của Huế

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua được triển khai và thực hiện dựa trên một mô hình hết sức thực tế.

“Không hẳn là quy mô lớn hay bé, quan trọng là cách tiếp cận đầu tư như thế nào”, Bộ trưởng nói.

Tại Huế, đầu tư thành phố thông minh là sự kết hợp, cùng làm giữa chính quyền và doanh nghiệp. Ở đây, điểm đặc biệt trong quá trình thiết kế là 100% các cơ quan của Thừa Thiên Huế cùng tham gia.

Tự nhận địa phương là tỉnh nghèo, không có nhiều nguồn lực, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng nói rằng đã phải có sự nghiệm túc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tìm được mô hình phù hợp cho Huế với cách ví von như việc lựa chọn một “ông thợ may”.

“Đó là quá trình vừa đo, vừa thử để chọn được kích cỡ phù hợp nhất”, ông Thọ nói và cho biết nhiều đơn vị dù có tiếng tăm như IMB, Microsoft với các giải pháp rất hữu hiệu, quy mô… nhưng cũng đều không phải sự lựa chọn thích hợp. Thành phố thông minh của Huế hiện được xây dựng trên mô hình do Viettel cung cấp. “Viettel đã tham gia rất tích cực trong việc hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.

Nhưng nếu nhìn nhận rộng hơn thì cách tiếp cận đầu tư, thực hiện… để thành công đều bắt nguồn từ yếu tố con người. Nhiều lần, trong các cuộc họp về chính quyền điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh không phải là công nghệ, con người mới là yếu tố tiên quyết. Công nghệ càng cao lại càng cần có sự minh bạch và đòi hỏi trình độ của người lãnh đạo càng cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại trung tâm giám sát đã nói rằng khi đặt chân đến đây, điều đầu tiên cảm nhận là quyết tâm của người đứng đầu tỉnh.

“Anh Thọ (ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) là cán bộ rất thực tiễn, say mê, tâm huyết với công nghệ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét. “Tại Huế, mới chỉ 6 tháng mà đã có những kết quả thành công như vậy, rất xứng đáng với giải thưởng Telecom Asia Awards 2019”.

Cảm hứng cho bức tranh chung về chính quyền điện tử trên cả nước

Việt Nam đã triển khai chính phủ điện tử từ những năm 2000. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Việt Nam đã làm được nhiều việc, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mang đến dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều lý do đã được ghi nhận. Đó có thể là vấn đề từ thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ cho đến khó khăn về kinh phí.

Kể từ tháng 8.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những hành động quyết liệt để thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, vốn là một hướng đi không thể đảo ngược. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 17, Nghị định 91 hay Quyết định 28 về tiếp nhận, xử lý văn bản trên nền tảng điện tử, chữ ký số...

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng được khung kiến trúc điện tử phiên bản 2.0 giúp rõ ràng hơn về mặt chính sách, thể chế cho các bên liên quan. Khung kiến trúc này cũng sẽ là cơ sở giúp cho chính sách xã hội hoá trong lĩnh vực chính phủ điện tử, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Tinh thần, khát vọng và quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương là có, tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng thành công với smartcity như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phân tích lúc ban đầu.

Với những kết quả trong thời gian ngắn trở lại đây, Huế đang được xem là một điển hình để Trung ương và các địa phương khác có thể trao đổi kinh nghiệm.

“Chúng tôi sẽ lấy mô hình của Huế để học hỏi và chia sẻ thông tin khi có những kết nối giữa chính quyền và địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Mặt khác, với xuất phát điểm là một tỉnh không có nhiều nguồn lực, sự thành công của Huế cũng sẽ trở thành một nguồn cảm hứng cho các tỉnh, thành khác xem xét. Những đốm sáng của địa phương, từ đó sẽ lan toả, trở thành động lực cho bức tranh chung về chính quyền điện tử trên cả nước.

Theo ictnews

(0) Bình luận
Bài học về mô hình chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế