Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật

08/11/2019 08:13

Từ năm 2013, Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11 được triển khai đồng bộ trên cả nước, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của công dân.


Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin

Tại Hải Dương, Ngày Pháp luật đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và bằng nhiều hình thức.

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc thi tìm hiểu pháp luật các cấp với quy mô, hình thức khác nhau thu hút hàng triệu lượt người dự thi. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức trên 30.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hội nghị, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật…

Nhiều nội dung, tài liệu pháp luật được thể hiện đa dạng, dễ hiểu dưới dạng sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi đáp, tình huống pháp luật... Bên cạnh việc duy trì, phát triển các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống như xây dựng tủ sách pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, qua phương tiện thông tin đại chúng…, các địa phương, đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật.

Qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật vẫn còn những hạn chế. Đó là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện Ngày Pháp luật. Việc triển khai chưa đi vào chiều sâu, một số nơi còn mang tính hình thức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này như thể chế, chính sách quy định chưa cụ thể, chưa nêu rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc. Nguồn lực cho công tác triển khai thực hiện Ngày Pháp luật chưa được quan tâm đúng mức… Vẫn còn những vi phạm pháp luật chưa được xử lý nghiêm, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tình cảm, niềm tin của người dân với pháp luật. Để triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật cần thực hiện nhiều giải pháp.

Thứ nhất, các địa phương, đơn vị xác định chủ đề, nội dung, hình thức triển khai Ngày Pháp luật phù hợp, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình.

Thứ hai, tập trung đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật bám sát nhu cầu xã hội. Các hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp để trở thành việc làm tự thân, hằng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cá nhân.

Thứ ba, cần phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu thực hiện; tăng cường phối hợp, lồng ghép trong triển khai thực hiện; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và thiết thực; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để kết nối, chia sẻ thông tin về pháp luật, về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xây dựng, thi hành pháp luật để phát huy hiệu ứng, sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.

Thứ năm, bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết, đánh giá và động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh thần thượng tôn pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Tinh thần này không chỉ được lan tỏa trong Ngày Pháp luật Việt Nam mà phải trở thành suy nghĩ, nếp sống, thói quen của mỗi người. Bởi vậy, mỗi người dân cần rèn luyện cho mình ý thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật để mỗi ngày đều là Ngày Pháp luật.

NGÔ QUANG GIÁP, Giám đốc Sở Tư pháp

(0) Bình luận
Nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật