Phim truyền hình Hàn Quốc cảnh giác với tiền đầu tư từ Trung Quốc

14/04/2021 10:00

Phim 'Joseon Exorcist' bị hủy bỏ vì đạo cụ Trung Quốc. 'Mr. Queen' bị ghét vì dựa theo sách Trung Quốc. 'Vincenzo' phải cắt cảnh quảng cáo đồ ăn Trung Quốc. Đằng sau trào lưu này là gì?


Khán giả Hàn phản đối khi một thương hiệu bibimbap của Trung Quốc xuất hiện trong phim Vincenzo

Giữa tháng 3, phim truyền hình Vincenzo của ngôi sao Song Joong Ki gây tranh cãi vì cảnh nhân vật ăn món bibimbap của Hàn Quốc nhưng lại do một công ty Trung Quốc sản xuất.

Khán giả phẫn nộ vì bibimbap là món ăn Hàn, được sản xuất khắp nơi ở Hàn Quốc nhưng nhà làm phim lại nhận quảng cáo cho thương hiệu Trung Quốc.

Sự việc xảy ra đúng thời điểm căng thẳng khi món kim chi của Hàn Quốc gần đây bị truyền thông nhà nước của Trung Quốc "nhận vơ", cho là biến thể từ món "pao cai" của Trung Quốc. Công chúng Hàn phản đối hành vi này lâu nay nên khó chấp nhận một lỗi tương tự.

Quyết giữ bản sắc qua món ăn, phim truyền hình

Với Hàn Quốc, phim truyền hình và ẩm thực không chỉ đơn giản là công cụ giải trí và đồ ăn. Đó là hai trong số những lĩnh vực mũi nhọn của Làn sóng Hàn qua nhiều giai đoạn, giúp Hàn Quốc khởi sắc về kinh tế và có ảnh hưởng quốc tế về văn hóa.

Do đó, bất cứ thứ gì có khả năng đe dọa bản sắc Hàn Quốc trong các lĩnh vực này đều sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.


Vì sử dụng đạo cụ Trung Quốc và xuyên tạc lịch sử, Joseon Exorcist bị ngừng chiếu vĩnh viễn 

"Nếu các đài truyền hình Hàn Quốc dễ dãi nhận quảng cáo thương hiệu Trung Quốc vì những khoản tiền ngắn hạn, sẽ đến lúc khán giả quốc tế nhầm tưởng bibimbap là món ăn Trung Quốc" là một trong những lý lẽ để khán giả Hàn phản đối cảnh phim Vincenzo.

Vì bị phản đối, Vincenzo đã cắt bỏ cảnh phim này trong bản chiếu trên các nền tảng mạng.

Tương tự, cuối tháng 3, phim truyền hình xác sống Joseon Exorcist gặp hậu quả nặng nề sau khi bị phát hiện lỗi sai lớn: sử dụng đạo cụ là đồ ăn Trung Quốc cho cảnh yến tiệc thời Joseon. Đó là các món ăn như bánh trung thu, bánh bao, trứng bắc thảo, rượu Trung Quốc...

Bên cạnh đó, phim còn bị cho là xuyên tạc về các nhân vật lịch sử có thật của Hàn Quốc, mô tả vua Taejong tàn sát người dân vô tội vì ảo giác. Phim bị 156.000 người ký tên đề nghị Nhà Xanh hủy bỏ.

Các nhãn hàng đồng loạt rút lui khiến phim không thể chỉnh sửa. Kết quả, Đài SBS phải hủy bỏ Joseon Exorcist chỉ sau 2 tập, khiến nhà sản xuất chịu thiệt hại nặng nề.


Nhà sản xuất chủ động rút Mr. Queen khỏi nền tảng mạng vì sợ bị tẩy chay như Joseon Exorcist

Gần đây, liên tiếp các dự án phim khiến khán giả Hàn Quốc nhướng mày thay vì chào đón do có yếu tố Trung Quốc. Phim truyền hình Mr. Queen khá thành công nhưng vẫn gây lo ngại vì là phim dựa trên web drama và sách của Trung Quốc, Go Princess Go (Thái tử phi thăng chức ký).

Sau khi Joseon Exorcist bị hủy bỏ, nhà sản xuất Mr. Queen cũng rút phim khỏi các nền tảng VOD để tránh bị tẩy chay trên diện rộng. Dù vậy, việc tẩy chay vẫn khiến diễn viên chính Shyn Hye Sun bị ảnh hưởng danh tiếng. Trước đó, phim cũng nhận 4.000 ý kiến khiếu nại vì các chi tiết sai lệch lịch sử.

Sắp tới, 2 phim truyền hình The Golden Hairpin và Until the Morning Comes, sẽ quy tụ nhiều diễn viên ngôi sao, có thể bị soi xét vì dựa theo sách bán chạy của Trung Quốc. Dù 2 dự án đều chưa có gì bất ổn, khán giả Hàn vẫn có tâm lý dè chừng với xuất xứ Trung Quốc do xung đột văn hóa leo thang gần đây.

Cảnh giác với tiền đầu tư từ Trung Quốc

Ngày 13-4, tờ Korea Herald đăng bài cảnh báo các nhà làm phim cần cảnh giác với nguồn đầu tư từ Trung Quốc, tránh để tiền bạc chi phối, giúp các nhà đầu tư Trung Quốc can thiệp vào phim truyền hình Hàn Quốc, thậm chí cảnh giác trước khả năng bị "chiếm đoạt văn hóa".


True Beauty, phim Hàn Quốc từng bị phản ứng vì quảng cáo cho một loại lẩu ăn liền của Trung Quốc

Theo một người phụ trách tiếp thị phim giấu tên, kinh phí sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Hiện tại, mỗi tập phim tốn từ 600 triệu đến 700 triệu won (từ 532.000 đến 621.000 USD) để sản xuất. "Thật khó để trang trải được mức kinh phí này chỉ với tiền từ quảng cáo trong nước" - người này nói.

Vừa qua, luật mới ở Hàn Quốc hạn chế thời gian làm thêm ngoài giờ cũng làm tăng thời gian sản xuất phim. Cộng với chi phí đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 và tiền thuê diễn viên, tất cả đều khiến kinh phí phim truyền hình tăng cao.


Joseon Exorcist là trường hợp chịu hậu quả nặng nhất, thiệt hại công sức và kinh phí

Korea Herald nhận định dù nguồn tiền đầu tư từ Trung Quốc chưa phải là vấn đề nổi cộm, các doanh nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng cần sáng suốt hơn trong thời gian tới. Một ví dụ dễ thấy là Hollywood. Từ khi chấp nhận nguồn đầu tư tương tự từ Trung Quốc, phim Hollywood chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các yếu tố Trung Quốc.

Sau các tranh chấp gần đây, chuyên gia Hàn cho rằng các nhà làm phim truyền hình nên nhạy cảm hơn và tránh có những hành động thiển cận gây hậu quả lớn, như trường hợp Joseon Exorcist.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Phim truyền hình Hàn Quốc cảnh giác với tiền đầu tư từ Trung Quốc