Tiếng gọi nơi hoang dã và "con chó Bấc" trong ký ức người trẻ Việt

22/02/2020 14:17

Một chàng trai Việt 25 tuổi háo hức ra rạp xem Tiếng gọi nơi hoang dã (chuyển thể năm 2020) vì phim gợi nhớ về trích đoạn "Con chó Bấc" trong sách giáo khoa năm nào.

Tài tử gạo cội Harrison Ford và chú chó Buck trong Tiếng gọi nơi hoang dã. Phim ra rạp ở Việt Nam từ ngày 21.2 - Ảnh: 20th Century Studios

Con chó Bấc (Buck) là trích đoạn từ tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã (The call of the wild) của nhà văn Jack London (Mỹ), từng được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn của Việt Nam.

Tác phẩm để lại ấn tượng đẹp trong nhiều thế hệ học sinh Việt Nam về lòng dũng cảm, tình thương giữa con người - động vật và thiên nhiên Alaska khắc nghiệt.

Nhưng cũng vì cách "làm quen" đặc biệt đó, lối tiếp cận của công chúng Việt với Tiếng gọi nơi hoang dã có phần trẻ thơ, như một kỷ niệm thời niên thiếu.

Trong khi đó, tác phẩm gốc "người lớn" hơn, đề cập trực diện đến sự tàn bạo của thiên nhiên và lòng người.

Dành cho những ai thương yêu loài chó

Kể về con chó Buck, phim Tiếng gọi nơi hoang dã dõi theo cuộc phiêu lưu của Buck từ khi là thú cưng nhà giàu ở California (Mỹ), bị bắt cóc, đánh đập, bán qua Canada và lưu lạc đến tận Alaska lạnh giá.

Buck bị bán qua nhiều đời chủ, làm chó kéo xe, bị ngược đãi và được yêu thương, cho đến khi chú đi theo tiếng gọi của giống loài nơi hoang dã, tìm đến tự do vĩnh cửu.

Phiên bản điện ảnh 2020 của Tiếng gọi nơi hoang dã được xếp hạng PG, dành cho khán giả tầm 9 tuổi trở lên.

Vì thế, phim mang màu sắc cổ tích, đúng chuẩn dành cho mọi nhà: giàu tình cảm, cốt truyện đơn giản, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và mức độ bạo lực của con người được giảm nhẹ tối đa, nhân vật phản diện một màu.

Chó Buck trong Tiếng gọi nơi hoang dã

Và trên hết, đàn chó trong phim quá đáng yêu. Đây có lẽ là thời kỳ nhiều người yêu thương loài chó nhất, vì thế đàn chó trong phim sẽ chiếm trọn trái tim của khán giả vì sự dũng cảm, trung thành, gắn bó với con người và vì diện mạo dễ thương.

Nổi bật nhất tất nhiên là chú chó Buck - nhân vật trung tâm của cả sách lẫn phim.

Trích đoạn trong sách ngữ văn Việt Nam nói về tình bạn giữa Buck và John Thornton - người chủ cuối cùng và cũng là người yêu thương Buck nhiều nhất. Thornton cứu Buck khi chú kiệt sức vì bị ngược đãi.

Ông coi Buck như người bạn, người con trai để tâm sự và đồng hành chứ không lợi dụng sức lao động của Buck như những người chủ khác.

Do đó, bản chuyển thể này là hoàn hảo cho khán giả Việt vì lấy mối quan hệ giữa Buck và Thornton làm trọng tâm. Khán giả Việt tầm tuổi thanh niên và trung niên được sống lại ký ức tuổi thơ.

Còn với trẻ em thời nay, còn gì cảm động hơn một đàn chó trung dũng bảo vệ lẫn nhau, hay một tình bạn người và chó sắt son, cùng kinh qua sống chết?

Thornton và Buck

Tranh cãi về "đàn chó kỹ xảo"

Về mặt cảm xúc, Tiếng gọi nơi hoang dã làm rất tốt khi bất cứ khoảnh khắc nào những chú chó xuất hiện, trong lòng khán giả đều dâng lên cảm xúc trìu mến.

Tuyến truyện về John Thornton đến tận giữa phim mới bắt đầu, nhưng để lại dấu ấn đậm nét. Đây dường như không phải câu chuyện giữa người và chó, mà là giữa hai tri kỷ, cha con, thầy trò. Phim hướng thiện đến trong trẻo.

Mặc dù vậy, về khía cạnh kỹ thuật, bộ phim góp thêm một dẫn chứng cho cuộc tranh cãi bất tận về việc sử dụng công nghệ CGI tạo hình nhân vật trong điện ảnh.

Ví dụ gần đây nhất là bản live action của Vua sư tử (The Lion King). Bộ phim của Disney là bom tấn tỉ USD ở phòng vé nhưng bị cho là thiếu hụt cảm xúc so với bản hoạt hình, vì "đàn thú CGI" trông hoành tráng nhưng mất hẳn vẻ dễ thương do khả năng biểu cảm hạn chế.

Cảnh trong Tiếng gọi nơi hoang dã

Đến Tiếng gọi nơi hoang dã, cuộc tranh cãi tương tự lại nổ ra. Phim có tiến bộ so với Vua sư tử khi đàn chó có biểu cảm đa dạng, cơ mặt và thân thể linh hoạt hơn, được nhân cách hóa tương tự phim hoạt hình.

Nhưng ưu điểm này cũng là nhược điểm, nếu nhìn theo khía cạnh khác, vì chó biểu cảm giống người tức là chúng… không giống chó.

Phim hoạt hình thành công khi nhân cách hóa vì thể loại hoạt hình, luôn có sự cách điệu nhất định về hình ảnh. Còn với bản live action, một số khán giả cho rằng nên có diễn viên chó bằng xương bằng thịt.

"Con người quá quen với loài chó và thuộc làu các cử chỉ của chúng đến nỗi khi nhìn đàn chó nhân cách hóa này, đôi khi khán giả bị lôi tuột ra khỏi câu chuyện và bị thao túng về cảm xúc" - CNN viết.

Những phim như Vua sư tử hay Tiếng gọi nơi hoang dã nằm giữa lằn ranh của hoạt hình và live action, sẽ không ngừng gây tranh cãi trong tương lai.

Rất nổi tiếng ở Mỹ khi ra đời vào năm 1903, tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London đã ra mắt độc giả Việt Nam với nhiều bản dịch khác nhau.

Bản phim cùng tên năm 2020 do 20th Century Studios (tiền thân là 20th Century Fox) sản xuất.

Đạo diễn của phim là nhà làm phim hoạt hình kỳ cựu Chris Sanders. Phim quy tụ dàn diễn viên: Harrison Ford (vai John Thornton), Dan Stevens, Omar Sy, Karen Gillan, Bradley Whitford…

Phim lấy bối cảnh Cơn sốt vàng những năm 1890, một giai đoạn lịch sử quan trọng của nước Mỹ. Đến nay, phim có 5 bản chuyển thể điện ảnh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng gọi nơi hoang dã và "con chó Bấc" trong ký ức người trẻ Việt