Nuôi con không kháng sinh, thế nào cho đúng?

20/11/2017 13:07

Nhiều bà mẹ đã tích cực tìm kiếm thông tin, nuôi con theo các phương pháp, kinh nghiệm dân gian, hạn chế dùng thuốc.


Nhiều người đã dùng các phương thuốc dân gian như quất, húng chanh, mật ong... để giảm ho cho trẻ

Trước những tác hại của việc kháng thuốc nói chung, kháng thuốc kháng sinh nói riêng, nhiều bà mẹ đã tích cực tìm kiếm thông tin, nuôi con theo các phương pháp, kinh nghiệm dân gian, hạn chế dùng thuốc. Tuy nhiên, việc "quay lưng" tuyệt đối với kháng sinh không phải lúc nào cũng tốt.

Không lạm dụng thuốc

Từ 2 năm nay, bé Nguyễn Đăng Quang, con trai của chị Trần Thị Mai Phương ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) không phải dùng đến viên thuốc kháng sinh nào. Khi mới được 19 ngày tuổi, bé Quang bị bệnh viêm phế quản mức độ nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương 20 ngày. Sau đợt điều trị đó, hầu như tháng nào bé Quang cũng phải lên điều trị bằng thuốc kháng sinh tại bệnh viện này. Khi bé Quang hơn 1 năm tuổi, chị Phương được một bác sĩ hướng dẫn các cách chữa bệnh kết hợp phương pháp dân gian với phương pháp khoa học hiện đại để giảm viêm, ho cho bé như uống nước gừng, uống nước la hán, vỗ rung khi bé bị đờm… Dù có những lúc chị rất lo lắng vì con ho dai dẳng cả tháng trời, nhưng được sự tư vấn nhiệt tình của bác sĩ và kết hợp đọc thêm tài liệu, hiểu rằng ho là phản ứng của cơ thể để tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài nên chị vẫn kiên trì với các phương pháp trên. "Sau khi cơn ho tự chấm dứt thì bé không còn bị viêm phế quản tái đi tái lại như trước đây nữa. Đến nay đã 2 năm con tôi không phải uống 1 viên thuốc kháng sinh, kháng viêm… nào. Sức khỏe bé ổn định, rất ít ốm vặt”, chị Phương khoe.

Chị Phạm Thị Lê ở xã Nam Tân (Nam Sách) có hai con nhỏ là cháu Hoàng Tùng Lâm 4 tuổi và Hoàng Phúc Lâm gần 1 tuổi. Giống như chị Phương, chị Lê cũng hạn chế sử dụng các loại thuốc Tây, nhất là thuốc kháng sinh với hai con của mình. Chị cho biết: “Trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi hay ốm sốt là bình thường vì sức đề kháng của chúng còn yếu. Có những đợt con sổ mũi cả tháng nhưng tôi để con tự khỏi. Sau những đợt như thế, sức đề kháng của bé tăng lên, ít ốm vặt hơn nhiều". Với những bệnh nặng, bệnh không rõ nguyên nhân thì chị sẽ cho bé đi khám và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Do ít sử dụng các loại thuốc nên hai con chị chưa phải nằm viện bao giờ, sức khỏe khá tốt.

Trong những lúc con ốm, sốt, ho, đi ngoài… chị Bùi Kim Tuyến ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) duy trì uống nước lá tía tô. Theo chị Tuyến, lá tía tô có kháng sinh tự nhiên nên khi mẹ uống, nguồn kháng sinh này sẽ được chuyển hóa vào sữa mẹ. Các con chị bú sữa mẹ đã được tiếp cận với nguồn kháng sinh tự nhiên đó nên tăng thêm sức đề kháng. Khi con sốt, chị hạ sốt bằng phương pháp da tiếp da, chườm mát, đắp lá nhọ nồi. Con bị sổ mũi thì chị rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Bé bị đi ngoài chị cho uống nước ép cà rốt… Đến nay, sức khoẻ hai con chị tương đối ổn định, phát triển tốt, từ khi sinh ra đến nay cũng chưa từng phải đi bệnh viện.

Khi nào dùng, khi nào không?

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết do việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng nên thời gian gần đây đã có nhiều người nhận thức được nguy cơ kháng thuốc, đặc biệt là kháng thuốc kháng sinh đối với sức khoẻ của trẻ. Vì vậy, xu hướng nuôi con không kháng sinh dần trở nên phổ biến trong xã hội. Nhưng để thực hiện đúng phương pháp này đòi hỏi cha mẹ phải thực sự có kiến thức, kinh nghiệm về cách chăm sóc trẻ.

“Có nhiều trường hợp hạn chế cho trẻ dùng thuốc kháng sinh tuyệt đối, trẻ không được điều trị kịp thời khiến bệnh ngày càng nặng, từ sốt, ho thông thường chuyển sang viêm tai giữa, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện kịp thời", bác sĩ Nhàn chia sẻ. Bác sĩ Nhàn khuyến cáo tốt nhất các phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy trẻ có những biểu hiện bệnh tăng nặng, không nên tự chữa trị tại nhà khi không đủ kinh nghiệm và chuyên môn.

Theo bác sĩ Nhàn, thuốc kháng sinh sẽ được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nấm, ký sinh trùng… Thuốc kháng sinh không có tác dụng với trẻ bị các bệnh do virus. Thông thường, cha mẹ khó có thể phân biệt được trẻ ốm, sốt do virus hay vi khuẩn, vì vậy tốt nhất là theo dõi trẻ thật kỹ. Trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt. Nếu nhiệt độ hạ, trẻ tươi tỉnh, ăn uống bình thường, khỏe dần chứng tỏ bệnh đã có tiến triển tốt hơn. Nhưng nếu uống thuốc hạ sốt mà nhiệt độ cơ thể trẻ không hạ, các triệu chứng như nôn trớ, bỏ ăn, mệt mỏi, ngủ lì bì, rối loạn ý thức… tăng thêm thì phải đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, xét nghiệm.

Khi đã được các bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc đúng theo liều lượng, số ngày như bác sĩ chỉ định. Các phụ huynh không được cho trẻ dừng thuốc khi thấy trẻ có biểu hiện đỡ, khỏi bệnh mà uống thuốc chưa đủ liều lượng. Việc dừng thuốc khi chưa đủ liều lượng, thời gian có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc, bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những lần mắc sau đó. Ngay cả việc dùng thuốc kháng sinh cũng có quy luật, mỗi nhóm vi khuẩn có kháng sinh điều trị riêng. Khi dùng loại kháng sinh này bệnh không giảm, bác sĩ sẽ đổi loại kháng sinh khác, do đó cha mẹ cần hoàn toàn tuân thủ lịch trình điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ra hiệu thuốc kể bệnh để các dược sĩ trở thành người kê toa hoặc tự mua thuốc theo kinh nghiệm.


BÌNH AN

(0) Bình luận
Nuôi con không kháng sinh, thế nào cho đúng?