Nghiêm trị những kẻ trục lợi từ chế độ chính sách

13/12/2018 08:11

Hiện nay, một số cá nhân lợi dụng chế độ chính sách, biến người lành thành thương binh, bệnh binh bị phát hiện.

Họ đã làm tổn thương đến những thương binh, gia đình có công với cách mạng. 

Mới đây, gần 570 thương binh ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị các cơ quan chức năng phát hiện, tạm đình chỉ chế độ từ ngày 1.8.2018 do khai man, giả mạo giấy tờ có liên quan. Đường dây “chạy” thương binh này do Tạ Thị Vân (trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) từng là y tá trong quân đội, cầm đầu hoạt động từ năm 2012-2014, với khoảng 10 người tham gia. Các đối tượng đã nhận tiền “chạy” chế độ cho hàng trăm người, mỗi bộ hồ sơ khoảng 30 triệu đồng. Mánh khóe của chúng tạo niềm tin với nạn nhân bằng việc tự giới thiệu mình có quen biết với những lãnh đạo các cấp trong việc làm chế độ chính sách, có thể “chạy” nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam để được hưởng chế độ. Tin lời, nhiều người dân làm giả hồ sơ, gom tiền bạc đưa cho các đối tượng trên và chờ đợi nhiều năm nhưng không được hưởng chế độ, đã viết đơn tố cáo. Vân bị cơ quan chức năng bắt, truy tố về tội tham gia đường dây làm hồ sơ thương binh giả và tuyên phạt 14 năm tù giam. Hay trước đó, một vài đối tượng tại huyện Ninh Giang đã môi giới làm chế độ thương binh, bệnh binh cho 15 trường hợp ở các xã Ninh Hải và Đông Xuyên, bị cơ quan chức năng xử lý...

Tình trạng giả mạo, khai man hồ sơ để trục lợi chế độ chính sách gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến có nhiều đơn thư tố cáo. Bởi lẽ nhiều người có công do vướng mắc thủ tục chưa được hưởng thì có những người không cống hiến lại nghiễm nhiên được hưởng các chính sách ưu đãi người có công. Người sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả không chỉ trục lợi tiền trợ cấp hằng tháng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước. Hệ lụy trên là do người xác lập hồ sơ thiếu trung thực, cán bộ chính sách thiếu trách nhiệm thi hành công vụ và văn bản pháp luật còn có kẽ hở. Những đường dây “chạy” chế độ người có công đều có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất, từ khâu xác lập hồ sơ, giám định y khoa... Rõ ràng, đây là hành động lừa đảo, một sự dối trá khó tha thứ.

Cần khẳng định Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tích cực tham gia đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp, tạo điều kiện cho người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ tinh thần nhân văn của chính sách ưu đãi người có công. Các cơ quan có thẩm quyền cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định trong quá trình xét duyệt hồ sơ và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát. Quá trình thẩm tra phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, tranh thủ thông tin của những người có cùng thời gian công tác, để tránh bỏ sót trường hợp. Cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng và chuẩn xác. 

Để bảo đảm công bằng, nghiêm minh trong thực thi chính sách, nhân dân và các cơ quan chức năng cần sớm phát hiện và nghiêm trị những đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ người có công nhằm trục lợi chính sách và những cán bộ tiếp tay cho hành vi sai trái, góp phần tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công với nước. 

PHÙNG VĂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm trị những kẻ trục lợi từ chế độ chính sách