Bật khóc ngày chia tay và câu chuyện bao nhiêu người sẽ họp lớp

07/07/2020 18:03

Nhiều câu hỏi đặt ra, những cô cậu học trò từng rơi nước mắt năm ấy, liệu có mặt hay không khi mùa họp lớp tới?

Mỗi mùa chia tay đến, hình ảnh học sinh bật khóc khiến nhiều người bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đẹp tuổi học trò.

Tại lễ tổng kết của Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, khoảnh khắc xúc động nhất là khi học sinh bật khóc lúc chia tay. Đây cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội.

Nhiều người cho rằng biểu hiện của cảm xúc khi phải rời xa bạn bè, kết thúc thời học sinh, đó là lẽ dĩ nhiên. Song, không ít người đặt câu hỏi liệu cảm xúc ấy có vẹn nguyên ở mỗi mùa họp lớp?

Ngay hop lop anh 1

Ngay hop lop anh 2

Những giọt nước mắt, nỗi buồn ngày chia tay tuổi học trò. Ảnh: Phương Lâm

“Lớp 40 người, một nửa đi họp đã mừng"

Thời học sinh trôi qua nhanh đồng nghĩa khoảng thời gian nhiều kỷ niệm tươi đẹp, vô tư, hồn nhiên sắp xa. Ngày ra trường, ai cũng đau đáu nỗi niềm duy nhất, sợ phải chia tay nhau.

Lệ Thu (cựu học sinh Trường Trần Phú, Hà Nội) bồi hồi nhớ lại ngày bế giảng. Bạn bè ôm nhau khóc nức nở, cùng hẹn nhau phải giữ liên lạc, sau này họp lớp đông đủ.

Nhưng thời gian trôi nhanh, chuyện giữ liên lạc đã khó, họp lớp càng xa vời. Đã 10 năm sau ngày ra trường, mỗi lần họp lớp chỉ còn dưới 15 thành viên. Người bận công tác, bạn phải chăm con.

N.T.Q. ( (đề nghị giấu tên), cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ sau ngày tốt nghiệp, Q. vẫn mong ngày được gặp lại những người bạn thời thanh xuân. Tuy nhiên, một năm sau ngày ra trường, lớp tổ chức gặp mặt với một nửa sĩ số tham gia. Sang năm thứ hai, thứ ba, con số giảm dần.

“Các thành viên vẫn cố gắng tham gia, nhưng chia thành nhiều đợt vì có bạn du học, người định cư nước ngoài, không phải thời điểm nào cũng ở Việt Nam. Từ ngày rời ghế nhà trường, mỗi người lựa chọn một con đường, cuộc sống riêng, khó để đông đủ. Lớp 40 người họp được 20 thành viên đã là mừng", Q. chia sẻ.

Nguyễn Thành Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tốt nghiệp được 15 năm, cho biết các thành viên chỉ họp lớp đông đủ vào vào những lần kỷ niệm trọng đại ngày ra trường như 5, 10, 15 năm.

Ra trường vài năm gặp nhau đã khó, huống hồ tốt nghiệp quá lâu, ai dám chắc còn liên lạc với đủ bạn bè, hay giờ nhìn nhau như người xa lạ?

Trung đặt ra câu hỏi: "Cảm xúc ngày chia tay là thật, nhưng cảm xúc sau này liệu còn vẹn nguyên?".

Ngay hop lop anh 3

Mỹ Anh nổi bật trong mùa bế giảng năm học 2019. Ảnh: NVCC

Chỉ cần sống trọn vẹn ngày hôm nay

Nguyễn Mỹ Anh, cựu học sinh lớp 12D2, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho rằng việc học sinh bày tỏ cảm xúc trong ngày chia ly là điều đáng trân trọng.

Nữ sinh đã trải qua lễ tổng kết vừa buồn, vừa vui, kỷ niệm khắc sâu trong cuộc đời. Cô gái bày tỏ bản thân vui vì đã hoàn thành xong chặng đường học tập dài nhưng buồn vì lưu luyến khi phải xa bạn bè, thầy cô.

"Khoảnh khắc ấy, mình không kìm được cảm xúc, nên có khóc một chút khi cả lớp tặng quà chia tay thầy cô chủ nhiệm. Mình thấy chuyện này không có gì là diễn hay làm màu. Mỗi người đều có cảm xúc riêng, nhất là khi đứng trước sự chia xa. Trong tương lai, chúng mình rất khó gặp lại nhau khi ra trường", Mỹ Anh nói.

Hiện, cựu học sinh THPT Phan Đình Phùng đang du học ở Canada. Tuy nhiên, Mỹ Anh luôn sắp xếp thời gian, cố gắng về kịp ngày họp lớp.

"Chúng mình vẫn giữ liên lạc với nhau vì có những nhóm bạn vẫn chơi thân. Năm nay, cả lớp dự định họp ngày 9.7, trùng với ngày bế giảng. Một số bạn bận thi, một số người ở nước ngoài, dù không gặp nhau, chúng mình luôn là bạn tốt, hỗ trợ nhau khi cần", nữ sinh "trường Phan" chia sẻ.

Nhiều người đều đồng ý với quan điểm họp lớp là cách những người bạn ngồi bên nhau, ôn lại kỷ niệm, kể cho nhau nghe những gì đã làm được sau ngày chia tay đầy nước mắt.

"Nếu sau này có thể tụ họp đông đủ là điều may mắn và hạnh phúc. Còn nếu không thể gặp nhau cũng không sao cả, tình bạn cũng có giá trị khoảnh khắc như tình yêu. Những khó khăn của cuộc sống, mặc cảm riêng của mỗi người, đâu phải ai cũng thấu hiểu" - thành viên Nhật Lam viết.

Bạn Lê Hải Hà - cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, bày tỏ định nghĩa về tình bạn: "Mỗi người chỉ cần sống trọn vẹn cho ngày hôm nay. Vì vậy, họp lớp không phải tiêu chí đánh giá một tình bạn và cũng không phải cách để nhận xét về giọt nước mắt của những đứa trẻ trưởng thành tuổi 18".

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bật khóc ngày chia tay và câu chuyện bao nhiêu người sẽ họp lớp