Vất vả những mùa hoa vải

14/02/2022 07:30

Thời tiết tương đối thuận lợi nhưng để được mùa, người trồng vải ở Thanh Hà phải đầu tư nhiều thời gian, công sức chăm sóc ngay khi vải ra hoa.


Ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ (xã Vĩnh Lập) thường xuyên chăm sóc vườn vải thời kỳ ra hoa, đậu quả

Năm nào gia đình ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập cũng được mùa vải sớm. Vải của gia đình ông thường cho thu hoạch sớm nhất, bán với giá cao. Thế nhưng, để có được kết quả đó, ông Nhuận cẩn thận áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc đúng với từng thời kỳ phát triển của cây vải. Theo ông Nhuận, để chuẩn bị cho vải ra hoa, trước đó ông đã phải tỉa hết các cành nhỏ, cành bị sâu bệnh, cành mọc chen trong tán nhằm hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, ông còn bổ sung dinh dưỡng cho cây khỏe hơn sẽ hạn chế được tình trạng rụng hoa, rụng quả non sau này. Nhiều năm gắn bó với cây vải nên ông Nhuận rất lo lắng khi vải ra hoa gặp mưa axit. Nếu có mưa axit thì phải theo dõi kỹ hơn để phun nước rửa hoa cho axit trôi đi, không bị cháy hoa, cháy quả.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong vùng VietGAP, GloBalGAP nhưng chị Quách Thị Phượng ở thôn 3, xã Thanh Xá không khỏi lo lắng khi mùa hoa vải đến. Tuy chăm sóc vải đã thành thói quen nhưng chị vẫn tỉ mỉ ghi lại nhật ký chăm sóc đầy đủ. Thời điểm này không phải dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng chị còn vất vả hơn khi phát hiện ra bệnh gây hại cây vải. Chị thường xuyên phải theo dõi lượng mưa, nhiệt độ ngoài trời và tình hình sâu bệnh. "Chăm vải như chăm con mọn, chỉ cần lơ là 1-2 ngày không để ý là hoa vải nhiễm bệnh lúc nào không hay. Khi đã nhiễm bệnh gặp thời tiết này sẽ lan nhanh ra cả vườn", chị Phượng cho biết.

Năm nay chưa có mưa axit nhưng mưa nhiều nên người trồng vải ở Thanh Hà không khỏi lo lắng. Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường cho biết mùa xuân vải ra hoa, mưa nhiều, tuy không phải tưới nước nhưng cũng là lúc nhiều dịch hại xuất hiện như sâu cuốn tổ, sâu đo, sâu đục chẽ hoa. Vì thế, người dân thường xuyên kiểm tra vườn vải, khi có sâu bệnh phải phun thuốc ngay.

Để người dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây vải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà đã chủ động phối hợp Trạm Thủy văn Bá Nha để theo dõi lượng mưa, phân tích chất lượng nước mưa (từ tháng 1 đến hết tháng 4). Nếu có mưa axit, cơ quan chuyên môn thông báo ngay cho người dân chủ động cách bảo vệ và chăm sóc vải. Đây là thời điểm nhạy cảm với cây vải nên nếu có bệnh sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ, năng suất về sau. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực tuyên truyền người dân chủ động theo dõi thời tiết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc vải ngay từ đầu vụ.

Huyện Thanh Hà hiện có 3.628 ha vải, trong đó có hơn 2.000 ha vải thiều chính vụ, còn lại là vải thiều sớm. Hiện cả 2 trà vải đều phát triển tốt, diện tích vải sớm ra hoa đạt 98%, vải chính vụ đang ra hoa. Dự kiến năm nay vải thiều Thanh Hà sẽ được mùa. Toàn bộ diện tích vải ở đây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha vải đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 50 ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Huyện hiện có 155,3 ha vải được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc...

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Vất vả những mùa hoa vải