Nhiều bãi rác thải nông thôn giáp sông, khu dân cư

12/12/2017 09:20

Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải nông thôn không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu là bãi chứa tạm thời.


Đồng chí Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thành Chung

Sáng 12.12, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVI tiếp tục làm việc. Các đại biểu nghe đồng chí Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020” đến hết năm 2017 và kế hoạch thực hiện năm 2018.

Hơn 75% số rác thải được thu gom

Tính đến hết năm 2017, các mục tiêu chính của đề án đã cơ bản hoàn thành. Đến nay đã có 224 trong tổng số 227 xã đã có tổ thu gom rác thải, đạt tỷ lệ 98,7%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn đạt 75,5%, vượt chỉ tiêu đề ra 15,5%, tăng 17,42% so với thời điểm đề án được phê duyệt năm 2016. Tỉnh đã và đang đầu tư 3 lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất 8,5 tấn/giờ. UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 44 xã xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, nâng tổng số xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh lên thành 156 xã, 3 phường và 5 thị trấn với tổng số bãi chôn lấp hợp vệ sinh là 179 bãi...

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hoặc mới chỉ được thu gom tạm vào các bể chứa, chưa được xử lý triệt để. Toàn tỉnh vẫn còn 46 điểm chôn lấp rác tự phát, nhiều nhất là ở Cẩm Giàng (17 điểm), tiếp đó là Gia Lộc (13 điểm); thị xã Chí Linh (7 điểm), còn lại là ở Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Bình Giang.

Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải nông thôn không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu là bãi chứa tạm thời. Đến nay các bãi rác đã quá tải, nước rỉ từ bãi rác ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân. Một số bãi rác quy hoạch bảo đảm khoảng cách đến khu dân cư của xã xây dựng nhưng lại gần khu dân cư của xã liền kề. Một số xã xây dựng bãi rác nằm giáp sông nội đồng như ở thị trấn Ninh Giang và xã Hồng Thái  (Ninh Giang), xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), xã Tân Trường (Cẩm Giàng)...

Tỉnh chưa có công nghệ xử lý rác phù hợp, bảo đảm giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải nông thôn gây ra. Lực lượng thu gom, vận chuyển rác thải còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại các xã còn thiếu, chủ yếu là phương tiện thủ công. Nhận thức của các hộ dân về tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chưa tốt...

Quy hoạch xử lý tập trung theo cụm huyện

Để xử lý triệt để rác thải nông thôn, tỉnh quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung theo cụm huyện. Cụm 1 gồm các huyện: Thanh Hà, Kim Thành, Nam Sách và TP Hải Dương. Rác thải được đưa về đốt và chôn lấp tại các nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương tại xã Việt Hồng (Thanh Hà). Cụm 2 gồm các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và Thanh Miện được xử lý tại Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (Bình Giang). Cụm 3 gồm các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ và Ninh Giang. Với Chí Linh, Kinh Môn sẽ xây dựng mỗi địa phương 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.


Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Thành Chung

Hiện tại, đối với cụm 1 và cụm 2 về cơ bản đang được triển khai đúng kế hoạch. Đối với cụm 3, tỉnh đã chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án“Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp” của Công ty cổ phần môi trường Tre Xanh tại xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ). Đối với thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn do chưa bố trí được địa điểm để xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã khẩn trương tìm địa điểm để thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo cụm huyện, Ủy ban MTTQ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng thí điểm sau đó nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, mô hình đến nay chưa được triển khai. Ủy ban MTTQ tỉnh đang triển khai một số mô hình điểm về “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” có hiệu quả tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay đã triển khai và duy trì được 28 điểm mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" đang hoạt động có hiệu quả...

Buổi chiều, HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường về những ý kiến còn khác nhau trong phiên thảo luận tổ; chất vấn và trả lời chất vấn.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều bãi rác thải nông thôn giáp sông, khu dân cư