Sự thật hàng xuất dư

11/09/2017 07:06

Thời gian gần đây các điểm bán hàng xuất dư mọc lên ở nhiều nơi trong tỉnh. Nguồn gốc loại hàng này ở đâu và chất lượng ra sao thì nhiều người tiêu dùng chưa rõ.



Một số chủ cửa hàng bán giày dép tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) giới thiệu bán
 hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng thực chất là hàng Trung Quốc


Nhập nhèm

Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên của Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Hải Dương thường xuyên mua quần áo xuất dư ở cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK) trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Tuy nhiên, không ít lần chị Lan bối rối không biết sản phẩm mình lựa chọn ở đây có đúng là hàng xuất khẩu hay không. “Nhân viên lôi ra một đống quần áo Uniqlo và bảo đó là hàng xuất dư của Công ty CP May II Hải Dương. Kiểm tra chất vải tôi thấy không khác nhiều so với sản phẩm bán đổ đống ở chợ Thanh Bình. Mác được gắn trên những bộ quần áo này bằng giấy bìa mỏng, có cái nhàu, rách nát. Những thông tin cần thiết trên nhãn thường thấy đối với hàng xuất khẩu như chế độ giặt, là, chất liệu không được ghi đầy đủ”, chị Lan nói.

Không chỉ quần áo, nhiều sản phẩm khác như giày dép, đồ gia dụng cũng được các cửa hàng quảng cáo là hàng xuất dư "xịn" do các doanh nghiệp trong nước sản xuất được tuồn ra ngoài thị trường bán. Theo ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà), hàng xuất dư ở đây rất có thể là hàng gia công trong nước hoặc hàng Trung Quốc nhái thương hiệu nổi tiếng. Do đó, sản phẩm được bán mỗi nơi một mức giá và loại vải cũng muôn kiểu. Người tiêu dùng không có nhiều thông tin về loại hàng hóa này nên rất dễ bị các chủ cửa hàng đánh lừa. Vì vậy, nhiều nơi nhập hàng từ Trung Quốc giá rẻ và tự gắn mác hàng VNXK để bán.

Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến đăng ký thành lập chuỗi cửa hàng VNXK (Vietbrothers). 14 cửa hàng của công ty này lại chỉ có ở Hà Nội. Như vậy, các cửa hàng quần áo VNXK ở Hải Dương đều do các tiểu thương tự mở. Mặc dù nhập nhèm về giá cả, chất lượng nhưng không ít người dùng vẫn chấp nhận hàng VNXK vì giá phải chăng. "Hàng xách tay hoặc nhập khẩu thì giá quá cao. Mua hàng rẻ tại chợ thì sợ mua phải hàng Trung Quốc không an toàn. Vì vậy, tôi thường xuyên chọn mua hàng VNXK", chị Hoàng Thị Thu ở khu An Phú 1, phường Tân Bình nói.

Đội lốt hàng xuất khẩu

Nếu có hàng xuất dư bán ra thị trường thì số lượng cũng không nhiều và đa phần là những sản phẩm bị lỗi hoặc không phù hợp với chuẩn size của người Việt.


Theo ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương, không có chuyện công ty đem hàng xuất khẩu bán cho các cửa hàng chuyên bán đồ VNXK. Bởi các hợp đồng cung cấp sản phẩm giữa doanh nghiệp và đối tác nước ngoài khá chặt chẽ. Họ thường quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt đối với đơn vị sản xuất. “Chẳng hạn như khi gia công cho một đơn hàng xuất khẩu áo sơ mi sang thị trường Anh, nhà cung cấp chỉ cho phép doanh nghiệp cắt vải dư với tỷ lệ từ 1-3%. Số vải dư này được lưu kho phòng trường hợp hàng lỗi doanh nghiệp có thể sử dụng để giao đủ đơn hàng” ông Dũng nói.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc và giày dép da, các sản phẩm được các cửa hàng VNXK quảng cáo là hàng lỗi do các doanh nghiệp cung cấp là không đúng bởi hầu hết các doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định hàng lỗi phải tiêu hủy. Như vậy, người tiêu dùng không dễ mua được hàng xuất dư của các doanh nghiệp xuất sang thị trường Mỹ, EU hoặc Nhật Bản theo như các cửa hàng quảng cáo. Nếu có hàng xuất dư bán ra thị trường thì số lượng cũng không nhiều và đa phần là những sản phẩm bị lỗi hoặc không phù hợp với chuẩn size của người Việt.

Vậy thực chất hàng xuất dư có nguồn gốc ở đâu? Một nhân viên của cửa hàng VNXK trên đường Nguyễn Lương Bằng bật mí: “Thực tế hàng xuất dư chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ tại các cửa hàng, còn lại là hàng Trung Quốc đội lốt hàng xuất khẩu. Hàng VNXK xịn chỉ có được khi các cửa hàng móc ngoặc hoặc một số công nhân chuyên trộm sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu rồi tuồn ra ngoài bán. Còn hàng VNXK nhái thường được các cửa hàng đặt gia công tại các xưởng may nhỏ ở nông thôn”. Thông thường các chủ cửa hàng lên các trang mạng lấy cắp mẫu của các thương hiệu nổi tiếng hoặc nhờ công nhân ở một số doanh nghiệp may chụp lại ảnh rồi bắt chước gia công. Sau khi gia công, các cửa hàng sẽ mua nhãn mác giả các thương hiệu nổi tiếng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Muốn nhãn nào có loại đó. Họ chỉ cần gọi điện, chuyển tiền qua tài khoản là vài hôm sau nhận được nhãn mác nhái, sau đó nhờ các thợ may gia công gắn vào sản phẩm.

Sở dĩ các cửa hàng phải làm giả hàng VNXK để bán do tâm lý người Việt sợ mua hàng Trung Quốc. Theo đại diện lực lượng quản lý thị trường tỉnh, hàng VNXK được làm giả khá tinh vi. Kiểm tra tại một số cửa hàng thấy có nhiều sản phẩm nguồn gốc xuất xứ khá rõ ràng, nhãn mác đầy đủ nhưng chất vải xấu, đường kim mũi chỉ xộc xệch. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã tiêu hủy hơn 1.000 quần bò, áo ba lỗ, tất và giày dép giả các nhãn hiệu nổi tiếng được thu giữ tại một số cửa hàng chuyên bán đồ VNXK do một số doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất.

HẢI MINH

Theo khảo sát của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện nay, trên thị trường có hơn 60% số hàng Việt Nam xuất khẩu được làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự thật hàng xuất dư