Ấn Độ vượt Nga thành nước thứ 3 bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19

07/07/2020 13:59

Ấn Độ ngày 7.7 ghi nhận thêm 467 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này lên 20.160 ca, trong khi số ca mắc bệnh tăng 22.252 ca lên 719.665.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Mumbai, Ấn Độ ngày 17/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Mumbai, Ấn Độ ngày 17.6

Ngày 7.7, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã vượt 20.000 ca và số ca mắc bệnh tăng mạnh, trong bối cảnh nước này xúc tiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch để nối lại hoạt động kinh tế.

Cụ thể, Ấn Độ ngày 7.7 ghi nhận thêm 467 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 20.160 ca. Số ca mắc bệnh tăng 22.252 ca lên 719.665.

Ngày 6.7, Ấn Độ đã vượt Nga lên vị trí thứ 3 trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch, sau Mỹ và Brazil.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tính trên 10.000 người ở Ấn Độ chỉ khoảng 0,15%, so với tỷ lệ 3,97% tại Mỹ và 6,65% tại Anh.

Giới chức y tế Ấn Độ lo ngại số ca tử vong có nguy cơ tăng đáng kể trong tuần tới. Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ cao thứ 7 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha.

Trong tuần đầu tiên của tháng 7, Ấn Độ thông báo trung bình mỗi ngày có 450 ca tử vong, so với trung bình 250 ca trong tuần đầu tháng 6 và trung bình 101 ca trong tuần đầu tháng 5.

Nhà chức trách ngày 6.7 đã quyết định hoãn việc mở lại đền Taj Mahal - một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tại quốc gia Nam Á này - do lo ngại nguy cơ SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan tại thành phố miền Bắc Agra từ các khách du lịch thăm ngôi đền này.

Trong khi đó, Ấn Độ đã nối lại một số hoạt động kinh tế. Các chuyến bay nội địa được phép hoạt động trong khi các chuyến bay quốc tế tạm dừng. Những khu vực được xác định nguy cơ lây nhiễm cao nhất duy trì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Cùng ngày 7.7, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo tại Trung Quốc đại lục có thêm 8 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6.7 và đều là công dân từ nước ngoài về. Trong ngày 6.7, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19.


Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24.6

Cũng theo NHC, 403 bệnh nhân COVID-19 vẫn đang được điều trị tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 7 ca bệnh nặng. Đã có thêm 10 bệnh nhân bình phục và xuất viện cùng ngày.

Tính đến hết ngày 6.7, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.565 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.528 bệnh nhân được chữa khỏi.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cùng ngày 7.7 cho biết đã ghi nhận thêm 44 ca mắc mới, trong đó có 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 13.181 ca.

Số ca mắc mới giảm nhẹ so với ngày 6.7 với 48 ca, ngày 5/7 với 61 ca và các ngày 3-4.7 mỗi ngày 63 ca.

Trong số ca lây nhiễm trong cộng đồng, 7 ca được ghi nhận tại tỉnh Gyeonggi gần Seoul, 6 ca tại TP Gwangju và 3 ca tại Seoul.

Hàn Quốc cũng thông báo thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 285 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại Hàn Quốc tăng thêm 66 người lên 11.914 người.

Tờ Minju Joson, tờ báo chính thức của Chính phủ Triều Tiên, ngày 7.7 đưa tin Triều Tiên đang tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi "cảnh giác tối đa" đối với đại dịch này.


Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa COVID-19 tại nhà ga Bình Nhưỡng, Triều Tiên

Theo báo trên, Triều Tiên "đã đóng hoàn toàn biên giới, không phận và lãnh hải", đồng thời tiếp tục tăng cường nỗ lực ngăn chặn triệt để làn sóng dịch bệnh. Bài báo nêu rõ Triều Tiên "đang triển khai các biện pháp đề phòng, theo đó tăng cường giám sát biên giới và dọc bờ biển".

Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp Bộ Chính trị và hối thúc người dân không được lơ là với dịch COVID-19, nhấn mạnh rằng việc vội vàng nới lỏng các biện pháp phòng dịch sẽ dẫn tới "một cuộc khủng hoảng không thể tưởng tượng và không cứu vãn được".

Ngày 7.7, hơn 5 triệu người dân tại Melbourne, thành phố lớn thứ 2 của Australia, đã được chỉ thị ở yên trong nhà trong bối cảnh khu vực này áp đặt trở lại lệnh phong tỏa một phần do ghi nhận số ca mắc COVID-19 tính theo ngày tăng cao.

Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews cho biết lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu từ giữa đêm 8.7 và kéo dài ít nhất 6 tuần, đồng thời cảnh báo cư dân "chúng ta không thể giả vờ như" cuộc khủng hoảng COVID-19 đã qua đi.

Trước đó cùng ngày, bang Victoria ghi nhận thêm 191 ca mắc COVID-19 mới, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ vượt Nga thành nước thứ 3 bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19