Hy vọng về một nền hòa bình cho Afghanistan

18/02/2020 11:16

Dư luận quốc tế lại dấy lên hy vọng về một hồi kết cho cuộc cuộc xung đột tại Afghanistan sau khi Mỹ thông báo đang tiến "rất gần" tới thỏa thuận với Taliban.


Cuộc xung đột kéo dài suốt 19 năm qua giữa lực  lượng Taliban và quân đội Chính phủ Afghanistan do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn

Bên lề hội nghị thượng định An ninh Munich vừa kết thúc tại Đức, các quan chức Mỹ cũng đã khẳng định rằng Mỹ và Taliban đã đạt được sự “đột phá” trong một số vấn đề gai góc và đang ở rất gần với một thỏa thuận hòa bình. Những động thái trên đang mở ra cơ hội khép lại cuộc chiến dai dẳng tại quốc gia Nam Á này.

Mỹ và Taliban tiến gần đến một thỏa thuận hòa bình

Kể từ sau khi phát động cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan năm 2001 nhằm lật đổ trùm khủng bố Osama Bin Laden và lực lượng Taliban, đến nay, Taliban vẫn là một vấn đề gây đau đầu không chỉ đối với chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ, bởi nước Mỹ vẫn bị sa lầy trong cuộc chiến tại đây. Taliban sau khi bị Mỹ lật đổ đã tìm cách trỗi dậy và phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan những năm sau đó.

Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, nhằm mở đường cho sự rút lui khỏi Afghanistan, chính quyền Mỹ đã ký với chính quyền Afghanistan Thỏa thuận An ninh song phương (BSA), theo đó, Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại quốc gia Nam Á này vào tháng 12.2014 và chỉ duy trì một lực lượng gồm 13.000 binh sĩ để huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh sở tại trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ cũng kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và chỉ duy trì khoảng 3.000 binh sĩ đồn trú với nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết quân chiến đấu về nước, Afghanistan đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Các vụ khủng bố, tấn công liều chết của phiến quân và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn xảy ra thường ngày. Phiến quân Taliban vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bản kiểm soát từ thành trì truyền thống của nhóm này tại miền Nam và miền Đông sang khu vực miền Bắc và tăng cường tuyển mộ binh lính.

Theo thống kê, cuộc xung đột tại Afghanistan từ năm 2001 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường Afghanistan và hơn 3.500 binh sĩ thuộc liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Hơn 1 triệu người Afghanistan cũng đã phải đi sơ tán do các cuộc xung đột.

Sau gần 18 năm hao người tốn của cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ vẫn đang tìm cách thoát khỏi tình trạng sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự. Đây cũng là một trong những cam kết và mục tiêu của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức.      

Kể từ tháng 7.2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã bắt đầu tiến hành đàm phán với lực lượng Taliban với mục đích giảm bạo lực, mở đường cho các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan (giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng phiến quân Taliban) nhằm đi đến chấm dứt giao tranh và đạt một giải pháp chính trị toàn diện. Đến cuối tháng 8-2019, Mỹ và Taliban đã đạt được dự thảo cho một thỏa thuận và thông báo hai bên gần như đã tiến đến việc sẽ ký kết thỏa thuận đó.

Thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận bao gồm 4 vấn đề chính: Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến như mạng lưới quốc tế Al Qaeda hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và các nước đồng minh; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.

Thế nhưng vào tháng 9.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn tiến trình này với lý do Taliban gây bạo lực. Tiến trình đàm phán đã bị ngắt quãng 3 tháng sau đó, và đến tháng 1-2020, các cuộc đàm phán mới được tái khởi động tại Qatar, nhưng rồi cũng đã bị gián đoạn bởi vụ tấn công gần căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan.

Nhưng vào giữa tháng 2.2020, giới chức Mỹ đều lên tiếng ghi nhận đàm phán với Taliban đạt những "tiến triển đáng kể". Cả Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo đều khẳng định, Mỹ và Taliban đã đạt được sự “đột phá” trong một số vấn đề gai góc và đang ở rất gần với một Thỏa thuận hòa bình. Đây là kết quả của một loạt cuộc đàm phán giữa Taliban với các đại diện Mỹ ở Doha (Qatar), theo đó lực lượng Taliban đã đồng ý đề xuất giảm các hành động tiến công, bắn tên lửa và đánh bom liều chết trên khắp Afghanistan, trong thời gian 7 ngày. Nếu việc giảm bạo lực được duy trì, Mỹ và Taliban sẽ đi đến ký một thỏa thuận và sau đó sẽ khởi động các cuộc đối thoại giữa Taliban và các đại diện người Afghanistan trên cả nước, trong đó có một số người giữ các chức vụ trong chính phủ nhưng không đại diện cho chính phủ.

Tiếp đó, bên lề Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 vừa diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 tại thành phố München, bang Bayern của Đức, giới chức cấp cao Mỹ cũng đã xác nhận thông tin về thỏa thuận giảm bạo lực mà Taliban đã nhất trí với Mỹ vào tuần trước. Nhân Hội nghị An ninh Munich lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn thảo luận với các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), tham khảo ý kiến đồng minh về việc rút quân ra khỏi Afghanistan trong tương lai.

Cũng tại hội nghị an ninh Munich lần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để thảo luận về những tiến triển đang đạt được với Taliban. Dù chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ với báo giới, song theo quan điểm của Mỹ, sau thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban, chính phủ Afghanistan sẽ là bên tham gia đối thoại trực tiếp với Taliban về một giải pháp toàn diện cho Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg thì hối thúc Taliban phải giảm các vụ tấn công bạo lực bởi theo ông, phiến quân Taliban nên hiểu rằng họ sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc chiến và đối thoại là cách duy nhất.

Vẫn còn lo ngại

Tuy đến nay Mỹ và Taliban chưa công bố thời điểm thực thi ngừng bắn trong vòng 7 ngày, cũng như thời điểm ký kết thỏa thuận toàn diện, song những thông tin mà Mỹ vừa đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh An ninh Munich đã làm dấy lên hy vọng mới cho hòa bình ở Afghanistan. Quan chức Mỹ cho rằng nhiều khả năng việc ký kết sẽ được tiến hành vào cuối tháng 2 này.

Theo các nhà phân tích, việc Taliban nhất trí sẽ thực thi ngừng bắn, giảm bạo lực được xem là cơ sở quan trọng để đi tới việc Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình mà hai bên đã đàm phán kéo dài thời gian qua. Điều này đã mở ra hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ là sự khởi đầu cho việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tại Afghanistan, giúp Mỹ và đồng minh có thể rút chân ra khỏi “vũng lầy” chiến tranh vốn đã gần 2 thập kỷ.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ đang đến rất gần, Tổng thống Trump càng có lý do đẩy nhanh việc thực hiện cam kết đưa Mỹ ra khỏi "vũng lầy" ở Afghanistan. Kể từ khi Mỹ đưa quân tới lật đổ chế độ Taliban năm 2001 đến nay, Mỹ đang duy trì khoảng 13 nghìn quân ở Afghanistan và Tổng thống Trump từng thông báo kế hoạch giảm quân số tại chiến trường Nam Á xuống dưới mức 8.600 binh sĩ. Do đó, việc Taliban đồng ý giảm bạo lực và dẫn tới việc Mỹ sớm rút quân rõ ràng là tín hiệu tốt với Nhà trắng, giúp Tổng thống Trump ghi thêm điểm với cử tri trước thềm bầu cử.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không mấy lạc quan, xuất phát từ kết quả thực tế đàm phán giữa Mỹ và Taliban vừa qua. Việc Taliban vẫn liên tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ Afghanistan, thay vì cam kết đối thoại, khiến lời cam kết ngừng bắn của họ vừa đưa ra không được dư luận tin tưởng. Minh chứng cho điều này là việc đáng lẽ thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đã có thể được ký kết từ tháng 9.2019 song do bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan đã dẫn tới quyết định bất ngờ hoãn đàm phán với Taliban của của Tổng thống Trump.

Ngay cả khi mới đây, trong khi các đại diện của Mỹ và Taliban đang nỗ lực cho các cuộc đàm phán ở Doha (Qatar) và tuyên bố đã đạt những đột phá trong đàm phán thì ngày 14.2 vừa qua, cả lực lượng Taliban và Chính phủ Afghanistan đều thông tin đã xảy ra giao tranh trên chiến trường. Những diễn biến này thực sự khiến dư luận hoài nghi về tính khả thi của các thỏa thuận ngừng bắn sau này.

Hơn nữa, có một thực tế là đến nay Taliban vẫn từ chối đối thoại trực tiếp với Chính phủ Afghanistan với lý do chính quyền Kabul chịu sức ép từ bên ngoài. Do đó, ngay cả khi Mỹ và Taliban đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện thì đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của tiến trình hòa bình Afghanistan và tiến trình này vẫn còn một chặng đường khá dài nữa để đi.

Đó là việc Taliban cần phải tham gia đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị tại Afghanistan, bao gồm cả chính phủ Afghanistan. Chưa kể, kể cả khi giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đạt được thỏa thuận hòa bình, thì đất nước này vẫn đang phải đối mặt với mối đe dọa bạo lực từ IS và mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda có tiềm năng hồi sinh và lớn mạnh trở lại sau khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này. Hiện an ninh bất ổn vẫn là thách thức lớn đối với Afghanistan.

Vì vậy, thỏa thuận giảm bạo lực vừa đạt được giữa Mỹ và Taliban tuy được kỳ vọng có thể khởi đầu một tiến trình chính trị, tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và một nền hòa bình bền vững cho Afghanistan, song theo các nhà phân tích, điều quan trọng là các bên cần nỗ lực xây dựng và duy trì lòng tin, thúc đẩy đối thoại quốc gia. Và quan trọng hơn hết, tương lai hòa bình và phát triển của Afghanistan phải do người Afghanistan quyết định.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy vọng về một nền hòa bình cho Afghanistan