Thủ lĩnh chết, IS có lụi tàn?

09/11/2019 20:29

Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt tại TP Idlib (Syria).

Thủ lĩnh tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) al-Baghdadi bị biệt kích Mỹ tiêu diệt hôm 26.10

Thủ lĩnh “bóng ma” đã chết, liệu IS sẽ lụi tàn hay chúng sẽ tái hợp?

Tôi luyện trong tù

Trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi (48 tuổi) sinh ra trong gia đình theo đạo Hồi dòng Suni ở miền Trung Iraq và tự xưng là hậu duệ từ bộ lạc của đấng tiên tri Muhammad.

Từ sớm, al-Baghdadi đã hiểu đạo Hồi theo cách bảo thủ. Y tốt nghiệp Trường Shariah thuộc Đại học Baghdad năm 1996. Sau 3 năm lấy bằng thạc sỹ về giảng kinh Koran tại Đại học nghiên cứu Hồi giáo Saddam nhưng ngừng học lấy bằng tiến sỹ để gia nhập lực lượng chống Mỹ ở Iraq khi Washington đưa quân vào Iraq năm 2003. Năm 2004, al-Baghdadi bị Mỹ bắt giam 11 tháng tại trại Bucca và được thả tháng 12 cùng năm.

Sau khi được phóng thích, cơ quan chống khủng bố của Mỹ và Iraq hầu như không có thông tin gì về tên này nhưng al-Baghdadi đã trở thành cố vấn tôn giáo cho nhóm khủng bố al-Qaeda ở Iraq. Đến năm 2011, y trở thành một trong những thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Khi đủ lớn mạnh, al-Baghdadi đã chủ động tách khỏi al-Qaeda để thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq. Tổ chức này là một nhánh của al-Qaeda ở Iraq.

Khi Osama Biladen bị biệt kích Mỹ tiêu diệt vào tháng 5.2011, al-Baghdadi vẫn là thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Iraq. Đến ngày 8.4.2013, y tuyên bố thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) bao gồm vùng đất rộng lớn ở khu vực biên giới Syria và Iraq.

Ở giai đoạn phát triển nhất của nhóm phiến quân do al-Baghdadi cầm đầu, IS đã làm cả thế giới kinh ngạc khi chiếm được một diện tích đất của Iraq và Syria rộng hơn cả nước Anh và điều nguy hiểm nhất là đã thu hút được hàng vạn chiến binh Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới. Al-Baghdadi tuyên bố với các tín đồ tại TP Mosul (Iraq) năm 2014 là “hôm nay các bạn là người bảo vệ tôn giáo và bảo vệ mảnh đất Hồi giáo”.

Một câu hỏi đặt ra là tai sao từ một học giả tôn giáo y đã trở thành tên trùm khủng bố ác độc nhất thế giới?

Vấn đề này được các chuyên gia phân tích an ninh thế giới cho rằng chính thời gian ở trong trại giam của Mỹ tại Iraq, al-Baghdadi đã “mài giũa và tôi luyện” tư tưởng cực đoan và xác định được kẻ thù của mình chính là Mỹ. Trong trại, al-Baghdadi có điều kiện để cực đoan hóa nhiều người và trại giam là nơi an toàn để al-Baghdadi thai nghén ý đồ thành lập “vương quốc Hồi giáo”. Do vậy, các tù nhân đã tôn al-Baghdadi là thủ lĩnh.

Theo giới phân  tích, dường như đã có một sai lầm của cơ quan tình báo và chống khủng bố của Mỹ tại Iraq năm 2003-2004 là đã thiết lập các trại giam tù binh chống Mỹ tại Iraq quá gần với trại giam các phần tử khủng bố al-Qaeda, trong khi cách thức liên lạc của các phần tử khủng bố là “muôn hình vạn trạng” khiến Mỹ không thể kiểm soát.

Chưa vội mừng

Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt được coi là thắng lợi quan trọng của Mỹ sau 7 tháng tuyên bố đánh bại IS tại Syria và cũng là một thắng lợi của Tổng thống Donald Trump trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau.

Nhưng chiến thắng này của Mỹ chưa trọn vẹn bởi ngay sau cái chết của al-Baghdadi, phát ngôn viên mới của IS nói trong một đoạn ghi âm: “Nước Mỹ đừng vui mừng với việc giết được al-Baghdadi. Các người không nhận thấy rằng nhà nước (IS) hôm nay không chỉ tiến đến ngưỡng cửa châu Âu và đã ở trung tâm của châu Phi. Nhà nước này sẽ tồn tại và mở rọng từ đông sang tây”. Điều này cho thấy thủ lĩnh IS đã bị tiêu diệt nhưng cuộc chiến chống khủng bố chưa thể dừng lại mà vẫn tiếp diễn.

Al-Baghdadi bị tiêu diệt trước mắt có thể làm IS suy yếu trong ngắn hạn nhưng không đồng nghĩa với việc IS đã đi đến hồi kết vì al-Baghdadi luôn mang tính biểu tượng cao của tổ chức khủng bố khét tiếng này. Al-Baghdadi đã chết nhưng "bóng ma" của nó vẫn luôn ám ảnh đối với an ninh toàn cầu.

Nguy cơ IS trỗi dậy là có thật bởi tổ chức này đã chọn Abadullah Qardash (còn gọi là Karshesh hoặc Haji Abdullah al-Afari) - một sỹ quan quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein làm thủ lĩnh mới.

Nhân vật này được cho là còn khét tiếng và tàn bạo hơn cả al-Baghdadi. Do đó, rất có thể thủ lĩnh mới của IS sẽ dùng chiến thuật phân tán lực lượng chờ thời cơ tập trung vào châu Âu, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á. Nguy hiểm hơn, IS sẽ bắt tay với các nhóm cực đoan thánh chiến khác đồng thời gia tăng tuyên truyền tư tưởng cực đoan, gây khó khăn cho cộng đồng quốc tế trong vấn đề chống khủng bố và ngăn chặn tư tưởng cực đoan. 

Để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan, cộng đồng thế giới rất cần một tiếng nói đồng thuận trong công việc quan trọng này.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ lĩnh chết, IS có lụi tàn?